Hoạt động của quốc hội từ lâu vốn
không được người dân quan tâm mấy vì họ coi đó chỉ là công cụ của nhà
nước cộng sản dùng để trang trí màu sắc dân chủ cho chế độ đảng trị.
Trận đấu Lưu Bình Nhưỡng và Tô Lâm |
Trên
thực tế, Quốc hội Việt Nam không giữ vai trò lập pháp thông thường mà
trong các kỳ họp, non 500 đại biểu là đảng viên chỉ được quyền bấm nút
thông qua những dự luật do các bộ của chính phủ, nhất là Bộ Công an viết
ra. Thỉnh thoảng mới có một hai đại biểu quốc hội làm nghị trường giật
mình tỉnh ngủ vì những lời tuyên bố “vượt rào” đối với một vài vấn đề mà
xã hội đang quan tâm.
Chẳng
hạn mới đây trong kỳ họp quốc hội ngày 31/10 trong phần chất vấn Bộ
trưởng Công an Tô Lâm, đại biểu của tỉnh Bến Tre Lưu Bình Nhưỡng cho
rằng qua báo cáo ông có được thì “vi phạm của cơ quan điều tra của Bộ
Công an là rất khủng khiếp”.
Ông
Nhưỡng đưa ra những con số cụ thể như: không thụ lý tin tố giác 94%,
chậm gửi quyết định cho Viện Kiểm sát 86%, xử lý tin tố giác quá hạn
99,76%, vi phạm tống đạt 100%… Một vài đại biểu như Nguyễn Hữu Cầu
nguyên là một đại tá công an, Lê Thị Nga Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp lên
tiếng vuốt đuôi uy quyền của công an, cho rằng đánh giá của ông Nhưỡng
là “không chính xác”.
Gần
một tuần sau đó, phản hồi của Bộ Công an đưa ra những con số hoàn toàn
ngược lại, gián tiếp bác bỏ tuyên bố của ông Lưu Bình Nhưỡng về những vi
phạm của cơ quan điều tra công an.
Lẽ
dĩ nhiên người ta cũng chẳng cần phân tích con số và nội dung phát biểu
của hai bên vì không ai có thể kiểm chứng được mức độ chính xác của vấn
đề.
Công
an thì luôn luôn cho rằng mình đúng và tốt nhất trong tất cả mọi sự, kể
cả lúc tạo điều kiện cho người dân tự tử chết trong nhà tạm giam. Khi
giải trình trước Quốc hội, Bộ Công an làm sao không nói tốt cho các cơ
quan cấp dưới của Bộ?
Còn
ông Lưu Bình Nhưỡng cũng phải nói theo chủ trương của mình hay của
người đứng sau lưng. Vấn đề là trong kỳ họp này, tại sao Đại biểu Lưu
Bình Nhưỡng lại kiếm chuyện với ngành công an?
Thành
tích đen tối của các cơ quan điều tra thuộc một bộ siêu quyền lực như
Bộ Công an thì người dân đen đều biết. Ông Nhưỡng cho dù là một đại biểu
chuyên trách của quốc hội với chức vụ Phó ban Dân Nguyện, ông cũng
không thể đơn phương làm một mình hay tự ý nói để dư luận “nổi sóng”.
Ông đã nói với mọi người rằng, trước khi phát biểu ông có “tham khảo ý
kiến” với Chủ tịch Quốc hội Kim Ngân không trưng ra bằng chứng các con
số mật.
Vậy
ai đã chống lưng cho ông Nhưỡng để ông dám chọc giận Bộ Công an, xưa
nay vốn là một bộ muốn bắt ai thì bắt, giết ai thì giết?
Người chống lưng cho ông Nhưỡng tung ra vụ này chính là tân Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Cái
chết của Trần Đại Quang nhanh chóng biến ông Trọng trở thành kẻ một
mình một chợ. Bây giờ Nguyễn Phú Trọng đã là chủ tịch nước quyền uy nhất
nước như một Tập Cận Bình thu nhỏ.
Theo
sự phân chia trách nhiệm các mảng công tác giữa tứ trụ thì chủ tịch
nước lo mảng tư pháp bao gồm Tòa án, Viện kiểm sát. Từ ngày ông Trọng
lọt vào ban thường vụ đảng uỷ công an và bị qua mặt nhiều vụ tày trời
như nghi can Vũ nhôm êm thắm chuồn sang Singapore nếu không nhờ thế lực
nội bộ làm sao Vũ nhôm đi trót lọt. Vì thế ông Trọng phải tìm cách thanh
lọc công an, tránh trường hợp sau này bị thử thách quyền lực, kiểu “âm
binh vật thầy pháp”.
Thời
gian gần đây ông Trọng đã gỡ bỏ 6 tổng cục, cho về vườn hơn 100 tướng
tá công an, truy tố ít nhất 2 tướng về tội “tổ chức đánh bạc”. Đây không
hẳn là một thành tích nổi bật của Tổng bí thư như một số người ca tụng
mà ông Trọng chỉ mới dọn dẹp nội bộ để loại bớt người của cựu Thủ tướng
Dũng, vừa được tiếng cải cách, chống tham nhũng vừa có dịp gài đàn em
của mình vào.
Trong
vai trò người đứng đầu “Ban chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến
lược nhiệm kỳ 2021-2026” Nguyễn Phú Trọng sẽ có toàn quyền bố trí người
của cánh mình vào các cơ quan đảng và chính phủ trong đại hội 13 diễn
ra trong năm 2021.
Tuy
nhiên hiện nay, chỉnh đốn lề lối làm việc để thị uy với công an vẫn còn
là một điều khó khăn trong khi lực lượng này đang là chỗ dựa vững chắc
cho chế độ. Vả lại muốn chấn chỉnh mấy ông công an này không thể nào ra
chỉ thị hay bắt học tập vì ông nào cũng có sạn trong đầu.
Trong
quá khứ ông Trọng đã từng dùng báo chí lề đảng để gây áp lực và điều
hướng dư luận qua vụ chiếc xe Lexus của Trịnh Xuân Thanh và vụ Vũ nhôm…
Lần này Chủ tịch nước mượn miệng anh Lưu Bình Nhưỡng để thả quả bom “vi
phạm khủng khiếp của công an” ngay giữa kỳ họp quốc hội. Thế là cả đám
công an và những ngòi bút chuyên ăn theo phải nhào vô chữa cháy.
Sau
đó ông Trọng dặn Lưu Bình Nhưỡng phải “án binh bất động”, không nói gì
nữa để mặc tình cho bên công an tiếp tục thanh minh thanh nga. Và trong
tiến trình đó ông Trọng sẽ ngồi quan sát, tính kế hầu bắt đầu ra tay vào
lúc nào để điều chỉnh lại bộ máy tư pháp mà ông Trọng trách nhiệm và
buộc công an làm theo ý chủ tịch nước. Nhất là trong thời gian này quốc
hội đang “xem xét” Dự án Luật Công an nhân dân, nếu không thị uy sau này
e khó bảo.
Rõ
ràng là anh Trọng cao tay ấn hơn mấy anh Tô Lâm, Nguyễn Hữu Cầu. Và rồi
đây để vớt vát Hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA), số phận anh
Tô Lâm có thể còn bi đát hơn do thực hiện kế hoạch bắt cóc Trịnh Xuân
Thanh bị đổ bể tùm lum. Chờ xem!
Phạm Nhật Bình
(Chân Trời Mới)
Không có nhận xét nào