Cho dù EVFTA có được Cộng đồng châu
Âu cho phép ký kết, nhưng tại cuộc họp vào tháng Ba năm 2019, rất có thể
Nghị viện châu Âu sẽ bỏ phiếu phản bác hiệp định này, đưa mối quan hệ
giữa châu Âu và Việt Nam về thời… tiền sử.
Thân mẫu nhà hoạt động Lê Đình Lượng chạm vào hình con mình trên một banner treo phía trước nhà thờ gần tòa án Vinh, 18 tháng 10, 2018. (Facebook Nguyen Xoan) |
Nhân quyền trước hết!
Kỳ
vọng còn nước còn tát của ‘Tổng Chủ’ Nguyễn Phú Trọng và chuyến công du
ba nước châu Âu của Thủ tướng Phúc vào tháng Mười năm 2018 để ‘quốc tế
vận’ cho Việt Nam được ký kết và triển khai EVFTA (Hiệp định thương mại
tự do Việt Nam - châu Âu), cùng một chiến dịch truyền thông đồng loạt,
ồn ào và tốn kém của hệ thống báo đảng về ‘EVFTA sẽ được ký kết’ và
‘Việt Nam thành công với EVFTA’, rất có thể sẽ trở nên công cốc bởi một
nghị quyết về nhân quyền được Nghị viện châu Âu bất ngờ tung ra vào ngày
15/11/2018.
Gần
một tháng sau khi chính thể độc đảng ở Việt Nam đã tưởng như chắc ăn
khi Ủy ban châu Âu đồng thuận làm tờ trình cho Hội đồng châu Âu để xem
xét việc ký kết EVFTA với Việt Nam, nghị quyết 2018/2925(RSP) của Nghị
viện châu Âu đã đẩy kỳ vọng ‘EVFTA được ký kết’ từ xác suất cao hoặc rất
cao về mốc 50/50.
Khác
nhiều với quan điểm không mấy rõ ràng và dứt khoát của Ủy ban châu Âu,
ngay phần đầu của nghị quyết 2018/2925(RSP) đã khẳng định: “Quan hệ giữa
Liên minh châu Âu và Việt Nam phải căn cứ trước hết trên nền tảng tôn
trọng nhân quyền, dân chủ và pháp quyền; và trên cơ sở bảo đảm các tiêu
chuẩn quốc tế về lĩnh vực này”.
Bản ‘cáo trạng’
Toàn
bộ nội dung của bản nghị quyết 2018/2925(RSP) giống hệt một cáo trạng
toàn diện và đang thép lên án chính thể độc đảng ở Việt Nam về rất nhiều
hành vi vi phạm nhân quyền trầm trọng:
-
Lên án ‘tình trạng vi phạm nhân quyền đang tiếp diễn’ trong đó có việc
kết án, đe dọa, theo dõi, sách nhiễu, hành hung và xét xử không công
bằng nhắm vào các nhà hoạt động chính trị, nhà báo, blogger, những người
bất đồng chính kiến và bảo vệ nhân quyền.
-
Lên án các đạo luật của Việt Nam ‘cản trở quyền con người và quyền tự
do cơ bản’, trong đó là đạo luật như Bộ luật Hình sự, luật An ninh mạng
và Luật Tín ngưỡng Tôn giáo.
-
Nghị viện châu Âu kêu gọi đối với chính quyền Việt Nam phải phóng thích
tất cả các tù nhân chính trị ‘ngay lập tức và vô điều kiện’. Trong danh
sách được Nghị viện châu Âu yêu cầu trả tự do có các nhà hoạt động
Hoàng Đức Bình, Nguyễn Nam Phong, Nguyễn Trung Trực và Lê Đình Lượng.
-
Nghị quyết này cũng yêu cầu Việt Nam ‘hủy bỏ hoặc sửa đổi tất cả các
điều luật mang tính đàn áp’ và ‘đảm bảo rằng mọi quy định pháp luật phải
phù hợp với tiêu chuẩn và nghĩa vụ quốc tế về nhân quyền’. Nghị quyết
còn kêu gọi Việt Nam xây dựng luật biểu tình.
-
Đối với các nhà hoạt động nhân quyền, Nghị viện châu Âu yêu cầu Việt
Nam chấm dứt mọi hành vi cản trở và sách nhiễu trong khi đối với những
người đang bị giam giữ, cơ quan này yêu cầu phải đối xử với họ phù hợp
với tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo họ không bị tra tấn và ngược đãi và được
quyền tiếp xúc với luật sư…
Những đòi hỏi mới
Không
chỉ có thế, nghị quyết 2018/2925(RSP) còn nêu ra những đòi hỏi mới so
với những bản nghị quyết nhân quyền trước đây cũng của Nghị viện châu
Âu:
-
Kêu gọi Việt Nam đưa ra lời mời không thời hạn đối với các Quy trình
Đặc biệt của Liên hiệp Quốc, cụ thể là Đặc sứ về Quyền Tự do Chính kiến
và Tự do Biểu hiện, và Đặc sứ về Những Người Bảo vệ Nhân quyền;
- Kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam công nhận các công đoàn độc lập;
-
Kêu gọi Cơ quan Đối ngoại EEAS và Ủy ban châu Âu hỗ trợ các nhóm xã hội
dân sự và cá nhân đang bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam một cách tích cực,
bao gồm việc kêu gọi phóng thích các nhà bảo vệ nhân quyền và tù nhân
lương tâm trong tất cả các lần liên hệ với nhà cầm quyền Việt Nam; kêu
gọi Phái đoàn EU ở Hà Nội cung cấp mọi sự hỗ trợ thích đáng đối với
những nhà bảo vệ nhân quyền đang bị cầm tù và tù nhân lương tâm, bao gồm
việc sắp xếp các chuyến thăm ở trại giam, giám sát phiên tòa xét xử và
cung cấp hỗ trợ pháp lý;
-
Kêu gọi các quốc gia thành viên EU tăng cường nỗ lực gây sức ép để đạt
được những cải thiện cụ thể về nhân quyền ở Việt Nam, bao gồm đợt đánh
giá định kỳ toàn cầu UPR sắp tới của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền
Liên hiệp Quốc;
-
Nhắc lại lời kêu gọi ban hành trên toàn thể EU lệnh cấm xuất khẩu, bán,
nâng cấp và bảo trì tất cả các dạng thiết bị an ninh có thể hoặc đã
được sử dụng để đàn áp nội bộ, trong đó có cả kỹ thuật giám sát trên
mạng, đối với các quốc gia có hồ sơ nhân quyền đáng lo ngại;
-
Hoan nghênh mối quan hệ đối tác đang được củng cố và Đối thoại Nhân
quyền giữa EU và Việt Nam, và nhắc lại tầm quan trọng của Đối thoại
trong vai trò thiết chế mấu chốt có thể sử dụng một cách hữu hiệu để
đồng hành và cổ vũ Việt Nam thực hiện các cải cách cần thiết; khuyến
khích mạnh mẽ Ủy ban châu Âu giám sát các bước tiến bộ căn cứ trên Đối
thoại bằng cách thiết lập các mốc đánh giá và cơ chế giám sát;
-
Kêu gọi chính quyền Việt Nam và EU, với tư cách là các đối tác quan
trọng của nhau, cam kết cải thiện sự tôn trọng nhân quyền và các quyền
tự do cơ bản ở Việt Nam, vì đó là một mấu chốt của quan hệ song phương
giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, đặc biệt là liên quan tới việc thông
qua Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam (EVFTA) và tới Hiệp định
Đối tác và Hợp tác EU – Việt Nam (PCA);
2018/2925(RSP) mang hàm ý gì?
Theo
lộ trình xem xét và phê chuẩn EVFTA, sau khi Ủy ban châu Âu làm tờ
trình về hiệp định này cho cơ quan cấp trên là Cộng đồng châu Âu, Cộng
đồng châu Âu sẽ xem xét và quyết định có cho phép Ủy ban châu Âu ký
EVFTA với Việt Nam hay không vào tháng Mười Một hoặc tháng Mười Hai năm
2018.
Nếu
EVFTA được Cộng đồng châu Âu cho phép ký kết, hồ sơ hiệp định này sẽ
được trình cho Nghị viện châu Âu để tổ chức này quyết định có phê chuẩn
hay không. Mốc thời điểm xem xét việc phê chuẩn là vào tháng Ba năm
2019, trước khi diễn ra cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu mới hai tháng sau
đó - tháng Năm năm 2019.
Từ
trước khi hồ sơ EVFTA được Ủy ban châu Âu tổ chức điều trần tại
Brussels vào tháng Mười năm 2018, đã xuất hiện nhiều cảnh báo từ giới
quan chức châu Âu về việc nếu EVFTA không kịp được phê chuẩn trước khi
Nghị viện châu Âu tổ chức bầu cử, sẽ không có gì chắc chắn là nghị viện
mới của châu Âu - với nhiều gương mặt nghị sĩ mới và quan điểm cũng khác
biệt - sẽ dễ dàng thông qua EVFTA. Thậm chí trong trường hợp ‘xấu
nhất’, bản hiệp định này sẽ bị một nghị viện mới bộn bề công việc, trong
đó bao gồm cả quan điểm chiếm số đông về không thể chấp nhận cho một
nhà nước Việt Nam vi phạm nhân quyền trầm trọng được hưởng lợi từ thị
trường chung châu Âu, gạt phắt sang một bên để số phận của EVFTA cũng
hẩm hiu tương tự như Hiệp định TPP vào đầu năm 2017 khi bị Mỹ rút ra.
Không
chỉ có chuyến công du ba nước châu Âu của Thủ tướng Phúc để ngầm vận
động cho EVFTA, nghe nói còn có cả một chiến dịch của Việt Nam - với một
khoản tiền lớn từ tiền đóng thuế của dân Việt - được tung ra nhằm thông
qua các cơ quan ngoại giao và thương vụ của mình tại những quốc gia ‘có
truyền thống xã hội chủ nghĩa anh em’ như Hungary, Romania, Ba Lan,
Czech để tác động những nước này góp thêm tiếng nói ủng hộ EVFTA đối với
Cộng đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu. Khoảng thời gian vài tháng cuối
năm 2018 được giới quan chức Việt Nam xem là ‘đẹp nhất’ để EVFTA được
ký.
Song
động thái tung ra bản nghị quyết nhân quyền của Nghị viện châu Âu vào
ngày 15/11/2018 đã hàm ý như một thông điệp trực tiếp cho Cộng đồng châu
Âu về quan điểm ‘nhân quyền trước hết’, trước khi cơ quan này họp để
quyết định có cho phép Ủy ban châu Âu ký EVFTA với Việt Nam hay không.
Bản
nghị quyết trên cũng chính thức xác lập quan điểm rất rõ ràng của Nghị
viện châu Âu về EVFTA. Điều đó có nghĩa là cho dù EVFTA có được Cộng
đồng châu Âu cho phép ký kết, nhưng tại cuộc họp vào tháng Ba năm 2019,
rất có thể Nghị viện châu Âu sẽ bỏ phiếu phản bác hiệp định này, đưa mối
quan hệ giữa châu Âu và Việt Nam về thời… tiền sử.
Vào
lúc này đây, giới chóp bu Việt Nam đang đứng trước một ngã rẽ quyết
định và sống còn cho sự tồn tại được ngày nào hay ngày đó của thể chế
này: nếu không thực tâm cải thiện nhân quyền và cả cải cách chính trị,
sẽ chẳng có bất kỳ tương lai nào cho EVFTA - cả về ký kết lẫn triển khai
hưởng lợi sau ký kết.
Phạm Chí Dũng
(Blog VOA)
Không có nhận xét nào