Đừng “lăn tăn” với cái chức quèn trong tòa báo quốc doanh!
Thân mến gửi các bạn đồng nghiệp trẻ báo Thanh Niên mới bị thôi chức do chưa phải là đảng viên.
Bằng Khen do Hội Nhà báo Việt Nam tặng cho tác giả trong những năm 80 của Thế kỷ XX.
Tôi
tên là Nguyễn Đình Ấm, trú tại quân Long Biên Hà Nội có hơn 30 năm làm
báo quốc doanh hiện đã nghỉ hưu làm báo tự do. Nay xin có mấy lời tâm sự
với các bạn đồng nghiệp trẻ mới bị thôi chức do không phải là đảng
viên.
Các bạn đồng nghiệp quý mến!
Nghề
báo cũng là một nghề với mục tiêu “cơm, áo, gạo tiền” nhưng có khác là
các bạn kiếm tiền bằng cầm bút mà đạo đức cao cả nhất của người cầm bút
là sự trung thực, hết lòng với chân lý, đồng loại. Người cầm bút có thể
nghèo nhưng nếu làm giàu bằng sự gian dối, thủ đoạn, luồn lọt, vụ lợi,
làm ngơ trước những oan trái, đau khổ của nhân dân thì chỉ là kẻ lưu
manh hèn hạ sẽ bị phỉ nhổ gấp nghìn lần những người làm nghề khác.
Đối chiếu với những “tiêu chí” trên với việc các bạn bị mất chức do không phải là đảng viên thì như thế nào?
-
Thứ nhất: Nếu ở trong hàng ngũ đảng CS thì bạn phải tuân thủ mọi quan
điểm đường lối của đảng. Từ đây phẩm chất của bạn như trung thực, trọng
chân lý, vì lợi ích của đồng loại, đất nước... phải hoàn toàn phụ thuộc
vào ý đồ, việc làm của đảng mà hiện thân thường là những cá nhân cán bộ,
đảng viên. Nếu đảng đúng, tốt thì bạn được trung thực, làm được việc có
lợi cho dân, cho nước, ngược lại nếu đảng, cán bộ sai, tham nhũng, thối
nát thì bạn cũng là tội đồ. Ví dụ vụ Thủ Thiêm diễn ra ngay giữa TPHCM,
hàng nghìn, vạn người oan sai lang thang kiện cáo suốt 20 năm trời ở
Sài Gòn, Hà Nội các báo đều biết nhưng không báo nào dám đăng đến nơi,
đến chốn do các lãnh đạo báo chí phải tuân thủ ý chí của cán bộ, lãnh
đạo đảng ở TPHCM, trung ương. Rất nhiều bài báo đăng nội dung chính xác,
đúng sự thật nhưng chỉ ít giờ phải gỡ bỏ vì trái ý cán bộ, cấp trên...
Có vô vàn ví dụ về điều này. Chắc các bạn còn thuộc chuyên đề nghiệp vụ
quan trọng học ở học viện báo chí: “Tính chân thật của báo chí cách
mạng” mà nội dung chính là: Sự kiện, sự việc có thật nhưng không phù hợp
(trái) đường lối của đảng thì cũng không phải là sự thật”.
Từ đây suy ra: Các bạn làm cán bộ thì có hai được, một mất:
- Được: Có quyền hơn trong việc phán xét, sử dụng bài vở công việc trong tòa soạn đồng thời lương cao, lộc nhiều hơn phóng viên.
- Mất: Phải tuyệt đối làm theo ý của cán bộ đảng, chi bộ, đảng bộ, lãnh đạo tờ báo (đại diện cho đảng ở đây).
Ảnh với lời chú của ông Nguyễn Như Phong - cựu TBT Petrotimes.
Nếu
bạn “phấn đấu” vào đảng, rồi luồn lọt lên càng cao dần đến tổng biên
tập (TBT) thì cái được và mất của các bạn cũng tăng cao. Với các TBT thì
đảng càng nghiêm khắc, nếu báo đăng nội dung không sai dù có lợi chung
lưng ngoài chủ trương của lãnh đạo thì TBT sẽ bị sa thải ngay hoặc tế
nhị hơn bằng cách “ đảng phân công làm việc khác”, dù uất ức nhưng không
thể cãi. Ngay ở tờ Thanh Niên đã bao lần TBT được đảng điều động theo
kiểu ấy rồi.
Tóm lại, làm nghề báo quốc doanh hiện nay bạn phải chọn giữa hai thứ:
-
Là đảng viên làm cán bộ để công việc nhàn hạ hơn, có quyền hơn, lương
cao, lộc hậu hơn nhưng phải làm, viết đăng tin, bài đúng ý muốn của cán
bộ đảng dù đúng, sai, lợi, hại, phải làm ngơ trước những sự thật cán bộ
đảng không muốn công khai. Như thế hoạt động của bạn chỉ đơn thuần vì
miếng cơm, manh áo mà ít có lợi gì cho xã hội, nhân dân, tổ quốc. Đó
không phải là lý tưởng của người cầm bút chân chính.
-
Không phải đảng viên, chỉ là phóng viên làm việc vất vả hơn, thu nhập
kém hơn nhưng độc lập hơn trong công việc, viết đúng theo sự thật những
gì lương tâm kêu gọi, thấy mang lại lợi ích cho tổ quốc, nhân dân, làm
cho cuộc đời mình có giá trị hơn.
Nếu
bạn xác định cuộc đời mình phải có cái riêng, phải lấy lợi ích của đất
nước, dân tộc, nhân dân và gia đình lên trên hết để phụng sự, làm cho
cuộc đời mình có giá trị nhất định thì bạn không phải “lăn tăn” gì khi
không được làm cán bộ khi không phải là đảng viên.
Tôi
làm báo quốc doanh từ năm 1975 đến năm 2010 (không kể làm nghiệp dư
trong quân đội). Trong cả quá trình đó tôi thường xuyên là phóng viên
giỏi, bài vở thường chiếm những vị trí quan trọng của tờ báo. Tôi nâng
niu quý trọng từng việc làm tốt nhưng kiên quyết đấu tranh với những sai
trái, tham nhũng, hại nước, hại dân kể cả với lãnh đạo chóp bu nắm cơm
áo, sự nghiệp của tôi. Năm 1994-1998 do đưa vụ ngành hàng không VN lập
quỹ đen tham nhũng 14 tỷ đ, mua hai máy bay Forkker 70 mờ ám, khai thác
liều máy bay ATR 72 (bị hỏng động cơ nghiêm trọng chưa rõ nguyên nhân
nhưng cứ bay và chỉ thị “nếu có chuyên cơ-tức cán bộ to đi- thì chọn
chiếc ổn định”..)... tôi bị lãnh đạo ngành HKVN loại khỏi phóng viên,
cắt gần hết tiền lương (chỉ cho 300 k/tháng) bắt đi bán báo dạo rồi kết
hợp với công an triệu tập, thẩm vấn, điều tra, khởi tố, khám nhà cửa
định cho vào nhà đá nhưng tôi quyết chiến đấu đến cùng giữ gìn phẩm giá
của mình.
Từ
khi trong quân đội cũng như làm báo nhiều lần cấp trên gợi ý tôi vào
đảng để lên cán bộ “không thiệt quá” nhưng tôi không vào. Không phải là
đảng viên, không phải nói, làm theo những điều mình thấy không thật,
lương tâm mình không muốn dù nghèo, vất vả hơn nhưng tôi vẫn chọn con
đường ấy. Đến nay tôi vẫn không có gì ân hận vì gần 9 năm đi bộ đội
trong đó 6 năm ở chiến trường 559 được thưởng huân chương, hơn 30 năm
làm báo loại xuất sắc nhưng tôi không vào đảng để đổi lấy một sự độc
lập, tự do dù hạn hẹp.
Tác giả trong một lần tác nghiệp.
Hiện
nay các bạn làm báo vô cùng thuận lợi là có mạng Internet, blog, có
mạng xã hội rất nhiều diễn đàn kể cả báo chí nước ngoài có thể đăng bài.
Nếu các bạn có tài, yêu nghề, chịu khó sẽ vẫn có thể sống bằng nghề
viết mà không phải đảng viên, cán bộ. Theo tôi, làm một phóng viên giỏi
không là đảng viên, cán bộ cũng là một hạnh phúc. Nếu bạn làm việc với
tinh thần tận tụy, ngay thẳng, đàng hoàng, đóng góp nhiều cho tờ báo
bằng các tác phẩm báo chí chất lượng cao, được đông đảo bạn đọc, cộng
tác viên, đồng nghiệp tin tưởng, ủng hộ chắc chắn bạn có vị trí quan
trọng, quyền năng nhất định trong tòa soạn. Hồi làm báo quốc doanh tôi
được nhiều độc giả, cộng tác viên tôn trọng, tin tưởng gặp riêng phản
ánh thông tin, cung cấp tài liệu mà lãnh đạo không muốn lộ ra ngoài.
Phần lớn tài liệu đặc biệt là tiêu cực, tham nhũng ở nhiều đơn vị, cơ
quan do cộng tác viên, bạn đọc gửi riêng cho tôi chứ không phải cho tòa
soạn. Một nhà báo nắm được nhiều thông tin là “giàu có” nhất...
Thời
gian qua, tôi rất tiếc cho tờ Thanh Niên của các bạn cũng như báo quốc
doanh nói chung. Sự vận động của báo chí quốc doanh đang ngược với xu
thế của thời đại. Đáng lẽ thời đại khoa học, công nghệ, xã hội loài
người vận động như vũ bão đến văn minh, tự do, dân chủ... thì báo chí
của đảng CS lại càng “bảo hoàng” hơn. Các bạn chắc còn nhớ báo Tuổi Trẻ
thời tổng biên tập Vũ Kim Hạnh, Lê Văn Nuôi, Lê Hoàng, báo Thanh Niên
thời Huỳnh Tấn Mẫm, Lương Ngọc Bộ, Đặng Thanh Tịnh, báo quân đội thời
Nguyễn Đình Ước, Trần Công Mân, báo Đại Đoàn Kết thời Lý Tiến Dũng, báo
Lao Động thời Tống Văn Công... có những khoảng tự do đăng những ý tưởng,
sự kiện mới, chống những vụ tham nhũng lớn được độc giả ngưỡng mộ như
thế nào. Báo Đại Đoàn Kết đưa vụ oan ông Kim Ngọc, bức thư của đại tướng
Võ Nguyên Giáp ngăn dự án bauxite tây nguyên ra công khai, báo quân đội
đăng nhiều vụ tham nhũng, lộng hành ở ngành Hàng không VN, của cán bộ
trung ương gần như “không có vùng cấm” được độc giả yêu mến, nhân dân
tin tưởng. Báo Tuổi trẻ, Thanh Niên, Lao Động có những thời kỳ phát hành
hành hơn nửa triệu bản... Ngày nay trong khi bị Internet, mạng xã hội
cạnh tranh quyết liệt thì những tờ báo trên lại “bảo hoàng” đến mức thảm
hại. Những vấn đề cả nước nhìn thấy nhưng không báo nào đăng. Những
đoàn hàng trăm dân oan lang thang khắp các phố hết năm này sang năm khác
từ 20 năm qua rất thương tâm, những vụ hàng nghìn cảnh sát bao vây trấn
áp tàn bạo dân cướp đất ở Văn Giang, Dương Nội, Bắc Ninh, vụ đánh người
cướp đất, cảnh sát bị dân cầm giữ ở Đồng Tâm, hàng vạn người biểu tỉnh
phản đối Trung Quốc xâm lược, bảo vệ môi trường, cây xanh... ở giữa Hà
Nội, TPHCM nhưng tất cả báo chí làm ngơ. Báo Thanh Niên của các bạn cũng
được xếp vào hàng ngũ “ tiến đến báo Quân đội, Nhân dân, Hà Nội
Mới...”.
Các
bạn có thấy bận lòng, thấy nhục khi bưng bát cơm, mặc cái áo của dân mà
tờ báo của mình... ngoảnh mặt trước đau khổ, oan trái của họ? Có thấy
đau đớn khi hàng ngày Tàu cộng bồi đắp biển đảo ngoài khơi VN, cướp phá,
bắn giết nhân dân ta vô tội vạ mà tờ báo của các bạn làm ngơ hoặc phải
nói là “tàu lạ”?
Tác giả bên cụ lê Đình Kình "thủ lĩnh" chống tham nhũng giữ đất của dân Đồng Tâm
Không
chỉ có vậy nhiều tờ báo, TV của các cơ quan đảng còn đăng theo ý muốn
quan chức vu khống xuyên tạc với nhân dân, gọi những người biểu tình đấu
tranh bảo vệ tổ quốc, môi trường, những người dân oan...là “cơ hội,
phản động”. Họ tưởng trình độ dân ta quá thấp, không có nguồn thông tin
nào khác nên đăng những điều xuyên tạc, lố bịch, thực tế là phản tuyên
truyền, càng gây ức chế cho dân, chọc tức dư luận. Tôi đi làm việc ở Văn
Giang, Hà Nội, Đồng Tâm, Bắc Ninh... thấy nhiều nhà báo, tờ báo quốc
doanh bị nhân dân phỉ nhổ, không tiếp phóng viên do các tờ báo, TV chỉ
viết, phát theo sự xuyên tạc của bọn quan chức tham nhũng, làm ngơ trước
oan trái đau khổ của nhân dân. Hiện nay những tờ báo ấy chỉ sống vào sự
chu cấp của nhà nước từ tiền thuế của nhân dân, chủ yếu chỉ để biếu các
đảng viên tiền khởi nghĩa, trên 50 tuổi đảng trở lên dùng gói đồ, lau
chùi...
Những
tờ báo không bán được trên thị trường là những tờ báo không ai muốn
đọc, muốn mua tức những người làm ra nó là vô tích sự, cuộc sống của họ
là ăn bám nhân dân, thậm chí mọt nước, hại dân là “ăn bẩn”, có tội với
nhân dân.
Những người có ý thức cuộc sống không chấp nhận một cuộc đời vô dụng, ăn hại thế gian như thế.
Vì vậy, theo tôi, các bạn không việc gì phải “lăn tăn” với việc bị loại khỏi ba cái chức quèn trong các tờ báo quốc doanh.
Chúc các bạn “chân cứng, đá mềm” trong nghề nghiệp.
Nguyễn Đình Ấm
(VNTB)
Không có nhận xét nào