Bất chấp hai bản án chung thân mà Nguyễn Phú Trọng - khi còn chưa gấp rút thay thế Trần Đại Quang để trở thành chủ tịch nước - đã khiến Thanh phải khóc nức lên mà ‘cháu xin lỗi bác tổng bí thư’…
Thanh lại… uống bia và chơi golf?
Bất chấp hai bản án chung thân mà Nguyễn Phú Trọng - khi còn chưa gấp rút thay thế Trần Đại Quang để trở thành chủ tịch nước - đã khiến Thanh phải khóc nức lên mà ‘cháu xin lỗi bác tổng bí thư’…
Đây là lần đầu tiên kể từ thời điểm nổ ra cuộc khủng hoảng Đức - Việt vào tháng Tám năm 2017, Đoàn Xuân Hưng biểu thị cái nhìn tràn trề hy vọng đến thế về tương lai phục hồi quan hệ Việt - Đức. Còn trước đó, viên đại sứ này đã biến thành một con rối câm nín, né tránh hầu hết báo đài Đức và báo chí phương Tây soi xóc về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Thậm chí vào tháng Tư năm 2017 khi Tòa thượng thẩm Berlin mở phiên tòa xét xử Nguyễn Hải Long tham gia vào đường dây bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, Đoàn Xuân Hưng còn là một trong 4 quan chức Việt Nam bị tòa triệu tập để hỏi cung. Về thực chất, Hưng bị cảnh sát Đức nghi ngờ là đã tiếp tay chặt chẽ cho kế hoạch lén lút bắt cóc Trịnh Xuân Thanh của phía Việt Nam, được tiến hành bởi một viên trung tướng an ninh của Bộ Công an cũng tên là Hưng - Đường Minh Hưng.
Cảm xúc lộ liễu trên của Đoàn Xuân Hưng lộ ra cùng với việc báo đảng ở Việt Nam thông tin “Quốc Vụ khanh Andreas Michaelis hứa sẽ thu xếp sớm thăm Việt Nam vào thời gian phù hợp để tiến hành Đối thoại chiến lược giữa hai Bộ Ngoại giao”.
Đó là thông tin hiện ra lần đầu tiên kể từ xảy ra con địa chấn khủng hoảng Đức - Việt. Còn trong hơn một năm trước đó, dù đã diễn ra nhiều cuộc đàm phán ngầm giữa Hà Nội và Berlin về vụ Trịnh Xuân Thanh, nhưng đã không có bất kỳ một quan chức cao cấp nào của Đức đến ‘thăm Việt Nam’.
Trong khi đó, cái ‘án treo’ về tạm ngừng quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước mà người Đức tuyên vào tháng Chín năm 2017 vẫn còn sờ sờ một cách đầy đe dọa. Từ tháng Chín ấy đến nay, toàn bộ các chương trình dự án mới về viện trợ và kinh tế của Đức cho Việt Nam đã tạm ngưng. Nhưng ‘đau khổ’ nhất cho cả hai bên vẫn là vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã cứa một vết rất sâu vào một trong những cái nôi nhà nước pháp quyền tiêu biểu nhất ở châu Âu, khiến cho chính phủ Đức không thể bỏ qua, lồng trong bối cảnh Đức là quốc gia có ảnh hưởng nhất trong việc tác động đến Nghị viện châu Âu để quyết định có phê chuẩn hay không cho Việt Nam được tham gia vào EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu) vào tháng Ba năm 2019.
Cũng trong thời gian trên, phía Việt Nam đã không có bất kỳ một lời xin lỗi nay cam kết ‘sẽ không tái phạm’ nào về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh với người Đức. EVFTA cũng bởi thế vẫn nằm nguyên trong tư thế bị cột chặt cả tứ chi.
Kẻ đói ăn không thể chịu đựng hơn được nữa?
Đến tháng Mười năm 2018, chính thể độc đảng ở Việt Nam đã tiến đến EVFTA gần hơn bao giờ hết khi cuộc họp ở thủ đô Bruselles của nước Bỉ, nơi đặt trụ sở của Liên minh châu Âu, đã quyết định thông qua dự thảo EVFTA cùng với ‘gói nhân quyền’ để trình cho Hội đồng châu Âu xem xét việc ký kết hiệp định này, trước khi trình cho Nghị viện châu Âu.
Tức bất chấp điều được xem là ‘thành công lớn’ sau chuyến đi vận động EVFTA của Thủ tướng Phúc tại ba nước châu Âu vào tháng Mười năm 2018, hiệp định mang thời gian thai nghén quá lâu này vẫn còn phải trải qua hai công đoạn then chốt nữa, với cái nhìn nghiêm khắc của người Đức.
Rất có thể không hề ngẫu nhiên, cuộc đàm phán mang tính then chốt giữa hai bộ ngoại giao Đức và Việt Nam về vụ Trịnh Xuân Thanh đã diễn ra chỉ chưa đầy một tháng sau cuộc điều trần EVFTA - nhân quyền do Ủy ban châu Âu tổ chức tại Bỉ và trong giai đoạn bản dự thảo EVFTA đang trình cho Hội đồng châu Âu.
Cũng rất có thể đang diễn ra kịch bản những người mang danh nghĩa cộng sản ở Việt Nam rốt cuộc đã phải đầu hàng trước áp lực liên tục của người Đức, phải ‘nhả’ Trịnh Xuân Thanh để đổi lấy Hiệp định EVFTA - tương tự phương châm ‘đổi tù nhân chính trị lấy lợi ích thương mại’ mà họ đã vừa âm thầm vừa trơ tráo thực hiện đổi chác với Mỹ và phương Tây trong nhiều năm qua.
Nếu trong thời gian tới, Trịnh Xuân Thanh quả thực sẽ uống bia và chơi golf ở Đức, tâm thế đầu hàng của nhà nước cộng sản Việt Nam sẽ hiện hình một cách đầy ý nghĩa: hiện tượng này phản ánh tiến trình ‘vận nước đang lên’ và cuộc đấu lực lẫn đấu trí của nhà nước này với người Đức, Liên minh châu Âu và người Mỹ đã chạm vào ngưỡng trên của giới hạn chịu đựng. Nguyễn Phú Trọng và cái túi ngân sách thủng toang hoác của chế độ ông ta khó mà có thể chịu đựng cơn đói ăn hơn nữa.
Không thể cứ khư khư ôm lấy quan điểm ‘chấp nhận trả giá đối ngoại để ưu tiên giải quyết đối nội’, cũng không còn cách nào khác, phải trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức.
Cho dù việc trả Trịnh Xuân Thanh sẽ là một bằng chứng hùng hồn nhất cho tuyên truyền ‘Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước đầu thú’ là giả dối đến thế nào, về vụ bắt cóc Thanh do mật vụ Việt Nam và những cấp lãnh đạo có thể là rất cao đã chỉ đạo phi vụ này, cho dù sau khi trở lại Đức, Trịnh Xuân Thanh sẽ trở thành tiêu điểm phỏng vấn ghi hình của báo chí Đức và báo chí phương Tây mà sẽ khiến lộ ra gương mặt ‘nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa’ của Việt Nam là nhơ nhuốc đến thế nào…, sự việc vẫn cứ như lời thơ xưa của các bậc tiền nhân: ‘Gặp thời thế thế thời phải thế’.
Sự thật là trong con mắt nước Đức, một kẻ tham nhũng như Trịnh Xuân Thanh nếu có được phía Việt Nam trả lại cho Đức cũng chẳng có ý nghĩa gì lớn. Mà trên hết, người Đức cần được chế độ vi phạm nhân quyền quá trầm trọng ở Việt Nam thật sự tôn trọng như một nhà nước pháp quyền, mà vụ Trịnh Xuân Thanh là một phép thử rất lớn.
Cuối năm 2018, tình thế đã trở thành thế triệt buộc đối với nhà nước cộng sản Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên đã xuất hiện ‘tin nội bộ’ về việc hai cơ quan liên quan mật thiết đến vai trò chính trị và đàm phán CPTPP lẫn EVFTA là Bộ Ngoại giao và Bộ Công thương đã hối thúc Bộ Chính trị đảng phải trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức để đổi lấy tương lai ‘không ngừng nâng cao uy tín Việt Nam trên trường quốc tế’ và để Việt Nam được tham gia vào bàn tiệc đứng EVFTA.
Phạm Chí Dũng
Blog VOA
Không có nhận xét nào