Header Ads

  • Breaking News

    Thư của bác Việt Nhân gửi Lê Tín- Nghiệp đoàn sinh viên Việt Nam


    Thân gởi cháu Lê Tín,

    Năm nay Bác đã 91 tuổi rồi, nên xin được gọi bằng Bác Cháu cho thân mật. Bác đã đọc bài của Cháu về Cơ cấu Việt Nho, Bác rất vui mừng vì các Cháu đã nhận ra nan đề chính của Dân tộc là nằm trong lãnh vực Văn hóa , các cháu đã và đang tỉnh thức , không như một số đàn anh ( cả trong và ngoài nước ), nói chuyện đâu đâu cũng thao thao bất tuyệt nhưng chuyện Mình , chuyện Dân nước mình thì bỏ lơ, chỉ lo tranh dành ăn thua đủ với nhau cho tan nhà nát nước.

    Một Dân tộc mà thiếu Chủ đạo Hòa thì khó mà đoàn kết với nhau mà lo việc chung . Chưa có một Dân tộc nào mà có Gốc Kết đoàn phổ biến và thực tiễn như Dân tộc minh với Tình / Nghĩa Đồng bào, Tình Nghĩa Đồng bào nằm trong con số 2 của Cơ cấu Việt Nho hay trong Huyền thoại Tiên / Rồng, vì mê Khoa học cho là chuyện hoang đường nên bỏ mất viên Ngọc quý mà trở nên nghèo nàn về Tình cảm và Lý trí.

    Khi Tâm / Trí con Người có Vấn đề thì con Người và Dân tộc gặp nạn !

    Rõ ràng:

    “ Phượng Hoàng cắt cánh bỏ đi

    “ Rước loài Bìm bịp đem về chăm nuôi “ ( Kim Định ? )

    Bác cũng đã xem bài của Bác mà các Cháu đã đăng lên mạng của Sinh viên, Bác xin đa tạ.

    Bác thấy các Hình chưa được đưa vào, Văn hoá Dân tộc là Văn hoá biểu tượng về Đồ hình cũng như Đồ hình và Số độ , nên các Hình rất là quan trọng .

    Chắc các Cháu chưa có thì giờ. Để copy các hình thì Cháu right click vào hình đó rồi click vào “ save image as “, xong click vào Save, xong rồi click vào icon ở dưới screen góc Trái ( vừa saved ) thì nó mở hình ra , rồi copy mà paste vào.

    Thân chúc Cháu luôn được khỏe vui và nhiều may mắn. Cầu cho Nghiệp đoàn Sinh viên ngày một tiến vững vàng trên bước đường Văn hoá Dân tộc. Quốc Gia Dân tộc đang thiết tha mong chờ vào các Cháu.

    Thân mến

    Việt Nhân



    -----------------
    Thư gởi các bạn Nghiệp đoàn sinh viên Việt Nam về “Nền văn hóa dân tộc” 

    I.- THƯ ĐÓN CHÀO LÀN GIÓ MỚI

    Khi nhận được Điện thư của ông Huỳnh Quang Thế, chúng tôi được biết Nghiệp Đoàn Sinh viên Việt Nam trong nước có nhã ý tặng sách của Triết Gia ( T.G. ) Kim Định cho những người lưu tâm đến Văn hoá nước nhà, Sách do Hội Nhà Văn Xuất Bản.

    Được tin này chúng tôi rất đỗi vui mừng, vì những công trình quý báu về Việt Nho và Triết lý An vi của của Giáo sư ( GS ) Kim Định đã được biết đến và đang được tiếp tay phổ biến trong nước. Chúng tôi vô cùng phấn khởi, vì Nan đề của Quốc gia Dân tộc đã được thế hệ trẻ trong nước lưu tâm theo chiều hướng Văn hóa.

    Để phố biến công trình, Hội An Việt chúng tôi cũng đã làm cách nay trên dưới 30 năm. Các Anh Chị Em trong gia đình An Việt Houston do Ông Nguyễn Duy Quang ( Đã qua dời ) và Ông Nguyễn Kim Luân đã vận động Anh Chị Em trong Gia đình An Việt xuất tiền túi in một số sách của Kim Định biếu tặng cho độc giả, số sách in nhiều quá biếu không hết, một mặt vì là loại sách kén độc giả, hai là phổ biến chưa được rộng sâu, còn việc bán cũng chẳng được bao nhiêu, vì sách bàn về những vấn đề quá cũ thành ra quá mới đối với lớp trẻ, hai nữa vấn đề vừa rộng vừa sâu, nếu không kiên trí học hỏi lâu dài thì khó bao quát được, nên nhiều người tìm hiểu một thởi gian cũng đã bỏ cuộc.

    Lại nữa, Văn hoá chỉ cung cấp cho chúng ta Chính lược Quốc gia, để từ đó các nhà làm Chính trị dựa theo “ Tinh thần Chính lược “ hay “ Chủ đạo Hòa của Dân tộc “ kết hợp với Tình trạng đương thời của Quốc gia Dân tộc mà hoạch định “ Chiến lược và Chiến thuật “ cụ thể, chứ không là những kiến thức thuộc loại cao tốc hay mì ăn liền có thể xài ngay.

    Chính lược Quốc gia chẳng khác nào cái La bàn trên con tàu Quốc gia đang di chuyển trên đại dương sóng gió, nếu mất hướng thì con tàu sẽ gặp nạn lớn, cụ thể là hơn 70 năm nay, con Tàu Việt Nam đã lạc hướng vào Tam giác qủy. Chính lược Quốc gia là vấn đề quan trọng hàng đầu, nhưng tới nay, xem ra vẫn còn chưa được quan tâm đúng mức !

    Trước đây Hội An Việt toàn cầu do Ông Trần Quý Minh làm Gia trưởng, Ông Vũ Khánh Thành lập và điều hành trang mạng anviettoancau.net ở Anh quốc, đã thuê đánh máy hết 33 cuốn và đăng lên trang mạng, sau một thời gian thì trang mạng bị đánh sập đã mấy năm nay.

    Hiện nay trang vietnamvanhien.net, vào mục index ở Úc Châu, Ban Giám đốc cùng ông Nam Phong đã đăng tải đầy đủ 33 cuốn của T. G. Kim Định và hàng ngàn tác giả khác để cung cấp nhiều tài liệu Văn hoá cho độc giả bốn phương.

    Đề chào đón hảo ý và nhiệt tâm của các bạn Sinh viên, nhờ có địa chỉ email, chúng tôi mới có dịp viết 3 lá thư dưới đây trao đổi một vài vấn đề với các Bạn Sinh viên Nam Nữ trong nước, tuy biết là dài lời sẽ làm phiền quý Vị, nhưng thiết tưởng phần nào có thể giúp quý Vị có cái nhìn bao quát hơn tránh khỏi bỡ ngỡ bước đầu, khi thật sự muốn đi sâu vào công trình của Kim Định. 

    Thưa các bạn, 

    G. Kim Định tuy là một Linh mục, nhưng xuất phát từ Lương tâm của một Công dân yêu nước “ Sống Đạo giữa Đời “, cảm thấy không thể sống mãi trong Quốc nạn và Quốc nhục triền miên, khiến Công dân Kim Định cũng đã thổn thức suốt cuộc đời, khi nào cũng thở than là không kịp nữa rồi! ( Với niềm tin là Không kịp đem Văn hoá Dân tộc vào cuộc sống mà cứu nước ) 

    T.G. đã nhận ra rằng: Nan đề của Dân tộc không chỉ nằm trong lãnh vực Chính trị, Giáo dục, Kinh tế. . . , mà nằm ngay ỡ lãnh vực Văn hoá, vì Văn hoá là mạch sống của Dân tộc, khi mạch sống Dân tộc có bị suy yếu thì con Người mới yếu hèn theo, như nay đã có Châm ngôn phổ biến ” Hèn với Giặc, Ác với Dân “ nên rút cuộc nạn đề của Dân tộc nằm ngay ở con Người, ở Nhân Tình và Nhân Tính của con Người. Mọi việc Tốt Xấu trong Gia đình và ngoài Xã hội đều do con Người làm ra. 

    Nên nhớ, đã là con Người, không nhiều thì ít ai ai cũng bất toàn cả, nếu không biết tu Thân để ăn ở từ tế với nhau thì mới gây nạn cho nhau và cho Dân tộc.

    Vậy khi nền Văn hoá đã suy đồi thì phải tìm cách canh tân lại nếp sống của Dân tộc. Tinh hoa của Văn hoá Tổ Tiên đã giúp Dân tộc tồn tại qua trường kỳ Lịch sử, lại nữa: “ Trâu đồng nào ăn cỏ đồng nấy “, không thể nào không Phục hoạt lại nền Văn hóa Dân tộc mà cứ chạy quanh những hiện tượng rối ren bên ngoài, việc này cần thiết hơn là lấy cái Mới lạ bên ngoài mà thay thế vào, vì toàn dân “ chưa thể “ đồng hoá trong thời gian ngắn . Học hỏi thêm tinh hoa mọi mặt của nước ngoài là điều cần, nhưng phải chọn lọc thứ thích hợp và được “ toàn dân chấp nhận “ mới có ích. Cứ xem cuộc canh tân của nước Nhật để rõ, đó là vấn đề “ A nation in search of itself : cây đũa thần nằm chính cốt ở ngay trong nước mình“

    T.G. Kim Định đã dành 50 năm, tìm tòi, lục lọi, đào xới những tài liệu Đông, Tây, Kim, Cổ để khai quật lên những mỏ nguyên liệu Triết Việt mà xưa nay nhiều người cứ tin là Việt Nam không có Văn hoá, nhất là không có Triết, có chăng là học Tàu, học Tây mà ra, khi tìm ra thì thực tế lại trái ngược !.

    Công trình Việt Nho và Triết lý An vi của Kim Định rất độc đáo, đề cập tới nhiều vấn đề mới lạ, tìm tới ngọn nguồn của Văn hoá Tổ Tiên từ thời Văn hóa Hoà bình, khui ra những cuộc đạo Văn hoá Cổ Kim làm tiêu trầm Văn hóa Tổ Tiên của Đại Hán, công trình làm đảo ngược niềm tin xưa nay, khiến cho nhiều vị Trí thức bị sốc nhất là các vị Hán Nho.

    Dân tộc Việt Nam là một dân tộc nhỏ bé, sống cạnh một nước Khổng lồ, các nhà cầm quyền Tàu liên tiếp dùng chính sách vô cùng “ Tham tàn và Cường bạo “ ( còn nhân dân Trung hoa đa số đều thuộc đại chủng Việt của chúng ta ) để “ Tiêu diệt Dân tộc Việt Nam “ suốt 4715 năm, thế mà không Đồng hoá nổi Dân tộc nhỏ bé sát nách…

    Một câu hỏi lớn được đặt ra, nhờ đâu mà Dân tộc Việt Nam còn tồn tại đến ngày nay?

    Phải chăng là Việt Nam đông dân, của nhiều, vũ khí lắm, lẽ đương nhiên là không, mà sức mạnh đó nằm ngay ở Tinh thần Bất khuất của nền Văn hoá Dân tộc. 

    Với Lòng rộng Trí sâu và niềm Tin sắt đá trên, một mình một ngựa, T. G. Kim Định lâm lũi trong Không gian và Thời gian mất hút mãi miết kiếm tìm, khổ nỗi nền Văn hoá Dân tộc đã bị vùi lấp hàng ngàn thế kỷ dưới lớp Bụi Thời Không của Hán Nho đã 4700 năm, kể từ Hiên Viên Hoàng Đế Thủy Tố của nước Trung Hoa, rồi tới 80 năm độ hộ Pháp với Văn chương lãng mãn và Triết học Duy lý Tây phương vùi lấp, trộn lẫn, rất khó nhận diện..

    Theo T. G. Kim Định, sở dĩ Dân tộc Việt Nam gặp phải nan đề suy thoái hiện nay là do bị Hán Nho cả vú lấp miệng em, làm quên Gốc, rồi học Tàu và học Tây thiếu chọn lọc, gây ra nạn “ Lạc Hồn Dân tộc “ khiến cho một số con Dân Việt Nam đã quên Gốc Tổ Tiên, rước Tổ Tàu Tổ Tây xa lạ với Độc dược về thờ mà đầu độc con Người, nên không còn nhận ra nhau là Đồng bào nữa. Nạn Khôn Độc Dại Đàn cũng như Tham Dĩa Bỏ Mâm đang là nan đề phá nát tinh thần đoàn kết Dân tộc. 

    Nếu đi sâu vào lòng Dân tộc Việt Nam thì nền Văn hoá Dân tộc đang còn là làn sóng ngầm luân lưu nơi huyết quản mọi con dân Việt Nam. 

    Chúng ta thấy vừa đây có một đại Trí thức khi bị Ban Kiểm tra Trung Ương kỷ luật vì “ Tự Diễn biến “ nên mới tuyên bố bỏ đảng, một số trí thức khác hưởng ứng theo, trong khi đó, các thanh niên nam nữ vừa tuổi đôi mươi đã được đảng “ Trồng người “ suốt 42 năm, thế mà còn nhận được rõ ràng bản chất của đảng CSVN ! 

    Phải chăng đó là Lòng họ đang còn có chút Lương tâm sót lại của “ con Người Văn hóa Việt Nam” đã giúp họ Thức mà Tỉnh.

    Vậy muốn cứu nước hữu hiệu, tiên vàn Dân tộc Việt Nam cần phải phục hoạt lại nền Văn hoá siêu việt của Tổ Tiên mà ít Dân tộc có được ( Theo GS Kim Định ) , do đó mà nhu cầu khẩn thiết là Dân tộc phải hoàn thành cho được Bộ sách Văn hoá Dân tộc để neo Hồn thiêng Sông Núi lại với mọi con dân Việt.

    Như vậy khởi điểm của GS. Kim Định là Tinh thần Công dân yêu nước và Đáo điểm của Kim Định là Việc hình thành cho được “ Bộ sách Thái Hòa Dân tộc “ để định hướng cho sự Tồn vong và Phát triển của Dân tộc. 

    Đây là công việc dài hơi, khó khăn và tốn kém, nhưng không thể bỏ qua, không thể vội vã, vì đây là cái Gốc cũng như cái Ngọn của Tinh thần Dân tộc. Bộ sách Dân tộc này cũng giống như cuốn Thánh kinh của Do Thái.

    Bộ sách giúp con Dân canh tân cuộc sống, xây dựng lại Tinh thần đoàn kết Dân tộc để cùng nhau chung Lòng, chung Trí, góp sức, cùng hướng về Sinh lộ của Dận tộc mà cứu và dựng nước.

    Công việc thì rất bề bộn và khó khăn mọi bề, một mình GS. Kim Định, không thể làm nổi. Tuy GS cũng đã lập ra Hội An Việt nhiều nơi ở nước ngoài để tiếp tục công trình, chúng tôi cũng gắng công, nhưng cũng chỉ làm được bấy nhiêu, nhưng nay nhiều vị trong Hội đã già yếu không thể tiếp tục. 

    Có lẽ là đây là Cơ Duyên để xin trao gánh nặng cho quý Vị trong nước, chỉ có tầng lớp Sĩ phu và Lớp Trẻ trong nước đông đảo, đầy nhiệt huyết và đầy Khả năng và có đủ tài liệu tra cứu mới làm nổi, GS Kim Định đã mở đường khai lối, hằng mong quý Vị chấp nhận mà tiếp tay. 
    Kim Định đã đề nghị soạn thảo cho được Bộ sách Dân tộc phải gồm có Bốn Pho: Pho Kinh, Pho Triết, Pho Sử và Pho Văn. 

    Chúng tôi xin trích một ít về các vấn đề liên quan trong công trình của GS Kim Định để gợi ý:

    Sách Dân tộc

    “ Những yếu tố làm nên Dân tộc như Đất đai, Giòng máu, Tiếng nói tuy quan trọng, nhưng một Cơ sở Tinh thần làm cho Dân tộc được vững mạnh và trường tồn lại quan yếu hơn.

    Sứ mạng của nền giáo dục Quốc gia chính là gây dựng vun tưới cho Cơ sở Tinh thần nói trên. Nó làm cốt tuỷ cho cái gọi là Huấn linh, tức là huấn luyện cho Dân nước có một cái Hướng sống lý tưởng. Để chu toàn Sứ mạng trên, điều cần trước hết là phải có Bộ Sách Dân Tộc. Mà đã là sách Dân tộc thì phải có Kinh Điển.

    Sách Kinh điển phải hội đủ các điều kiện sau: Nhân bản, Tâm linh, Giải phóng, Bình dân và Trường tồn ( lâu đời ), như đã bàn ở trên.

    Triết lý là những sách bàn về Đạo lý hàm chứa trong Kinh Điển, bằng đưa ra một số khía cạnh nào đó, bàn cho xác đáng và có lý giải, vì thế Triết lý không đáp ứng đủ năm điều kiện trên kia, thí dụ lối văn có luận chứng gãy gọn, hệ thống, chứ không là lối văn âm u hàm hồ của Kinh Điển. 

    Triết lý thường xuất hiện về sau, không bao gồm được những thế hệ xa xưa như Kinh Điển. Vì thế, Kinh điển chỉ có Một mà Triết lý thì có Nhiều: mỗi giai đoạn cần một Triết lý mới, Viễn Đông đã có những nền Triết lý của Mạnh Tử, Tuân Tử, Đổng Trọng Thư đời Hán, rồi Chu Trình đời Tống và Vương Dương Minh v. v. . . 

    Khi Triết lý không y cứ trên Kinh Điển, thì thường bàn tùm lum những vấn đề ngoài Thân Tâm con Người và ta sẽ gọi là Triết học, thí dụ Triết học duy niệm của Tây Âu.

    Sau triết lý là Văn chương như Thơ, Phú, Tiểu thuyết, Tuồng, Kịch . . , nó có nhiệm vụ nhắc nhở đến Đạo lý cho người đã học và đang bận những việc khác không còn thì giờ rảnh rổi để học, đúng hơn đã học về căn bản rồi, nay cần học hỏi để phát triển thêm.

    Văn chương thuộc Văn hoá hậu trường, nên phải viết một cách nghệ thuật, nghĩa là dùng những câu nói khéo, những ý tưởng đẹp và lôi cuốn, để cho người ta dễ nghe ,dễ chấp nhận. Cũng vì thế mà Văn nghệ phải thay đổi dạng thức luôn luôn, nên Văn nghệ năng thay đổi hơn Triết.

    Văn nghệ đổi Mười, Triết chỉ đổi Một Hai, còn Kinh Điển không bao giờ thay đổi. Vì thế mà Kinh Điển là sợi giây nối kết các thế hệ khác xa nhau rất nhiều .Sự phân biệt trên giúp ta giải quyết những thắc mắc giữa Tiến hoá và Truyền thống. 

    Về phía trung thành với Truyền thống đã có Kinh, còn phía Tiến hoá theo thời đã có Truyện tức là Triết lý và Văn nghệ. Tiền nhân chúng ta đã phân ra : Kinh , Sử , Tử , Truyện hay cách khác là Kinh, Triết, Sử, Văn.

    1.- Kinh

    Kinh tức là Kinh Ðiển ( canon ) gồm những sách nền tảng nhất đóng vai trò của Thánh Kinh trong các Tôn giáo. Chúng ta không có Thánh Kinh thì phải có Kinh Ðiển theo nghĩa sách bao gồm các “ Kinh ” nghiệm sống của người xưa, tàng chứa những Chân lý sâu xa mà chúng ta phải coi như Điển chương, như mẫu mực, phần mà ai cũng học hay ít ra phải đọc, phải có trong gia đình để một nơi đáng kính. Những sách thuộc về Kinh Điển Việt Nam, ta có thể kể :

    a.- Một số truyền kỳ thuộc thời Hồng Bàng như : “ Lĩnh Nam chích quái ” Việt Điện u linh “, Truyền kỳ mạn lục ” . . . 

    b.- Một số sách Nho giáo là của chung của dân tộc Viễn Đông, mà Bách Việt đã đóng góp một phần quan trọng, đó là di sản cố cựu quen thuộc và đáp ứng được tất cả năm tiêu chuẩn của sách Kinh, những sách do các Thánh nhân viết thì gọi là Kinh, các hiền giả thuật lại lời Thánh nhân thì gọi là Truyện ( Thánh nhân chế tác viết Kinh, Hiền giả trứ thuật viết truyện ) Đó là các quyển như Tam Tự kinh, Minh Tâm bảo giám, Đại học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử, ngũ Kinh như Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Dịch, Kinh Lễ, Kinh Xuân Thu, Kinh Phật giáo, Đạo Đức Kinh & Nam Hoa Kinh .. . 

    c.- Một số Ca dao, Tục ngữ, Ngạn ngữ , một số bài Thơ, bài Hát được truyền tụng nhiều.

    2.-Triết

    Triết là sách giải nghĩa Kinh Ðiển cho hợp với cảm quan thời đại. Nó sẽ là con thoi đi từ Kinh Ðiển vào đời sống cũng như vào Sử Văn, giúp cho tất cả thêm phần ý thức sâu xa về Đạo, về Đời. Nó cũng đóng vai trò Hiện đại hoá kinh sách như Văn, nhưng khác ở chỗ đi tận nền và cách bao quát, có hệ thống . Thiếu Triết thì Kinh trở nên mớ chữ chết khô.

    Nói tóm lại, ta có thể khai thác trong các Kinh Điển, trong các Truyện trên để tìm ra những điểm chính về Nhân sinh quan và Vũ trụ quan của Tổ tiên ta. 

    3.- Sử

    Nói đến đây là muốn Sử chỉ một bản tóm lược, thường là bản văn dùng làm “ khung lịch sử ” chung cho mọi người trong nước hầu như thuộc lòng, bất ký ai dù thất học cũng phải đọc qua. Vì thế nó phải có địa vị trong bộ sách Dân tộc. Quyển sử này không thay thế những sách Sử Địa từ Trung cấp trở lên đến Đại học và các pho Sử bác học. Những loại này thuộc Văn học sẽ tuỳ thời, tuỳ tài giáo khoa hay những khám phá mới mà thay đổi . 

    Sử nói ở đây chỉ là bản tóm nên cần vắn tắt, kiểu như Tam Tự Kinh, hay “ Ðại Nam quốc sử diễn ca hoặc một phần quyển “ Thiên Nam ngữ lục ” hoặc làm ra một quyển bằng văn vần, ngũ ngôn chẳng hạn. 

    Một khi được chấp nhận thì không nên đổi nữa, để giữa đồng bào có thêm “ mối tình giáo khoa ”, vì ai cũng học theo đó, lấy đó làm khung ( để chấp nhận hay tranh luận ) làm tiêu điểm . 

    Ta chỉ cần viết lên những mốc biến chuyển lớn của lịch sử để ta thấy được những nét chính của sinh hoạt Dân tộc ta. Nếu ta có được một cuốn Việt Sử ca gọn gàng cho dễ học và dễ nhớ hầu ai cũng thích đọc và học thì quý lắm .

    4.-Văn

    Cũng là một lối mở rộng Kinh vào Đời sống như Triết nhưng không theo lối lý luận chặt chẽ như Triết mà đi theo lối Nghệ thuật như thi Ca, Tiểu thuyết, Tuồng kịch, hoặc nghiên cứu kiểu Văn học. Như vậy Văn ở đây hiểu theo hai nghĩa : 

    Trước hết là những áng văn kiệt tác, trong dĩ vãng gọi là nhân văn cổ điển ( classics ), thí dụ truyện Kiều. Phần này một khi được vào sổ bộ, thì cũng bất biến, nhưng không buộc mọi người đọc ít ra tất cả, vì thế có nhiều cổ điển, không hạn chế số .

    Hai là những động tác Văn học, Văn hoá Văn nghệ đi sát thời cuộc, cũng như đi mạnh vào chi tiết, vào từng khía cạnh. Phần này biến chuyển luôn, thí dụ từ Nam Phong rồi đến Tự Lực Văn Ðoàn cho đến ngày nay, ít ra có ba giai đoạn văn học. 

    Văn theo nghĩa này thì chúng ta không thiếu, ngay cả trong cảnh tỵ nạn cũng được gọi là khá phong phú; chỉ cần duy trì và gia tăng phẩm chất. Tóm lại theo nghĩa hai thì đã và đang có rất nhiều và hay biến đổi. 

    Về sau, mỗi giai đoạn chỉ để một vài đại biểu để trở thành cổ điển .

    Triết cũng thay đổi nhưng tới hạn lâu hơn nhiều, mỗi giai đoạn có thể bao gồm nhiều trăm năm, thí dụ bên Tàu sau Tuân Tử, Mạnh Tử đời Chiến Quốc, thì đến Ðổng Trọng Thư đời Hán, rồi Chu Trình đời Tống, tiếp đến đổi mới ngày nay . . . “

    Đây là một công trình to lớn và khó khăn, cần phải có sự đóng góp của nhiều người, cần phải có thời gian và nhiều công sức, nhất là phải có một Tổ chức như Bộ Giáo dục để quy tụ những người có Khả năng và Tâm huyết, và phải có đủ Tài chánh mới thực hiện đuợc. Một số điều kiện này ở trong nước đã có, nhưng chưa có một Chủ đạo rõ ràng để khởi công. Còn ở hải ngoại, nếu chúng ta tìm được số người có một học vấn uyên thâm và quảng bác nâng đỡ chúng ta, để cho chúng ta thỉnh ý, giúp cho những bài viết của chúng ta bớt sai lầm đi. Nhưng trong thực tế hiện nay ở đây, chúng ta chưa có cái may mắn đó .

    Vậy thì chúng ta cứ bắt đầu theo khả năng khiêm tốn của chúng ta, chẳng thà chúng ta cứ bắt đầu mà không nên việc, còn hơn là chúng ta cầu toàn ngồi mà đợi, đợi cái không bao giờ sao! 

    Chúng tôi mạo muội, viết một số tài liệu cho các trẻ em ở cấp tiểu học trung học, may ra có giúp được chút gì cho thầy cô dạy Việt và chữ Nho, nhất là quý vị đang định cư các nước trên thế giới. Chúng tôi trích ra một số Kinh Điển làm tài liệu cho các thầy cô, rối thu gọn lại cho các trẻ em, và góp vài ý kiến chính như là phần Triết được rút ra từ các tài liệu được trích. Phần lựa chọn bài học cũng như chương trình học là do sự sắp xếp của Thầy Cô. 

    Khi đã có Bộ sách Dân tộc rồi thì ta sẽ hết lúng túng khi bảo con cháu tránh nạn vong bản, vì ta biết “ Bản ” đó nằm ở sách nào, có thể đưa cho chúng đọc để chúng không bị lúng túng trước rừng sách vở ( chắc người Việt tỵ nạn khắp nơi cảm thấy sâu xa về sự cần thiết có một bộ sách Dân tộc hơn bao giờ hết ). Làm thế sẽ tránh được cho chúng khỏi mất nhiều thỉ giờ đọc những sách không mấy giá trị vừa uổng công vừa mất tin tưởng vào Dân tộc. Trái lại khi đã có Bộ sách Dân tộc thì ta biết liền đâu là chỗ y cứ, đâu là sợi giây Tinh thần để tâm hồn được ràng buộc với các nhóm Lạc Việt sống rải rác khắp năm châu bốn biển .”’

    Công trình soạn thảo Bộ Sách Dân tộc 

    Theo thiển ý, sau khi một số vị đã nghiên cứu tổng quát công trình của Kim Định, thì mới cùng nhau lo việc soạn thảo cho được Bộ Sách Dân tộc. Để làm được công trính to lớn và khó khăn này thì phải có Ban Tu Thư Trung Ương của Quốc gia, gồm 5 Ban chuyên viên từng lãnh Vực:

    1.– Lãnh vực Kinh Điển gồm quý vị chuyên Cổ ngữ về Chữ Nho ( chứ chẳng có chữ Hán nào hết ) , có khả năng Gạn Đục khơi Trong Hán Nho trong Ngũ Kinh để trích ra phần Vương đạo của Việt Nho, dựa trên Tiêu điểm Văn hoá Nông nghiệp và Văn hóa Du mục .

    2,– Lãnh vực Triết gồm phần đúc kết Triết Đông, Triết Tây và Triết lý An vi. Triết phải được Chu tri, hầu đóng vai trò quan trọng trong mọi sinh hoạt để tránh nạn phiến diện.

    3.- Lãnh vực Sử thì có Huyền Sử và Lịch sử. Huyền sử là nguồn mạch của Văn hoá. Lịch sử là những biên cố nhằm thể hiện hiện mạch sống nơi Huyền sử ra ngoài xã hội.

    4.- Lãnh vực Văn thì gồm Cổ văn và Kim Văn qua các Giai đoạn Lịch sử, nhưng Văn của Dân tộc là thứ “ Văn dĩ tải Đạo “.

    5.- Ban Điều hợp chung gồm những vị có kiến thức tổng quát và thông hiểu một số ngoại ngữ để giúp tống hợp Công trình của 4 Ban trên thành Bộ sách Dân tộc sao cho Việt Nho và Triết lý An vi thành nền Văn hóa có Hệ thống Nhất quán với mối liên hệ Cơ thể, mà Dịch lý là sợi Chỉ Hồng xuyên suốt công trình. 

    Khi đó Bộ sách Dân tộc mới sẽ là chiếc La bàn có hai Kim Chỉ hướng: Nhân Bản – Tâm linh để đưa con Thuyền Dân tộc về cập bến Thái hòa .

    Mời bạn đọc trọn vẹn bức thư dài 91 trang này tại đây: https://goo.gl/Pm2S1r

    (Nghiệp đoàn sinh viên Việt Nam)

    Không có nhận xét nào