“Quyền tư hữu tài sản của công dân
Việt Nam được bảo đảm”, Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm
1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì soạn thảo, đã trịnh trọng khẳng
định như vậy tại điều 12.
Quyền Tư hữu, nền tảng của Kinh tế Thị trường |
Các
nhà lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam cần nhớ : Điều 12 Hiến pháp năm
1946 ra đời sau khi Liên Xô đã xóa bỏ quyền tư hữu. Điều này cho thấy tư
tưởng Hồ Chí Minh khác rất xa với tư tưởng xã hội chủ nghĩa theo mô
hình Liên Xô. Cho đến khi qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa bao giờ
quay lưng lại với tư tưởng gốc rễ của mình. Minh chứng cho điều này là
Hiến pháp năm 1959, bản Hiến pháp ra đời khi Việt Nam dân chủ cộng hòa
đã trở thành một “măc xích” của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới, một
hệ thống không đội trời chung với quyền tư hữu. Liên quan đến quyền tư
hữu, Hiến pháp 1959 khẳng định :
Thứ
nhất, “Nhà nước chiếu theo pháp luật bảo hộ quyền sở hữu về ruộng đất
và các tư liệu sản xuất khác của nông dân” (điều 14). Điều đặc biệt thú
vị là, theo Điều 12 của bản Hiến pháp này thì chỉ có “đất hoang” và
“rừng cây” mới thuộc sở hữu toàn dân, chứ không hề có quy định đất đai
thuộc sở hữu toàn dân như các bản Hiến pháp và luật pháp được ban hành
sau khi cụ Hồ qua đời.
Thứ
hai, “Nhà Nước chiếu theo pháp luật bảo hộ quyền sở hữu về tư liệu sản
xuất của những người làm nghề thủ công và những người lao động riêng lẻ
khác” (điều 15).
Thứ
ba, “Nhà nước chiếu theo pháp luật bảo hộ quyền sở hữu về tư liệu sản
xuất và của cải khác của nhà tư sản dân tộc” (Điều 16).
Như
vậy là, dù miền Bắc “xây dựng CNXH” nhưng khác với Liên Xô và các nước
XHCN khác, quyền tư hữu, kể cả quyền tư hữu về đất đai vẫn được Nhà nước
VNDCCH bảo hộ. (Xin mở ngoặc lưu ý : Ở đây chỉ đề cập về Hiến pháp và
luật pháp. Những sai lầm trong cải cách ruộng đất, hợp tác hóa, cải tạo
tư sản, kinh tế kế hoạch hóa, v.v... không nằm trong phạm vi bàn luận
của bài này).
Và
cần nhớ rằng, mãi đến Hiến pháp 1980 mới áp dụng gần như nguyên xi các
nguyên tắc xã hội chủ nghĩa theo mô hình Liên Xô, xóa bỏ quyền tư hữu,
chỉ thừa nhận quyền sở hữu “về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà
ở, tư liệu sinh hoạt, những công cụ sản xuất dùng trong những trường hợp
được phép lao động riêng lẻ”. Như vậy là 11 năm sau khi cụ Hồ tạ thế,
tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền tư hữu đã bị xóa bỏ trong Hiến pháp.
15
năm kể từ khi áp dụng kinh tế kế hoạch theo mô hình Liên Xô trong phạm
vi cả nước và 5 năm kể từ khi Hiến định mô hình này, đất nước đã rơi vào
cuộc khủng hoảng trầm trọng tưởng không còn lối thoát, nếu không thay
đổi thì chế độ sẽ sụp đổ và đất nước sẽ rơi vào hỗn loạn. Bởi vậy mới có
công cuộc Đổi Mới, bắt đầu từ năm 1986. Đến năm 1992, công cuộc Đổi Mới
được Hiến định. Bản Hiến pháp năm 1992 xác định “nền kinh tế hàng hoá
nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo
định hướng xã hội chủ nghĩa” (điều 15) và “Tài sản hợp pháp của cá
nhân, tổ chức không bị quốc hữu hóa” (Điều 23).
Hiến
pháp 2013 tiếp tục xác định những vấn đề nền tảng của quyền con người
trong cơ chế thị trường, trong đó xác định rõ hơn nội hàm của quyền sở
hữu tài sản (khoản 1 Điều 32), đồng thời khẳng định “Quyền sở hữu tư
nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ” (khoản 2 Điều 32). Như vậy
là quyền tư hữu được xác định từ Hiến pháp năm 1946 đã được Hiến pháp
năm 2013 tái lập (“quyền sở hữu tư nhân” là tên gọi khác của “quyền tư
hữu”)
Ngày
nay chúng ta đều biết, quyền tư hữu là nền tảng không thể thiếu của
kinh tế thị trường, dù theo định hướng gì. Điểm sơ qua sự thăng trầm của
quyền tư hữu qua 5 bản Hiến pháp để thấy rằng : Chủ tịch Hồ Chí Minh
tuy đứng trong “phe xã hội chủ nghĩa” nhưng trước sau vẫn muốn đưa đất
nước theo kinh tế thị trường. Hiến pháp 1946 là bản Hiến pháp tiến bộ
nhất châu Á tiếp cận với tinh thần tự do của Hiến pháp Hoa Kỳ.
Tư
tưởng Hồ Chí Minh về quyền tư hữu là nhất quán, được ghi rõ ràng và
minh bạch trong 2 bản Hiến pháp khi cụ Hồ còn tại thế. Từ sau khi Đảng
Cộng sản Việt Nam khởi xướng công cuộc đổi mới, tư tưởng này được từng
bước tái lập, nhưng vẫn còn khập khiễng. Chưa vội so sánh với các nguyên
tắc của kinh tế thị trường theo thông lệ quốc tế, chỉ so với yêu cầu
của tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn còn “mắc nợ” 3 vấn
đề sau đây :
Một.
Cụ Hồ không chủ trương sở hữu toàn dân về đất đai. Chủ trương sở hữu
toàn dân về đất đai chỉ được xác lập sau khi cụ Hồ qua đời, bắt đầu từ
bản Hiến pháp 1980 theo mô hình Liên Xô. Dù 2 bản Hiến pháp 1992 và 2013
xóa bỏ cơ chế kế hoạch hóa để chuyển sang cơ chế thị trường, nhưng
không hiểu vì lý do gì mà quan điểm “sở hữu toàn dân về đất đai” lại
không bị xóa bỏ ? Chẳng lẽ quan điểm của cụ Hồ là phản động ?
Hai.
Dù không thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai nhưng với 5 quyền của
người sử dụng đất, Hiến pháp 1992 vẫn xác định “Nhà nước giao đất cho
các tổ chức và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài”, có thể tạm coi quy định
này có giá trị tiệm cận với quyền sở hữu tư nhân về đất đai. Nhưng Hiến
pháp 2013 lại kéo lùi quyền này xuống mức lạc hậu hơn so với cả Hiến
pháp 1959 : Mặc dù quy định “Quyền sử dụng đất được nhà nước bảo hộ”,
nhưng Hiến pháp 2013 lại bỏ cụm từ “sử dụng ổn định lâu dài”, đồng thời
mở đường cho luật pháp xâm phạm nghiêm trọng quyền tài sản (quyền sử
dụng đất) của người dân bằng việc cho phép nhà nước thu hồi đất “vì mục
đích phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”. Quy định
này được chuyển hóa thành điều 62 Luật Đất đai hiện hành, cho phép
chính quyền địa phương thu hồi bất cứ mảnh đất nào của nông dân với giá
đền bù rẻ mạt để giao lại cho các “đại gia” làm dự án kinh tế, thực chất
là “cướp” đất của nông dân để phục vụ cho các nhóm “tư bản thân hữu”,
gây ra biết bao nhiêu là bất công oan trái, sự bất bình của nông dân đã
chiếm tới hơn 80% các vụ khiếu kiện trong toàn quốc (*)
Bãi
bỏ quy định về thu hồi đất để phục vụ cho các nhóm “tư bản thân hữu”
tại điều 62 của Luật Đất đai, tiến tới bỏ nội dung tương tự quy định tại
khoản 3 điều 54 Hiến pháp 2013 là “món nợ” lớn mà những người lãnh đạo
Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay phải trả, nếu các vị vẫn tự cho mình là
con cháu cụ Hồ. Liên minh công nông chính là nền tảng chánh trị, là “đất
sống” của Đảng Cộng sản. Tiếp tục duy trì quy định thu hồi đất nói trên
sẽ phá vỡ khối liên minh này, mà liên minh công nông bị phá vỡ thì sẽ
không còn đất sống cho Đảng Cộng sản. Các vị phải nhớ rằng ở một đất
nước mà nông dân chiếm tới 70-80% dân số thì dựa vào nông dân quan trọng
đến mức ngay cả chính quyền Nguyễn Văn Thiệu cũng phải tuyên bố thực
hiện “Người cày có ruộng”, nó chính là khẩu hiệu của cụ Hồ đấy !
Ba.
Quyền tư hữu đã được Hiến pháp công nhận, nhưng trong thực tế tố tụng ở
nước ta, tòa án thường chỉ căn cứ vào luật chứ không căn cứ vào Hiến
pháp để xét xử, do đó quyền tư hữu cần được xác định cụ thể bằng (hoặc
trong) các đạo luật. Và trong bối cảnh nước ta đang hoàn thiện nhà nước
pháp quyền với rất nhiều vấn đề lịch sử để lại, quyền tư hữu tài sản cần
được xác định theo nguyên tắc :
Đôi
với dân thường và cán bộ-công chức không thuộc diện kê khai tài sản :
tài sản được coi là hợp pháp nếu cơ quan nhà nước không có tài liệu
chứng minh tài sản đó là bất hợp pháp (do trộm cắp, buôn hàng quốc cấm,
chiếm đoạt của người khác, trốn thuế, gian lận thương mại…). Đối với cán
bộ có chức có quyền thuộc diện phải kê khai tài sản (nên kê khai theo
định kỳ) : tài sản lần đầu tiên kê khai được áp dụng như đối với dân
thường. Tài sản phát sinh sau mỗi lần kê khai thì người có tài sản buộc
phải tự chứng minh đó là tài sản hợp pháp.
Nguyên
tắc này có thể không phù hợp ở những nước có pháp quyền lâu đời như
nước Mỹ nhưng phù hợp với hoàn cảnh thực tế ở những nước đang tiến tới
pháp quyền như nước ta. Một nhà nước trong vòng 70 năm có tới 5 bản Hiến
pháp rất khó áp dụng các nguyên tắc của một nhà nước 230 năm chỉ có một
bản Hiến pháp. Nhưng bài viết đã quá dài, xin dừng ở đây.
Hoàng Hải Vân
(FB Hoàng Hải Vân)
Không có nhận xét nào