Một cựu nhà báo đã phát hiện: Khi làm
hồ sơ thăng chức, thì ông nào cũng khỏe mạnh, đầy sức lực để cống hiến,
mà khi ngã ngựa thì thấy đủ thứ bệnh tật lòi ra. Đó là một phát hiện
thú vị vì có rất nhiều nhân vật còn rất trẻ, khi đương chức thì cả khẩu
khí, thân khí và thể lực đều phát lộ sung mãn, nhưng sau khi ngã ngựa,
đã vội vã xin nghỉ đi chữa bệnh.
Hình minh họa |
Nhưng cũng có thể có nhiều người không phát bệnh bất thường.
Bữa cơm dưa cà của ông Vĩnh và cơn tăng huyết áp của hàng vạn người
Cựu
trung tướng Phan Văn Vĩnh, đã 63 tuổi, còn cựu thiếu tướng Nguyễn Thanh
Hóa bước vào tuổi 60. Ở tuổi này, nếu có mắc bệnh huyết áp thì cũng
không có gì lạ.
Giữa
một phiên tòa căng thẳng, cả ông Vĩnh và ông Hóa đều bị đột ngột tăng
huyết áp, buộc phải ngừng giữa chừng để chăm sóc y tế, càng không lạ.
Cứ
nhìn khuôn mặt chằng chịt nếp nhăn và mái tóc chuyển bạc của ông Hóa;
nhìn khuôn mặt luôn cúi xuống đăm chiêu của ông Vĩnh, mới thấy hậu quả
khủng khiếp khi rơi từ đỉnh cao quyền lực xuống vực sâu, lớn đến chừng
nào.
Trong
những tháng ngày lao lý, suy ngẫm về cuộc đời, về vay trả, về cống
hiến, về những chiến công lừng lẫy, về sự nhúng chàm, chắc chắn một
người như tướng Vĩnh, chưa có bệnh, rồi cũng tự hóa bệnh.
Khi
lên đến đỉnh cao nhất thì cũng có nghĩa, ngay sát chân mình là dốc
xuống, là vực thẳm. Càng lên cao, càng tiềm ẩn nhiều vực thẳm. Không giữ
được cho mình sự cân bằng trong lằn ranh ấy, cái giá phải trả sẽ không
đo lường được.
Với
nhiều người già, bệnh huyết áp là kẻ thù không thể tránh, giống như
buộc phải sống chung với lũ. Nhưng bệnh hoa mắt vì tiền, vì quyền thì
lại có thể phòng tránh được, dù thật sự khó khăn.
Trước
khi ông Vĩnh, ông Hóa tăng huyết áp trong phiên tòa, đã có hàng vạn
người bị đường dây đánh bạc này làm cho tăng huyết áp theo những ván bạc
đỏ đen.
Gần
43 triệu tài khoản đánh bạc đã đốt nhiều ngàn tỉ đồng. Riêng con số
chứng minh được thì những kẻ điều hành đường dây này đã kiếm hơn 9.853
tỉ đồng.
Trước
tòa, con bạc Phạm Quang Thành đã khai có ngày anh ta chơi hơn 70 ván
bạc, trong đó ván cao nhất đặt tới hơn 100 triệu đồng.
Thành
có biệt danh trên trang đánh bạc là "bán nhà chơi rick", rất may Thành
chơi khoảng 1 năm thì dừng lại và chỉ phải bán chiếc ô tô 2 tỉ.
Nhưng nhiều người khác không được "may mắn" như Thành. Giống như nhiều bị cáo trong vụ án, gia đình đổ vỡ, nhà cửa bán sạch.
Làm
công an là để bảo vệ dân, nếu ông Vĩnh ông Hóa dành nhiều thời gian suy
ngẫm đến tác hại khủng khiếp của đường dây đánh bạc gây ra cho hàng vạn
người dân, biết đâu, hai ông sẽ có hành động khác.
Alfred
Nobel, nhà tài trợ và người sáng lập giải Nobel, đã ước giá như mình
không phát minh ra thuốc nổ, khi thấy người ta dùng thành tựu ấy của
mình tàn sát lẫn nhau (dù khi phát minh, ông hy vọng nó mang lại những
điều tốt đẹp).
Trước
khi bị bắt, tướng Vĩnh xuất hiện trong một bài báo. Tác giả bài báo
miêu tả ông Vĩnh có một lối sống giản dị, ăn những bữa cơm toàn dưa cà.
Thực
ra, đó là thực đơn thường thấy của những người già muốn sống khỏe mạnh,
thực đơn đối phó với bệnh huyết áp, mỡ máu, tiểu đường.
Rồi
cũng đến lúc, một con người chả cần gì nhiều ngoài sức khỏe và sự thanh
thản, nhất là người có một quá khứ lẫy lừng như ông Vĩnh.
Quá
nhiều tiền thì khi ngoài 60 tuổi, người ta cũng chỉ ăn dưa cà. Rất
nhiều quyền lực thì sau khi về với đất cũng chỉ có một nấm mồ, và chẳng
ai gọi đó là "cụ lớn mả" như cách nói của Nam Cao.
Bữa
cơm dưa cà ngay trước khi vào vòng lao lý của ông Vĩnh, tuy thanh đạm,
nhưng đã không còn thanh thản. Nhìn thần thái của ông Vĩnh tại tòa, tuy
vẫn điềm đạm, nhưng đồng đội và người khác không khỏi xót xa.
"Giá
như" là cụm từ thường xuất hiện sau khi mắc lỗi lầm, nhưng vẫn cần đặt
vấn đề thêm một lần nữa: "giá như" họ đừng lóa mắt bởi những thứ mê dụ
hai bên đường, thì họ sẽ nhìn rõ hơn đích đến.
Đích
đến cuối cùng của cuộc đời chính là sự thanh thản. Nếu có tất cả mọi
thứ, trừ sự thanh thản, thì cuộc đời ấy, có lừng lẫy bao nhiêu, cũng bị
xem như thất bại.
Nông dân nhận hối lộ và doanh nhân đưa hối lộ
Trong phiên tòa, có hai chi tiết khiến tôi chú ý đặc biệt, đó là chi tiết "thế lực lớn" và sự từ chối của ông Vĩnh.
Hôm
qua, bị cáo Vũ Văn Dũng khai trước tòa, mình rất yên tâm triển khai
game đáng bạc vì được bị cáo Hoàng Thành Trung trấn an "có thế lực rất
lớn ở trên bảo kê".
Một
đường dây đánh bạc có sự tham gia của những người có trọng trách như
ông Vĩnh, ông Hóa, thì đã đủ coi là thế lực rất lớn rồi. Có hay không
thế lực khác nữa, các cơ quan tố tụng sẽ tiếp tục làm rõ.
Tuy
nhiên, lời khai của Vũ Văn Dũng khiến người theo dõi phiên tòa nhớ đến
một chi tiết khiến họ băn khoăn không nhỏ: Đó là người cầm đầu đường dây
đánh bạc – doanh nhân Nguyễn Văn Dương, cái tên gợi lên nhiều suy
tưởng, được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ vì
"chính sách khoan hồng của nhà nước".
Trước
đó, Nguyễn Văn Dương khai đã đưa Phan Văn Vĩnh 27 tỷ đồng, 1,75 triệu
USD, 1 đồng hồ Rolex trị giá 7.000USD; Cho C50 số tiền 850 triệu đồng và
một phần mềm diệt virút trị giá 30.000 USD; cho Nguyễn Thanh Hóa 22 tỷ
đồng; chi khoảng 10 tỷ đồng tiền rượu cho các bữa tiệc của Tổng cục Cảnh
sát.
Ông Phan Văn Vĩnh chỉ thừa nhận cầm của Dương áo sơ mi, thuốc bổ gan, rượu... và không nhận tiền.
CQĐT
mới khẳng định việc bị cáo Dương cho C50 bộ phần mềm và 700 triệu đồng.
Ngoài ra, không có căn cứ làm rõ việc các ông Vĩnh, Hóa nhận tiền từ
Nguyễn Văn Dương nên đã tách tài liệu để làm rõ, xử lý sau.
Chưa
cần chứng minh các khoản hối lộ khổng lồ kia có hay không, chỉ với số
tiền 30.000 đô la và 700 triệu đồng, thì đã quá đủ để dư luận băn khoăn:
Tại sao lại khoan hồng với mức độ hối lộ lớn đến như vậy?
Hai
nông dân ở Bình Thuận, ông Nguyễn Thanh Tuấn và ông Nguyễn Thành Nam,
đã từng bị xử tổng cộng 15 năm tù (sau đó vụ án phải đình chỉ và trả tự
do cho hai ông) vì tội nhận hối lộ.
Trong
vòng 2 năm, hai nông dân này đã nhận khoảng 17 triệu đồng của 12 hộ
(được dân đồng thuận) để chi cho xăng xe, điện thoại, thời gian công sức
làm thủ tục vay vốn, đôn đốc.
Điều
kiện để cấu thành tội nhận hối lộ trong vụ này là phải có chức vụ,
quyền hạn quyết định đến việc cho vay hay không (quyền này thuộc ngân
hàng), tuy nhiên vì "không có thế lực lớn ở trên nào", nên hai nông dân
ấy đã phải dính vòng lao lý.
May nhờ có thế lực công chính của luật sư, báo chí, dư luận, hai con người khốn khổ ấy mới thoát khỏi lao tù.
Việc
nhận tiền bồi dưỡng của hai nông dân ở Bình Thuận, giả sử không được
đồng thuận từ 12 hộ dân, thì cũng chỉ gây hại cho 12 hộ một số tiền rất
nhỏ. Nhưng hành vi hối lộ của những người cầm đầu đường dây đánh bạc thì
có thể trực tiếp và gián tiếp làm hại cả vạn người.
Trong
phiên xử, chủ tọa phiên tòa hỏi ông Vĩnh có đồng ý công bố bản án trên
mạng không, ông Vĩnh đã từ chối. Dư luận đặt dấu hỏi: Vì sao bị cáo lại
có quyền ấy?
Ông
Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa hình sự TANDTC đã khẳng định "việc HĐXX
cấp sơ thẩm quyết định ngay rằng không cho công khai bản án theo yêu cầu
của bị cáo Phan Văn Vĩnh là trái luật.
Đã là vụ án được đưa ra xét xử công khai thì mọi người biết, chứ đâu chỉ có vài trăm người tham dự tòa mới có quyền được biết".
Ông Quế cho biết, ngay cả vụ án xử kín thì vẫn phải được tuyên công khai và công bố trên cổng thông tin điện tử theo quy định.
Khi
diễn biến phiên tòa chưa kết luận có hay không và nếu có thì ai là "thế
lực rất mạnh đằng sau" như lời khai của bị cáo Dũng, thì những quyết
định gây tranh cãi như trên, lại càng khiến dư luận có thêm khoảng trống
mờ để bàn tán, suy diễn.
Phiên toà xử đường dây đánh bạc còn kéo dài và chắc chắn sẽ có thêm nhiều lắt léo, kịch tính. Tuy nhiên công lý thì chỉ có 1.
Người
phạm tội thì có thể dùng mệnh đề "giá như" để sám hối về lỗi lầm của
mình, nhưng những người cầm cân nảy mực thì phải làm mọi cách để không
ai phải thốt lên từ "giá như" sau phán quyết của mình.
Đó không phải là công lý mà người dân muốn thấy
Bùi Hải
(Trí Thức Trẻ)
Không có nhận xét nào