Header Ads

  • Breaking News

    Tiếng nói công luận làm đổi chiều công lý trong vụ lùi xe trên cao tốc?

    Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội hôm 21/11 thông báo họ đưa ra quyết định kháng nghị đối với 2 bản án gây tranh cãi của một tòa án ở tỉnh Thái Nguyên về một vụ tai nạn trên đường cao tốc.

    Chiếc xe của một nữ doanh nhân Ngô Oanh Phương vận động cho tự do và công bằng cho lái xe Lê Ngọc Hoàng
    Báo chí Việt Nam đưa tin lãnh đạo tòa cấp cao “đã ký quyết định kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy 2 bản án hình sự” của tòa cấp tỉnh để điều tra lại vụ tai nạn xảy ra cách đây 2 năm, trong đó một xe tải chở container đâm vào một xe gia đình làm 4 người chết tại chỗ.

    Trong các phiên xét xử sơ thẩm và phúc thẩm trước đây, tòa án tỉnh Thái Nguyên xác định rằng lái xe tải có tên Lê Ngọc Hoàng có lỗi và kết án ông này 6 năm tù giam và phải đền bù thiệt hại.

    Ngược lại, ông Hoàng cùng gia đình và luật sư bào chữa cho rằng bản án như vậy là “bất công” đối với ông. Dựa vào các bằng chứng trong hồ sơ về vụ việc, họ lập luận rằng lỗi dẫn đến tai nạn không thể tránh khỏi thuộc về người lái chiếc xe gia đình nhãn hiệu Toyota Innova, vì người đó say rượu và lùi xe trên đường cao tốc.

    Gia đình ông Hoàng đã “kêu cứu” tới công luận, vợ ông thỉnh cầu mọi người “lên tiếng” để bảo vệ sự công bằng cho ông nói riêng, và trên bình diện rộng hơn, là tránh tạo ra một “tiền lệ sai lầm”, gây bất lợi cho những người khác khi rơi vào hoàn cảnh tương tự sau này.

    Lời kêu gọi đã nhận được làn sóng ủng hộ từ đông đảo mọi người, trong đó có giới tài xế, doanh nhân, luật sư, nhà báo, v.v…

    Hàng trăm cuộc thảo luận đã diễn ra trên các diễn đàn mạng, kể cả Facebook, với đa số áp đảo trong hàng nghìn ý kiến cho rằng lái xe Lê Ngọc Hoàng không có lỗi và kêu gọi tòa án hủy bỏ bản án, trả tự do cho ông.

    Hàng chục bài viết trên báo chí chính thống của những người thuộc các giới khác nhau cũng bày tỏ bức xúc về bản án và để nghị hủy bỏ.

    Sau nhiều ngày công luận gây sức ép, các báo trong nước đưa tin rằng hôm 12/11, Tòa án Nhân dân Tối cao “đã chỉ đạo rút hồ sơ lên để xem xét và đánh giá lại”.

    Tin cho hay, sau một cuộc họp với các chuyên gia, Chánh án Tòa tối cao Nguyễn Hòa Bình kết luận là “chưa đủ chứng cứ để chứng minh tài xế xe container có tội hay không có tội”, và ông giao hồ sơ cho tòa cấp cao tại Hà Nội “nghiên cứu”.

    Sau 9 ngày làm việc, tòa cấp cao đã ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm để điều tra lại.

    Tin tức này ngay lập tức được công chúng đón nhận như một thắng lợi ban đầu. Những người có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội như các nhà báo Trương Châu Hữu Danh, Đào Tuấn, hay nhà văn kiêm doanh nhân Trần Quốc Quân thận trọng nhận định rằng “công lý có chút hi vọng”.

    Chị Ngô Oanh Phương, một doanh nhân tích cực vận động cho lái xe Lê Ngọc Hoàng, chia sẻ với VOA rằng chị và những người ủng hộ ông Hoàng “chưa thấy vui” về quyết định mới nhất của tòa cấp cao.
    Facebooker Trần Quốc Quân thận trọng nhận xét về quyết định mới của tòa đối với vụ của lái xe Lê Ngọc Hoàng
    Facebooker Trần Quốc Quân thận trọng nhận xét về quyết định mới của tòa đối với vụ của lái xe Lê Ngọc Hoàng

    Mặc dù vậy, theo chị, những nỗ lực để đưa đến kết quả này vẫn đáng “tự hào”. Chị nói:

    “Người dân bây giờ bắt đầu quan tâm và họ chịu lên tiếng nói. Tất cả là nhờ cộng đồng mạng, nhờ người dân họ ý thức và đồng lòng lên tiếng”.

    Viết trên Facebook cá nhân tối 21/11, nhà báo Đào Tuấn gọi việc tòa án Thái Nguyên quy cho tài xế Hoàng “không giữ khoảng cách an toàn” với xe Innova đi lùi sai luật để kết án là “lập luận ngu dốt và khốn nạn”.

    Nhà báo này đề xuất rằng giờ đây nhà chức trách cần “thay đổi biện pháp ngăn chặn” đối với tài xế Hoàng sau 21 tháng ông này bị giam giữ.

    Chị Phương có chung quan điểm với ông Tuấn. Chị nói với VOA:

    “Mọi người kể cả các tài xế và bản thân tôi đều nghĩ là đúng cái công bằng, đúng cái pháp luật thì anh Lê Ngọc Hoàng là trắng án và được thả tự do ngay lập tức và phải được bồi thường cho thời gian anh bị tạm giam mất gần hai năm”.

    Nữ doanh nhân cho biết đỉnh điểm của việc chị vận động công lý cho lái xe Hoàng là chị đã cùng một số nhà báo và bạn bè vừa đi xuyên Việt từ thành phố Hồ Chí Minh tới tòa án Thái Nguyên trên xe riêng dán đề-can đòi “trả tự do” và “trả công bằng” cho ông Hoàng.

    Theo lời kể của chị, công an địa phương ban đầu đã gây phiền phức cho chị khi tìm cách khép chị vào vi phạm về quảng cáo trên thân xe. Nhưng bằng những lập luận chặt chẽ căn cứ vào luật pháp, chị đã bác bỏ và công an không thể buộc chị gỡ bỏ đề-can hay ngăn chặn chuyến đi của chị.

    Chuyến đi đã được người dân dọc chiều dài Việt Nam “ủng hộ, hoan nghênh”, cũng như “tạo dư luận tốt” cho ông Lê Ngọc Hoàng, chị Phương cho hay.

    Đánh giá về sức nặng của công luận không chỉ trong riêng vụ việc hiện nay mà xét đến tác động của nó tới các vấn đề xã hội rộng lớn hơn, chị Phương đưa ra nhận định với VOA:

    “Bắt đầu là sự lan tỏa của mạng xã hội, của truyền thông, thì người dân có ý thức. Đầu tiên họ tìm hiểu, nhìn nhận đúng sai. Sau đó, mặc nhiên họ sẽ lên tiếng. Người dân không vô cảm. Chỉ là khi nào, lúc nào cần và đủ thì họ lên tiếng. Và đó là sự khả quan cho xã hội, và sắp tới có thể có nhiều sự tốt đẹp từ sự đồng lòng từ người dân nữa”. 

    (VOA) 

    Không có nhận xét nào