Một cuộc chiến tranh giữa hai nước
vẫn ít có khả năng xảy ra, nhưng triển vọng đối đầu quân sự - ví dụ như
xuất phát từ một chiến dịch quân sự của Trung Quốc nhằm vào Đài Loan –
không còn là không thể như trước kia. Và xác suất một cuộc đối đầu như
vậy leo thang thành hạt nhân đã cao hơn những gì mà hầu hết các nhà phân
tích và hoạch định chính sách vẫn hình dung.
Những
năm gần đây, sức mạnh của Trung Quốc tăng lên bao nhiêu thì nguy cơ
chiến tranh với Mỹ cũng tăng lên bấy nhiêu. Dưới thời Chủ tịch Tập Cận
Bình, Trung Quốc đã tăng cường áp lực chính trị và kinh tế đối với Đài
Loan và xây dựng cơ sở quân sự trên các rạn san hô ở Biển Đông, làm gia
tăng lo sợ của Washington về việc chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc
sẽ đe dọa các đồng minh của Mỹ và ảnh hưởng đến khu vực. Các tàu khu
trục của Mỹ đã đi qua Eo biển Đài Loan, trước sự phản đối lớn tiếng từ
phía Bắc Kinh. Các nhà lập pháp Mỹ đã lên tiếng đặt câu hỏi về việc liệu
họ có nên cử thêm một chiếc tàu sân bay đi qua eo biển này nữa hay
không. Các máy bay tiêm kích phản lực của Trung Quốc đã chặn máy bay Mỹ
trên không phận phía trên Biển Đông. Trong khi đó Tổng thống Mỹ Donald
Trump đã đẩy các tranh chấp kinh tế âm ỉ lâu nay lên mức sôi sục.
Một
cuộc chiến tranh giữa hai nước vẫn ít có khả năng xảy ra, nhưng triển
vọng đối đầu quân sự - ví dụ như xuất phát từ một chiến dịch quân sự của
Trung Quốc nhằm vào Đài Loan – không còn là không thể như trước kia. Và
xác suất một cuộc đối đầu như vậy leo thang thành hạt nhân đã cao hơn
những gì mà hầu hết các nhà phân tích và hoạch định chính sách vẫn hình
dung.
Các
thành viên cộng đồng nghiên cứu chiến lược của Trung Quốc có xu hướng
phủ nhận những quan ngại như trên. Tương tự, những nghiên cứu của Mỹ về
một cuộc chiến tiềm tàng với Trung Quốc thường loại bỏ hoàn toàn vũ khí
hạt nhân khỏi kết quả phân tích, coi vấn đề này là không liên quan đến
chiều hướng của một cuộc xung đột. Khi được hỏi về vấn đề này vào năm
2015, Dennis Blair, cựu tư lệnh lực lượng Mỹ tại Ấn Độ Dương-Thái Bình
Dương, phán đoán khả năng xảy ra khủng hoảng hạt nhân Mỹ-Trung là
“zero”.
Sự
bảo đảm này thật sai lầm. Nếu được triển khai chống lại Trung Quốc,
phong cách chiến tranh thông thường được ưa thích của Lầu Năm Góc sẽ là
một công thức tiềm năng cho leo thang hạt nhân. Từ khi Chiến tranh Lạnh
kết thúc, cách tiếp cận đặc trưng của Mỹ về chiến tranh vẫn luôn đơn
giản: thọc sâu vào lãnh thổ của đối phương để nhanh chóng đập tan các cơ
sở quân sự then chốt của kẻ thù bằng tổn thất tối thiểu. Nhưng Lầu Năm
Góc phát triển công thức này trong những cuộc chiến nhằm vào
Afghanistan, Iraq, Libya, và Serbia, không nước nào trong số này có vũ
khí hạt nhân.
Trung
Quốc, ngược lại, không chỉ có vũ khí hạt nhân, nước này còn đưa những
vũ khí này vào các lực lượng quân sự thông thường của mình, khiến rất
khó có thể tấn công cái này mà tránh được cái kia. Điều đó có nghĩa là
một chiến dịch quân sự lớn của Mỹ nhằm vào các lực lượng truyền thống
của Trung Quốc nhiều khả năng cũng sẽ đe dọa kho vũ khí hạt nhân của
Trung Quốc. Khi đối mặt với một mối đe dọa như vậy, các nhà lãnh đạo
Trung Quốc có thể quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân khi còn có thể.
Khi
các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc tìm cách xoay xở với một mối quan hệ
chồng chất sự ngờ vực lẫn nhau, họ phải nhìn thẳng vào thực tế rằng một
cuộc chiến tranh thông thường có thể trượt sâu thành một cuộc đối đầu
hạt nhân. Mặc dù nguy cơ này không phải là cao xét ở góc độ tuyệt đối,
nhưng hậu quả của nó đối với khu vực và thế giới sẽ là khủng khiếp.
Chừng nào Mỹ và Trung Quốc còn tiếp tục theo đuổi những chiến lược lớn
như hiện nay của mình, thì nguy cơ này vẫn tiếp tục hiện hữu. Điều đó có
nghĩa là lãnh đạo của cả hai bên cần phải từ bỏ ảo tưởng rằng họ có thể
dễ dàng phát động một cuộc chiến tranh hạn chế. Thay vào đó, họ nên tập
trung vào việc kiểm soát hoặc giải quyết những căng thẳng chính trị,
kinh tế và quân sự có thể dẫn đến xung đột ngay từ đầu.
Một loại đe dọa kiểu mới
Có
một số lý do để lạc quan. Thứ nhất, lâu nay Trung Quốc vẫn kiên định
với học thuyết hạt nhân không tấn công. Sau vụ thử hạt nhân đầu tiên của
mình vào năm 1962, Trung Quốc cơ bản tránh chạy đua vũ trang, chỉ phát
triển một kho vũ khí hạt nhân nhỏ và đơn giản hơn rất nhiều so với tiềm
lực của nước này cho phép. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn kiên định
cho rằng vũ khí hạt nhân chỉ có ích trong việc ngăn ngừa đe dọa và tấn
công hạt nhân. Ở góc độ lịch sử, mục đích hạn hẹp như vậy chỉ cần một
vài vũ khí hạt nhân là đủ bảo đảm khả năng đáp trả của Trung Quốc trong
trường hợp bị tấn công. Đến tận ngày nay, Trung Quốc vẫn duy trì cam kết
“không sử dụng trước”, hứa hẹn rằng nước này sẽ không bao giờ sử dụng
vũ khí hạt nhân trước.
Triển
vọng một cuộc xung đột hạt nhân cũng có thể tưởng chừng như chỉ là tàn
tích của Chiến tranh Lạnh. Hồi đó, Mỹ và các đồng minh sống trong nỗi lo
sợ rằng một cuộc tấn công của khối Hiệp ước Vacsava sẽ nhanh chóng ngập
tràn châu Âu. NATO luôn sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân trước để ngăn
chặn một cuộc tấn công như vậy. Cả Washington lẫn Moskva đều thường trực
lo lắng rằng lực lượng hạt nhân của mình sẽ bị quét sạch trong một cuộc
tấn công hạt nhân bất ngờ từ phía đối phương. Mối lo sợ chung này làm
gia tăng nguy cơ một siêu cường có thể vội vàng phóng vũ khí vì niềm tin
sai lầm rằng mình đang bị tấn công. Ban đầu, mối nguy hiểm của những
cuộc tấn công không được phê chuẩn cũng luôn hiện hữu. Trong những năm
1950, các quy trình an toàn lỏng lẻo đối với vũ khí hạt nhân của Mỹ trên
lãnh thổ NATO, cũng như mức độ giám sát ở mức tối thiểu của dân sự đối
với các tư lệnh quân sự Mỹ, đã đặt ra những nguy cơ nghiêm trọng về việc
leo thang hạt nhân có thể xảy ra mà không có mệnh lệnh rõ ràng từ Tổng
thống Mỹ.
Tin
tốt là những lo lắng thời Chiến tranh Lạnh không liên quan nhiều đến
mối quan hệ hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc. Không nước nào có thể nhanh
chóng tràn vào lãnh thổ của nhau trong một cuộc chiến tranh thông
thường. Cả hai đều không có vẻ gì lo ngại về một cú sét hạt nhân từ trên
trời rơi xuống. Và sự kiểm soát chính trị dân sự đối với vũ khí hạt
nhân ở cả hai nước đều tương đối mạnh. Điều còn lại, về lý thuyết, là
lôgích dễ chịu về sự ngăn ngừa lẫn nhau: trong một cuộc chiến giữa hai
cường quốc hạt nhân, cả hai bên đều sẽ không phát động đòn tấn công hạt
nhân vì sợ đối phương sẽ đáp trả tương xứng.
Tin
xấu là vẫn còn một yếu tố nữa tồn tại: Một cuộc chiến thông thường đe
dọa kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Các lực lượng thông thường có
thể đe dọa lực lượng hạt nhân theo những cách tạo ra áp lực khiến xung
đột leo thang – nhất là khi các lực lượng thông thường tinh nhuệ hơn của
Mỹ đối mặt với những kho vũ khí hạt nhân mong manh và tương đối nhỏ,
như của Trung Quốc. Nếu các chiến dịch của Mỹ đe dọa hoặc gây tổn hại
đến lực lượng hạt nhân của Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có
thể sẽ nghĩ rằng Washington còn có những ý đồ khác ngoài mục tiêu giành
thắng lợi trong cuộc chiến thông thường – rằng nước này có khi đang tìm
cách vô hiệu hóa hoặc phá hủy thẳng thừng kho vũ khí hạt nhân của Trung
Quốc, có lẽ để mở đầu cho việc thay đổi chế độ. Giữa màn sương chiến
tranh, Bắc Kinh có thể miễn cưỡng kết luận rằng một sự leo thang hạt
nhân hạn chế - một đòn tấn công phủ đầu đủ nhỏ để tránh sự đáp trả tổng
lực từ phía Mỹ - là lựa chọn khả thi để tự vệ.
Điểm
nóng đáng lo ngại nhất cho một cuộc chiến Mỹ-Trung là Đài Loan. Mục
tiêu lâu dài của Bắc Kinh về việc thống nhất hòn đảo này với Trung Hoa
Đại lục rõ ràng là mâu thuẫn với tham vọng lâu nay của Washington về
việc duy trì nguyên trạng ở eo biển. Không khó hình dung việc mâu thuẫn
này có thể dẫn tới chiến tranh. Ví dụ, Trung Quốc có thể quyết định rằng
cánh cửa mở ra cơ hội về quân sự hoặc chính trị để giành lại quyền kiểm
soát hòn đảo này đang đóng lại và phát động một cuộc tấn công, sử dụng
lực lượng không quân và hải quân để phong tỏa các cảng của Đài Loan hoặc
ném bom hòn đảo này. Mặc dù luật của Mỹ không đòi hỏi Washington phải
can thiệp trong một kịch bản như vậy, nhưng Đạo luật Quan hệ với Đài
Loan quy định rằng Mỹ sẽ “xem bất kỳ nỗ lực nào nhằm quyết định tương
lai của Đài Loan mà không phải bằng những biện pháp hòa bình, bao gồm
việc tẩy chay hoặc cấm vận, là một sự đe dọa tới hòa bình và an ninh của
khu vực Tây Thái Bình Dương và là mối quan ngại nghiêm trọng đối với
Mỹ.” Trong trường hợp Mỹ can thiệp nhân danh Đài Loan, siêu cường duy
nhất của thế giới và đối thủ cạnh tranh đang lên sẽ bị cuốn vào cuộc
chiến nước lớn đầu tiên của thế kỷ 21.
Trong
quá trình diễn ra một cuộc chiến như vậy, các hoạt động quân sự thông
thường của Mỹ nhiều khả năng sẽ đe dọa, vô hiệu hóa, hoặc phá hủy hoàn
toàn một số năng lực hạt nhân của Trung Quốc – bất kể làm như vậy có
phải là mục tiêu công khai của Mỹ hay không. Trong thực tế, nếu Mỹ tiến
hành cách thức chiến tranh mà nước này đã thực hiện hơn 30 năm qua thì
kết cục nêu trên là gần như chắc chắn.
Hãy
xem xét trường hợp tác chiến tàu ngầm. Trung Quốc có thể sử dụng các
tàu ngầm tấn công trang bị vũ khí thông thường của mình để phong tỏa
cảng Đài Loan hoặc ném bom hòn đảo, hoặc để tấn công các lực lượng của
Mỹ và đồng minh trong khu vực. Nếu điều đó xảy ra, hải quân Mỹ sẽ gần
như chắc chắn tiến hành một chiến dịch chống tàu ngầm, qua đó nhiều khả
năng sẽ đe dọa đến 4 tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo của hải
quân Trung Quốc. Các tàu ngầm vũ khí thông thường và vũ khí hạt nhân của
Trung Quốc cùng chia sẻ một hệ thống liên lạc trên bờ; một cuộc tấn
công của Mỹ vào các cơ sở truyền dẫn này do vậy sẽ không chỉ làm gián
đoạn hoạt động của lực lượng tàu ngầm tấn công Trung Quốc mà còn chia
cắt các tàu ngầm hạt nhân này khỏi sự liên lạc với Bắc Kinh, khiến cho
các nhà lãnh đạo Trung Quốc không chắc chắn về số phận lực lượng hạt
nhân hải quân của mình. Bên cạnh đó, các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo
hạt nhân lệ thuộc vào sự bảo vệ của các tàu ngầm tấn công, cũng giống
như chiếc máy bay ném bom cồng kềnh phụ thuộc vào những chiếc máy bay
tiêm kích. Nếu Mỹ đánh chìm những tàu ngầm tấn công của Trung Quốc, thì
cũng đồng nghĩa với việc đánh chìm chính lực lượng bảo vệ các tàu ngầm
tên lửa đạn đạo của Trung Quốc, khiến cho lực lượng này trở nên dễ bị
tổn thương.
Thậm
chí nguy hiểm hơn thế, các lực lượng Mỹ săn lùng các tàu ngầm tấn công
của Trung Quốc cũng có thể vô tình đánh chìm một tàu ngầm vũ khí hạt
nhân do nhầm lẫn. Xét cho cùng, ít nhất thì cũng có một vài tàu ngầm tấn
công của Trung Quốc có thể đang hộ tống tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt
nhân, đặc biệt là trong thời chiến, khi Trung Quốc có thể tung hết các
tàu ngầm hạt nhân này ra khỏi cảng và cố đưa chúng đến sát tầm vươn tới
lục địa Mỹ. Vì từ trước đến nay việc xác định chính xác mục tiêu vẫn
luôn là một trong những thách thức khó khăn nhất của tác chiến tàu ngầm,
một tàu ngầm Mỹ có thể rơi đúng vào tầm bắn của một chiếc tàu ngầm
Trung Quốc mà không chắc nó là loại nào, nhất là trong một môi trường
đông đúc, ồn ào như Eo biển Đài Loan. Những lời nói sáo rỗng về việc
phải thận trọng lúc bình thường thì rất dễ. Trong thời chiến, khi các
tàu ngầm tấn công Trung Quốc có thể đã tung ra đòn tấn công chết người,
thủy thủ đoàn phía Mỹ có thể sẽ quyết định bắn trước và hỏi sau.
Ngoài
yếu tố về cảm giác dễ bị tổn thương từ phía Trung Quốc, quy mô nhỏ của
lực lượng tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân của nước này cũng đồng nghĩa
rằng chỉ cần hai vụ việc như trên cũng đủ hủy diệt một nửa năng lực răn
đe từ biển của nước này. Trong khi đó, bất kỳ chiếc tàu ngầm trang bị
vũ khí hạt nhân nào của Trung Quốc thoát khỏi số phận trên thì nhiều khả
năng cũng bị cô lập khỏi đường dây liên lạc với các chỉ huy trên bờ,
trong tình trạng không có lực lượng hộ tống, và không thể quay trở về
các căn cứ đã bị phá hủy. Nếu điều đó xảy ra, Trung Quốc về cơ bản là
không còn năng lực răn đe hạt nhân hải quân.
Tình
trạng trên bờ cũng tương tự, nơi mà bất kỳ chiến dịch quân sự nào của
Mỹ cũng sẽ đụng tới vào lực lượng tên lửa đạn đạo thông thường trên bộ
ngày càng lớn của Trung Quốc. Phần lớn lực lượng này đặt trong tầm bắn
đến Đài Loan, sẵn sàng phóng tên lửa đạn đạo vào hòn đảo hoặc bất kỳ
đồng minh nào đến ứng cứu. Một lần nữa, thắng lợi của quân Mỹ lại phụ
thuộc vào việc khuất phục được lực lượng tên lửa đạn đạo thông thường
này. Và một lần nữa, sẽ gần như là không thể nào làm như vậy mà không
động chạm gì đến lực lượng tên lửa đạn đạo hạt nhân của Trung Quốc. Các
tên lửa đạn đạo hạt nhân và thông thường của Trung Quốc cũng thường gắn
chung căn cứ chỉ huy, nghĩa là nhiều khả năng chúng sẽ chia sẻ các hệ
thống cung cấp và vận chuyển, tuyến tuần tra, và cơ sở hạ tầng hỗ trợ
khác. Cũng có khả năng là chúng chia sẻ một số mạng lưới chỉ huy và kiểm
soát, hoặc là Mỹ sẽ không thể phân biệt được giữa các mạng lưới hạt
nhân và thông thường ngay cả khi chúng tách biệt nhau về mặt thực thể.
Đã
thế một số tên lửa đạn đạo của Trung Quốc còn có thể mang cả đầu đạn
thông thường hoặc hạt nhân, và cả hai phiên bản này đều hầu như không
thể phân biệt nổi đối với hệ thống do thám trên không của Mỹ. Trong một
cuộc chiến, việc nhắm mục tiêu vào các phiên bản thông thường cũng có
khả năng đồng nghĩa với việc phá hủy một số loại hạt nhân trong quá
trình đó. Ngoài ra, đưa máy bay có người lái vào tấn công các bãi phóng
tên lửa và căn cứ của Trung Quốc sẽ đòi hỏi ít nhất là sự kiểm soát một
phần không phận của Trung Quốc, điều đó cũng sẽ lại đòi hỏi phải làm suy
yếu hệ thống phòng không của nước này. Nhưng làm suy yếu mạng lưới
phòng không bờ biển của Trung Quốc nhằm phát động một cuộc chiến tranh
thông thường cũng sẽ lại khiến cho phần lớn lực lượng hạt nhân của Trung
Quốc không còn được bảo vệ.
Một
khi Trung Quốc bị tấn công, các nhà lãnh đạo nước này có thể sẽ lo sợ
rằng ngay cả những tên lửa đạn đạo liên lục địa được triển khai ở sâu
trong lục địa cũng dễ bị tổn thương. Trong nhiều năm, giới quan sát đã
coi các nỗ lực quân sự thất bại của Mỹ nhằm xác định và phá hủy những
tên lửa Scud của Iraq trong Chiến tranh Vùng Vịnh 1990-1991 như bằng
chứng cho thấy các tên lửa di động là hầu như miễn nhiễm trước nguy cơ
bị tấn công. Do đó, theo lối tư duy này, Trung Quốc vẫn có thể duy trì
một năng lực răn đe hạt nhân bất kể thiệt hại do Mỹ gây ra đối với các
khu vực bờ biển của Trung Quốc. Nhưng các nghiên cứu gần đây cho thấy
không phải như vậy. Các tên lửa đạn đạo liên lục địa của Trung Quốc lớn
và kém cơ động hơn tên lửa Scud của Iraq trước đây, và chúng rất khó để
di chuyển mà không bị phát hiện. Nhiều khả năng Mỹ cũng đã theo dõi
chúng sát sao hơn rất nhiều trong thời bình. Và hệ quả là Trung Quốc ít
có khả năng sẽ xem việc săn lùng thất bại đối với tên lửa Scud ở Iraq
gần 30 năm trước như sự bảo đảm rằng kho vũ khí hạt nhân còn lại của
nước này bây giờ cũng sẽ an toàn, đặc biệt là trong một cuộc chiến tranh
thông thường cường độ cao đang diễn ra.
Sự
chỉ trích gay gắt của Trung Quốc đối với các hệ thống phòng thủ tên lửa
khu vực của Mỹ được thiết kế để ngăn chặn một cuộc tấn công tiềm tàng
của Triều Tiên cũng đã phản ánh những lo sợ thâm căn cố đế này. Lo lắng
của Bắc Kinh nằm ở chỗ hệ thống này có thể giúp Washington chặn được khá
nhiều tên lửa Trung Quốc có thể phóng nếu Mỹ tấn công kho vũ khí hạt
nhân của Trung Quốc. Loại chiến dịch quân sự như vậy có vẻ như khả thi
hơn rất nhiều trong mắt Bắc Kinh nếu một cuộc chiến thông thường đã bắt
đầu phá hủy nghiêm trọng những bộ phận khác trong lực lượng răn đe hạt
nhân của Trung Quốc. Khó khăn thêm nữa là nhận thức theo thời gian thực
của Trung Quốc về tình trạng các lực lượng của mình có thể sẽ bị hạn
chế, vì làm “mù mắt” đối phương là một phần tiêu chuẩn trong điều lệnh
tác chiến của quân đội Mỹ.
Nói
một cách đơn giản, chiến lược ưa thích của Mỹ nhằm bảo đảm một chiến
thắng thông thường trong quá trình thực hiện nhiều khả năng sẽ gây đe
dọa đến phần lớn kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, cả trên bộ và trên
biển. Việc liệu Mỹ có thực sự có ý đồ nhắm vào tất cả vũ khí hạt nhân
của Trung Quốc hay không sẽ chỉ là thứ yếu. Điều quan trọng là ở chỗ các
nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ cho rằng họ đang bị đe dọa.
Những bài học từ quá khứ
Đến
lúc này, câu hỏi sẽ là Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào? Liệu nước
này sẽ kiềm chế và kiên định cam kết “không sử dụng trước” ngay cả khi
các lực lượng hạt nhân của họ có vẻ như đang bị tấn công hay không? Hoặc
liệu nước này có dùng đến các vũ khí hạt nhân trên khi còn có thể, đánh
cược rằng một sự leo thang hạn chế sẽ chặn đứng chiến dịch của Mỹ, nếu
không thì cũng đe dọa để Washington phải xuống thang?
Các
văn bản và tuyên bố của Trung Quốc vẫn mập mờ một cách có chủ ý ở điểm
này. Vẫn không rõ chính xác là những năng lực nào được Trung Quốc coi là
một phần trong lực lượng răn đe hạt nhân cốt lõi của mình và cái nào
được xem là ít quan trọng hơn. Ví dụ, nếu Trung Quốc vốn đã công nhận
rằng lực lượng răn đe hạt nhân đặt trên biển của nước này là tương đối
nhỏ và yếu, thì việc mất một vài tàu ngầm tên lửa đạn đạo trong một cuộc
chiến có thể sẽ không dẫn đến sự thay đổi bất thường cực đoan nào trong
tính toán của Trung Quốc.
Điều
nguy hiểm nằm ở chỗ những động thái thời chiến có thể làm thay đổi quan
điểm của Trung Quốc về ý đồ của Mỹ. Nếu Bắc Kinh xem việc các lực lượng
hạt nhân trên biển và trên bộ của mình dần bị xóa sổ là một ý đồ có
tính toán nhằm phá hủy năng lực răn đe hạt nhân của Trung Quốc, hoặc
thậm chí như khúc mở đầu cho một đòn tấn công hạt nhân, thì Trung Quốc
có thể sẽ xem việc leo thang hạt nhân có giới hạn như một cách để buộc
xung đột phải chấm dứt. Ví dụ, Trung Quốc có thể sử dụng vũ khí hạt nhân
để nhất thời phá hủy những căn cứ không quân Mỹ đặt ra mối đe dọa lớn
nhất đối với kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Trung Quốc cũng có thể
sẽ tung ra đòn tấn công hạt nhân mà không cần mục đích quân sự trực tiếp
– vào một khu vực không có người ở hoặc trên biển – như một cách phát
đi tín hiệu rằng Mỹ đã vượt quá lằn ranh đỏ.
Mặc
dù kịch bản leo thang như vậy nhìn thì có vẻ xa vời, nhưng lịch sử của
Trung Quốc thì lại cho điều khác. Năm 1969, tình thế tương tự đã đưa
Trung Quốc đến bờ vực chiến tranh hạt nhân với Liên Xô. Đầu tháng 3 năm
đó, binh lính Trung Quốc phục kích lính biên phòng Liên Xô giữa lúc căng
thẳng gia tăng xung quanh một khu vực biên giới tranh chấp. Chưa đầy 2
tuần sau, hai nước đã ở trong một cuộc chiến tranh biên giới không tuyên
bố với pháo hạng nặng và máy bay. Cuộc xung đột nhanh chóng leo thang
vượt ra khỏi những gì lãnh đạo Trung Quốc đã tưởng tượng và Moskva đã
đưa ra những đe dọa hạt nhân để gây áp lực buộc Trung Quốc phải xuống
thang.
Ban
đầu các nhà lãnh đạo Trung Quốc bỏ qua những lời cảnh báo này, để rồi
lại đẩy mức đánh giá đe dọa của mình lên một cách cực đoan sau khi họ
biết được rằng Liên Xô đã bàn bạc riêng về các kế hoạch tấn công hạt
nhân với các nước khác. Moskva không bao giờ có ý định theo đuổi đến
cùng trong các đe dọa hạt nhân của mình, những tài liệu lưu trữ sau này
đều cho thấy như vậy, nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc lại cho là khác.
Trong ba trường hợp riêng biệt, họ bị thuyết phục rằng một cuộc tấn
công hạt nhân của Liên Xô đang sắp xảy ra. Một lần, khi Moskva cử đại
diện đến đàm phán tại Bắc Kinh, Trung Quốc nghi ngờ rằng chiếc máy bay
đang chở phái đoàn thực ra lại đang mang vũ khí hạt nhân. Ngày càng lo
lắng, Trung Quốc cho bắn thử một vũ khí nhiệt hạch ở sa mạc Lop Nur và
đưa lực lượng hạt nhân sơ khai của mình vào tình trạng báo động – bản
thân đó cũng đã là một bước đi nguy hiểm, vì làm gia tăng nguy cơ phóng
nhầm hoặc không được phê chuẩn. Chỉ sau rất nhiều lần chuẩn bị cho những
cuộc tấn công hạt nhân vốn không bao giờ xảy ra của Liên Xô, cuối cùng
Bắc Kinh mới chịu đàm phán.
Ngày
nay Trung Quốc là một quốc gia đã khác với thời Mao Trạch Đông, nhưng
cuộc xung đột năm 1969 vẫn để lại những bài học quan trọng. Trung Quốc
đã bắt đầu một cuộc chiến mà trong đó nước này cho rằng vũ khí hạt nhân
không có liên quan gì, mặc dù kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô khi đó có
quy mô lớn gấp nhiều lần của Trung Quốc, cũng giống như kho vũ khí hạt
nhân của Mỹ vượt trội so với Trung Quốc bây giờ. Ngay khi cuộc chiến
tranh thông thường không diễn ra như dự kiến, Trung Quốc đã đảo ngược
đánh giá của mình về khả năng xảy ra tấn công hạt nhân lên mức độ gần
như hoang tưởng. Đáng lo ngại nhất, Trung Quốc phát đi tín hiệu rằng
nước này đang thực sự cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân, mặc dù nước này
dự kiến được những đòn đáp trả khủng khiếp. Các thông tin mơ hồ thời
chiến và lối tư duy theo kiểu tình huống xấu nhất dẫn đến những nguy cơ
hạt nhân mà mới chỉ vài tháng trước đó còn tưởng chừng như không thể nào
hình dung nổi. Khuôn mẫu đó hoàn toàn có thể lặp lại ngày nay.
Cứ để họ mặc sức đoán
Cả
Mỹ và Trung Quốc đều có thể tiến hành một số biện pháp cơ bản nhằm giảm
bớt những mối nguy hiểm này. Đối thoại và trao đổi cởi mở hơn – chính
thức và không chính thức, cấp cao và cấp sự vụ, quân sự và chính trị -
có thể giúp xây dựng các mối quan hệ cho phép giảm căng thẳng bằng các
kênh sau trong một cuộc xung đột. Hai nước đã có một đường dây nóng quân
sự chính thức được triển khai, mặc dù nó không kết nối các nhà lãnh đạo
chính trị. Một cơ sở hạ tầng chuyên biệt và đã được thử nghiệm dành cho
các nhà lãnh đạo quân sự và chính trị cấp cao có thể tin tưởng và dễ
dàng giao tiếp trong thời chiến ít nhất cũng sẽ mang lại một yếu tố kìm
hãm leo thang khi xảy ra khủng hoảng.
Nhưng
liên lạc tốt hơn thì cũng chỉ giải quyết được đến vậy đối với một vấn
đề có căn nguyên từ học thuyết quân sự và chiến lược lớn. Trong bối cảnh
điều lệnh tác chiến tiêu chuẩn của Mỹ nhiều khả năng sẽ dồn Trung Quốc
vào chân tường về khía cạnh hạt nhân, điều lôgích là Washington cân nhắc
các chiến lược thay thế để làm sao không động chạm đến các năng lực hạt
nhân của Trung Quốc. Ví dụ, một số nhà phân tích đã đề xuất gây sức ép
với Trung Quốc thông qua phong tỏa hải quân từ xa, và những người khác
lại gợi ý giới hạn bất kỳ chiến dịch hải quân và không quân nào của Mỹ
nằm ngoài phạm vi bờ biển của Trung Quốc. Mục tiêu trong cả hai trường
hợp đều nhằm tránh các cuộc tấn công vào lục địa, nơi tập trung phần lớn
lực lượng hạt nhân của Trung Quốc.
Vấn
đề đối với các chiến lược thay thế này là lục địa cũng là nơi tập trung
phần lớn các năng lực chiến tranh thông thường của Trung Quốc. Khó có
chuyện Mỹ sẽ tự nguyện để yên cho các năng lực này, xuất phát từ ưu tiên
của Mỹ là giảm tổn thất của bản thân và tiêu diệt lực lượng đối phương
một cách nhanh chóng. Nếu Trung Quốc sử dụng các căn cứ ở lục địa của
mình để phóng tên lửa đạn đạo vào binh sĩ Mỹ và đồng minh, thật khó có
thể hình dung một tổng thống Mỹ lại đi ra lệnh cho quân đội kiềm chế
nhằm tránh leo thang. Các đồng minh của Mỹ càng đặc biệt không bao giờ
chấp nhận một cách tiếp cận thận trọng như vậy, vì họ sẽ còn hứng chịu
sức mạnh quân sự của Trung Quốc chừng nào sức mạnh này còn chưa bị động
đến. Không ai muốn một cuộc chiến tranh Mỹ-Trung đi đến mức hạt nhân,
nhưng một chiến dịch quân sự của Mỹ để cho lực lượng thông thường của
Trung Quốc biến Đài Loan – chứ chưa nói đến Nhật Bản hoặc Hàn Quốc –
thành một đống đổ nát khói lửa chỉ để tránh leo thang thì khó có thể xem
là một chiến thắng.
Tất
nhiên, Bắc Kinh cũng có thể có những bước đi nhằm giảm bớt căng thẳng
của vấn đề, nhưng điều này rất khó xảy ra. Trung Quốc đã lựa chọn lắp cả
đầu đạn hạt nhân và thông thường lên cùng một loại tên lửa và đưa cả
các lữ đoàn vũ khí thông thường và hạt nhân vào cùng một căn cứ. Nhiều
khả năng Trung Quốc nhìn thấy lợi ích chiến lược nhất định trong sự gắn
bó mật thiết này. Chính là vì những sự đan cài rắc rối này làm gia tăng
khả năng leo thang hạt nhân, Trung Quốc có thể sẽ tin rằng chúng sẽ góp
phần củng cố khả năng răn đe – và sẽ khiến cho Mỹ ngần ngại phát động
chiến tranh ngay từ đầu.
Nhưng
cũng như Trung Quốc hưởng lợi nếu Mỹ tin rằng sẽ không có cách an toàn
nào để phát động chiến tranh, thì Mỹ cũng hưởng lợi nếu Trung Quốc tin
rằng chiến tranh sẽ mang lại kết cục Trung Quốc không chỉ thất bại trong
chiến tranh thông thường mà còn trong chiến tranh hạt nhân. Trên thực
tế, Mỹ có thể tin rằng nỗi lo sợ này sẽ cho Mỹ lợi thế lớn hơn trong một
cuộc xung đột và có lẽ sẽ ngăn chặn được Trung Quốc khởi đầu trước.
Nói
ngắn gọn, có thể là không bên nào thấy có nhiều giá trị trong những bảo
đảm hòa bình. Thậm chí là ngược lại: có khi cả hai còn đang ngấm ngầm
cổ vũ bất ổn. Tuy nhiên nếu quả thật là như vậy thì các nhà lãnh đạo Mỹ
và Trung Quốc cần nhận thấy những mặt được và mất ẩn chứa trong các
chính sách mà họ lựa chọn. Nguy cơ leo thang (hạt nhân) có thể làm chiến
tranh khó xảy ra hơn, nhưng đồng thời nó cũng lại khiến chiến tranh
thực sự nguy hiểm hơn rất nhiều nếu thực sự xảy ra. Thực tế này khiến
cho lãnh đạo cả hai bên thấy cần phải tìm kiếm những phương cách nhằm
giải quyết các tranh chấp chính trị, quân sự và kinh tế mà không cần đến
một cuộc chiến tranh có thể nhanh chóng leo thang thành thảm họa hủy
diệt cả khu vực và thế giới.
Caitlin Talmadge
Trần Quang (gt)
* Caitlin Talmadge là Phó giáo sư Nghiên cứu An ninh trường Edmund A.
Walsh, Đại học Georgetown. Bài viết được đăng trên Foreign Affairs.
(Nghiên cứu Biển Đông)
Không có nhận xét nào