Header Ads

  • Breaking News

    QH bị chỉ trích vì dưới 1/3 đại biểu ủng hộ đánh thuế tài sản bất minh

    Chỉ hơn 32% trong tổng số 485 đại biểu quốc hội Việt Nam tán thành đề xuất đánh thuế thu nhập vào tài sản không rõ nguồn gốc của quan chức, theo các bản tin mới đây của báo chí trong nước.

    Quốc hội Việt Nam họp 2 kỳ một năm, vào tháng 5 và tháng 11

    Thông tin này dẫn đến những chỉ trích của một số người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội, cho rằng đa phần các đại biểu quốc hội không đại diện cho quyền lợi của cử tri.

    Các báo, trong đó có Thanh Niên, Công An Thành Phố Hồ Chí Minh và Zing, cách đây ít ngày tường thuật rằng đa số đại biểu quốc hội vẫn chưa nhất trí về các biện pháp xử lý các tài sản, thu nhập mà các quan chức không chứng minh được nguồn gốc khi họ có trách nhiệm phải kê khai.

    Một điều khoản trong dự thảo sửa đổi Luật Phòng chống Tham nhũng đang được các đại biểu bàn thảo đề xuất hai phương án xử lý chính. Trong đó, phương án một là tòa án “xem xét, quyết định” số phận của tài sản, thu nhập không giải trình được của quan chức, mà hành động mạnh mẽ nhất có thể là “thu hồi cho Nhà nước”.

    Dưới một nửa tổng số đại biểu QH ủng hộ phương án kể trên, theo các bản tin. Cụ thể là 209/485, tương đương 43,09%.

    Phương án thứ hai nêu ra việc đánh thuế thu nhập cá nhân vào tài sản, thu nhập không được giải trình hợp lý về nguồn gốc của quan chức. Biện pháp này còn nhận được ít sự ủng hộ hơn. Chỉ có 156 đại biểu tán thành, tương đương 32,16% tổng số đại biểu QH, tin cho hay.

    Những vị đại biểu QH thậm chí còn có các doanh nghiệp ‘sân sau’ cướp đất của người dân hay là tất cả các lĩnh vực khác. Họ có tài sản rất lớn từ tham nhũng nên họ rất sợ việc kê khai tài sản hay tịch thu tài sản bất minh.

    Nhà hoạt động Trịnh Bá Phương
    Quyết liệt nhất là đề xuất tịch thu tài sản, thu nhập không chứng minh được nguồn gốc, nhưng chỉ có 1 đại biểu có ý kiến ủng hộ điều này.

    Trong khi đó, các báo cho hay, 31 đại biểu, tức xấp xỉ 6,4% tổng số đại biểu, đã không bày tỏ chính kiến về vấn đề này.

    Những Facebooker có tổng cộng hàng chục ngàn người theo dõi đã đưa ra những bình luận hồi cuối tuần qua bày tỏ thất vọng về diễn biến mới đây ở quốc hội.

    Doanh nhân Trần Quốc Quân, viết hôm 18/11 trên trang cá nhân rằng “thế mới thấy, ĐBQH [đại biểu quốc hội] đa phần không đại biểu cho quyền lợi của cử tri, những người đã bầu ra họ trong cuộc bầu cử không có sự lựa chọn nào khác”.

    Ở Việt Nam, các đảng viên cộng sản - những người vốn cũng nắm giữ các vị trí lãnh đạo trong nhánh hành pháp và tư pháp - chiếm tới 96% đại biểu quốc hội nhờ cơ chế chính trị mà nhiều người vẫn thường gọi là “đảng cử, dân bầu”.

    Giới quan sát và người dân cũng vẫn thường xem quốc hội Việt Nam là “quốc hội nghị gật” hoặc “quốc hội con dấu củ khoai” có nhiệm vụ biểu quyết về mặt hình thức, có tính thủ tục để thông qua nhân sự hay các chính sách đã được đảng cộng sản duy nhất cầm quyền quyết định từ trước.

    Ông Quân, người cũng là một nhà văn, đưa ra quan điểm rằng các văn bản pháp luật do các đại biểu quốc hội soạn thảo và ban hành “chẳng vì dân vì nước mà chỉ phục vụ cho lợi ích nhóm và lợi ích của chính bản thân họ”.

    Phó giáo sư Mạc Văn Trang, một tiếng nói vì tiến bộ được nhiều người biết đến, hôm 19/11 đặt vấn đề rằng khi chỉ có 32% đại biểu quốc hội muốn đánh thuế tài sản bất minh, điều đó đồng nghĩa là 68% đại biểu còn lại chấp thuận việc quan chức được sở hữu các tài sản đó.

    Ông Trang, người từng là chuyên gia Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho rằng qua việc bày tỏ ý kiến về dự thảo sửa đổi luật chống tham nhũng, “tâm địa” của các đại biểu QH đã “lòi mặt ra”. Ông viết: “ĐBQH là tay sai của quan chức, hay đúng hơn 68% số họ cũng là quan tham; ai lại tán thành tịch thu hay đánh thuế vào TSBM [tài sản bất minh] của chính mình”.

    Cùng lên tiếng về vấn đề này, nữ doanh nhân Lê Hoài Anh nhắc lại thực tế rằng hơn 1/3 đại biểu quốc hội Việt Nam “đang kiêm nhiệm”, và đưa ra bình luận: “Họ cũng đang gánh vác chức vụ cao trong bộ máy chính quyền. Họ chả ngu gì mà lại tán thành cho thiệt hại”.

    Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi giữa năm 2018 nói kê khai tài sản cán bộ là "vấn đề nhạy cảm"

    Nói với VOA, nhà hoạt động vì quyền đất đai và dân chủ Trịnh Bá Phương bổ sung thêm lý do nhiều đại biểu tránh né vấn đề xử lý tài sản không rõ nguồn gốc:

    “Những vị đại biểu QH thậm chí còn có các doanh nghiệp ‘sân sau’ cướp đất của người dân hay là tất cả các lĩnh vực khác. Họ có tài sản rất lớn từ tham nhũng nên họ rất sợ việc kê khai tài sản hay tịch thu tài sản bất minh”.

    Giữa năm 2017, Việt Nam ban hành quy định về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của khoảng 1.000 quan chức cao cấp và được báo chí tuyên truyền ồn ào, khoa trương. Nhưng hơn một năm sau, vào tháng 6/2018, trong một cuộc tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại cho rằng ‘kê khai tài sản cán bộ là vấn đề rất khó, nhạy cảm’.

    Cần một số đông lớn trong nhân dân có thể cùng có một hình thức bất tuân dân sự, yêu cầu chính phủ Việt Nam thay đổi cơ chế về tổ chức cán bộ, hoàn toàn phải xóa đi cái ‘đảng cử, dân bầu’.

    Nhà hoạt động Trịnh Bá Phương
    Ở thời điểm đó, giới quan sát nói với VOA rằng diễn biến kể trên là một chỉ dấu cho thấy chủ trương về kiểm tra tài sản của quan chức cao cấp có thể xem như đã thất bại. Họ chỉ ra thực tế rằng cho tới tháng 6/2018 vẫn chưa có một công bố kê khai tài sản nào cả, dẫn đến những bức xúc trong nhân dân.

    Bàn về vai trò của quốc hội đối với việc giám sát quan chức, nhà hoạt động Trịnh Bá Phương nói với VOA rằng thật mỉa mai nếu người dân phải đặt niềm tin vào những đại biểu “đảng cử, dân bầu”.

    Anh cho biết anh và người dân mất đất ở Dương Nội, Hà Nội, đã tẩy chay cuộc bầu cử quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp hồi năm 2016, với nhận thức rằng quốc hội không đại diện cho quyền lợi của người dân, mà ngược lại còn là cánh tay phục vụ đắc lực cho hoạt động cai trị của chính quyền.

    Nhà hoạt động nổi tiếng về đấu tranh chống bất công đất đai chia sẻ với VOA suy nghĩ của anh về cách thức người dân có thể gây áp lực đòi thay đổi quốc hội:

    “Cần một số đông lớn trong nhân dân có thể cùng có một hình thức bất tuân dân sự, yêu cầu chính phủ Việt Nam thay đổi cơ chế về tổ chức cán bộ, hoàn toàn phải xóa đi cái ‘đảng cử, dân bầu’. Và phải yêu cầu họ chấm dứt tình trạng chồng chéo giữa hành pháp, tư pháp và lập pháp”.

    VOA đã liên lạc với một số đại biểu quốc hội để hỏi về vấn đề này nhưng họ từ chối trả lời phỏng vấn.


    AP|VOA

    Không có nhận xét nào