Ngay sau đại hội 12, đã xuất hiện một
giả thiết về tương lai lục đục chính trị giữa tân chủ tịch nước Trần Đại
Quang và người đang có ý đồ ‘nhất thể hóa’ là Nguyễn Phú Trọng. Đến năm
2017, đà ‘chống tham nhũng’, mà chủ yếu là thế tiến công vào ‘cánh Ba
X’, của ông Trọng bị khựng lại với một trong những nguyên do mang tính
giả thiết là ‘lực cản Trần Đại Quang’. Khi đó, đã xuất hiện những thông
tin không chính thức về một mối quan hệ gần gũi nào đó giữa Trần Đại
Quang và Nguyễn Tấn Dũng. Rồi đến khi nổ ra vụ Vũ ‘Nhôm’ - kẻ được đồn
đoán mang họ tên Trần Đại Vũ mà chẳng thấy Bộ Công an cải chính, những
giả thiết trên xem ra đã có tính thực tế chứ không đến nỗi hoang đường.
Nếu đốt lò dẫn đến cửa nhà Nguyễn Tấn Dũng, ông Trọng có sẽ thỏa mãn? |
‘Bắt, bắt nữa, bắt mãi’
Còn
giờ đây, ‘lực cản’ - nếu có thể gọi như thế, đã cùng với Trần Đại Quang
ra đi mãi mãi. Chính trường Việt Nam cũng đã biến mất thế lực đối trọng
đáng kể cuối cùng trong cuộc chơi với Nguyễn Phú Trọng.
Một
lần nữa sau một cơn suy trầm, Tổng bí thư Trọng lại vươn lên thế thượng
phong trước các đồng chí của ông. Cùng với việc chiếm lĩnh được hai cục
công an ‘bắt, bắt nữa, bắt mãi’ là Cảnh sát điều tra và An ninh điều
tra kể từ tháng Tám năm 2018, ông Trọng sẽ tha hồ đánh đông dẹp bắc
trong nội bộ đảng.
Giờ
đây, ‘Đốt lò’ của Nguyễn Phú Trọng đang khiến nhiều quan chức bậc trung
cấp hay cao cấp đau đầu, quá dễ tăng huyết áp và trụy tim mạch.
Một
cựu quan chức mô tả về tâm thế của những quan chức trên theo một cách
rất tâm thần học: co rúm lại bởi những cơn ám ảnh xuất hiện ngay trong
cả trong giấc ngủ.
Dĩ
nhiên loại quan chức nhiều tiền lắm của luôn lo sợ chiến dịch “đốt lò”
của Nguyễn Phú Trọng lặp lại những gì của Tập Cận Bình mà sẽ đốt ráo
trọi của thứ củi, và chẳng ưa ông Trọng đến mức có lẽ chỉ cầu mong ông
này bị đột quỵ hoặc bị… ám sát.
Nhưng
cả hai khả năng xấu tệ trên đều chưa có hơi hướng nào sẽ xảy ra. Cho
đến giờ và khi cuộc chiến “chống tham nhũng” của “bậc nhân kiệt thế
thiên hành đạo” (một cách ví von không thể tưởng tượng nổi của vài nhân
văn cận thần đặc tả về Tổng Bí Thư Trọng) đang lao vào khu rừng đầy yêu
tinh ma quái, không ít cán bộ đang ngạc nhiên bởi vẻ hồng hào vẫn lồ lộ
trên gương mặt của ông ta, cho dù ai cũng biết giới lãnh đạo cao cấp,
nhất là những người đã “thất thập cổ lai hy” rất thường dùng thủ pháp
hóa trang để “trẻ mãi không già.”
Những
quan chức nhúng chàm nhưng không muốn gột rửa cũng chẳng mấy hy vọng
việc Tổng Bí Thư Trọng bị một sát thủ vô hình bắn hạ như cảnh vẫn diễn
ra trong phim Mỹ. Sau vụ “cả ba bị bắn” ở Yên Bái vào tháng Tám, 2016,
nghe nói quân số bảo vệ các ủy viên bộ chính trị và đặc biệt cho tổng bí
thư đã tăng gấp đôi gấp ba nên quá khó để ông Trọng bị thế này thế nọ,
thậm chí cả bị đe dọa cũng chưa thấy.
Vậy
là ít ra trên mặt báo đảng, ông Trọng vẫn khỏe như vâm và đang thể hiện
một cơn “say máu” chưa từng có trong cuộc đời 6 năm làm tổng bí thư của
ông, không chỉ về “chống tham nhũng” mà còn giương cao ngọn cờ tập
quyền như những gì mà Tập Cận Bình đã dâng cao vời vợi ở Trung Quốc. Cả
hai yếu tố này, khi gộp lại, mới chính là thảm họa đối với những kẻ còn
chưa kịp “ra đi tìm đường cứu nước.”
Nếu
chiến dịch “chống tham nhũng” của Tổng Bí Thư Trọng được tiến hành theo
từng đợt và có thời gian xả hơi giữa hai đợt, giới quan chức tham nhũng
vẫn còn hy vọng sẽ lợi dụng khoảng giải lao quý báu ấy để hoặc kịp tẩu
tán tài sản phi pháp, hoặc bạo gan tổ chức phá rối hay phản công lại
tổng bí thư của mình, hoặc nếu không cải thiện được tình thế và cũng
chẳng lật đổ được tổng bí thư thì tận dụng thời gian để “ra đi tìm đường
cứu nước” - như những Trịnh Xuân Thanh, Lê Chung Dũng, Vũ Đình Duy…
Nhưng
đến giờ thì đã rõ ràng: vụ bắt Đinh La Thăng vào ngày 8 tháng Mười Hai
năm 2017 là thời điểm cần được xem là mốc mở màn cho “chống tham nhũng
giai đoạn 2” của ông Trọng, để chiến dịch này nhiều khả năng sẽ “phát
triển liên tục” chứ không có khoảng “giải lao,” để nếu đúng là ‘đốt lò’
đã chính thức chuyển sang giai đoạn 3 thời ‘Hậu Quang’ vào tháng Mười
Một năm 2018, khoảng thời gian cuối năm 2018 chính là một cơn sóng lừng
báo hiệu cho cả năm 2019 cuồng nộ bão tố trên biển cả chính trường Việt
Nam.
Giai đoạn 3 và sau đó?
Một
hệ quả chắc chắn đang và sẽ xảy ra là vào thời ‘Hậu Quang’, một phần
lớn, nếu không nói là toàn bộ ê kip trước đây từ thời Trần Đại Quang còn
là bộ trưởng công an sẽ được đặt trên ‘đầu ruồi’ của Văn phòng chủ tịch
nước. Tất cả những kẻ nào chưa kịp ‘ra đi tìm đường cứu nước’ đã và sẽ
phải chịu chung số phận tê tái.
Sau
khi đã thành công khá lớn với chiến dịch tái cơ cấu, mà thực chất là
‘thay máu’ Bộ Công an vào đầu năm 2018, để từ đó đến nay đã ‘loại khỏi
vòng chiến đấu’ khoảng một chục tướng công an được phong dưới thời
Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng một cách nào đó đang làm thay một phần
việc của đương kim bộ trưởng công an Tô Lâm, đặc biệt về khâu nhân sự.
‘Cánh Quang’ cũng bởi thế sẽ chỉ còn quá ít cơ hội để vùng vẫy.
Còn sau đó, ‘đường đi’ của ông Trọng là gì?
Sau
hai chiến dịch ‘thay máu’ Đà Nẵng và Bộ Công an, từ quý hai năm 2018
đến nay đã xuất hiện ngày càng nhiều những dấu hiệu và biểu hiện cho
thấy ông Trọng chọn địa bàn TP.HCM như một mục tiêu tiến công tiếp theo -
mục tiêu chiến lược nằm trên sơ đồ tổng thể Nam Bộ, đặc biệt là khu vực
các tỉnh thành ở miền Tây Nam Bộ, nơi mà ‘người Bắc có lý luận’ như ông
Trọng muốn ‘trấn Nam’.
Sau
khi một Đinh La Thăng - người của Nguyễn Tấn Dũng ‘cài’ vào Bộ Chính
trị và đã khiến ông Trọng phải hao tâm tổn trí để thanh loại nhân vật
này khỏi cái ghế bí thư thành ủy TP.HCM, một Nguyễn Thiện Nhân nói gì
nghe đó được đặt vào cái ghế này sẽ tạm giúp cho Chủ tịch nước Nguyễn
Phú Trọng ‘dẹp loạn’ tư bản đỏ ở miền Nam - tạo nên một hố khác biệt với
cả một thế giới tư bản đỏ mại bản ở miền Bắc và dày đặc nhất tại Hà
Nội.
Bàn
cờ giai đoạn 3 của ‘đốt lò’ cũng bởi thế nhiều khả năng sẽ tập trung
vào TP.HCM và một số tỉnh thành miền Tây Nam Bộ, và giai đoạn này có thể
sâu hiểm nhất, sắc máu nhất, kể cả tàn nhẫn nhất kể từ đầu chiến dịch
‘đốt lò’. Nhiều quan chức Nam Bộ sẽ chính thức vào ‘lò’ và làm ‘bạn chăn
kiến’ với Đinh La Thăng.
Giai
đoạn 3 có thể kéo dài từ cuối năm 2018 đến cuối năm 2019, hoặc đầu năm
2020, để sau đó chủ nhân của ‘lò’ còn phải dành thời gian quán xuyến
công việc quan trọng hơn: ‘cán bộ cấp chiến lược’ cho đại hội 13.
Giai
đoạn 3 ‘đốt lò’ cũng có thể sẽ là giai đoạn cuối của chiến dịch ‘đốt
lò’. Nếu giai đoạn này được hoàn tất với lộ trình dẫn thẳng đến cửa nhà
Nguyễn Tấn Dũng, có lẽ Nguyễn Phú Trọng sẽ đủ thỏa mãn - như tính ông ta
vốn thế, mà không cần phải ‘chống tham nhũng’ hơn nữa. Thêm vào đó, vấn
đề sức khỏe của ông Trọng có lẽ đủ tế nhị và đủ âu lo mà không cho phép
ông ta kéo dài lâu hơn cuộc chiến đấu của mình. Một kịch bản có thể xảy
ra là Nguyễn Phú Trọng có thể sẽ ‘nhường’ bớt cái ghế tổng bí thư cho
một nhân vật khác, mà Trần Quốc Vượng đang là cái tên được nói đến nhiều
nhất, để ông Trọng yên vị làm ‘thái thượng hoàng’ trên cái ghế còn lại
và nhàn nhã hơn nhiều là chủ tịch nước, nhưng vẫn cố gắng nhằm khiển
được tân tổng bí thư và đương nhiên cả với Thủ tướng Phúc.
Khoảng
thời gian còn lại cho đến đại hội 13, nếu còn có đại hội đó và nếu
không bị phản bội bởi tuổi tác và độ minh mẫn, Nguyễn Phú Trọng sẽ biết
cách làm cho hình ảnh của ông được tôn lên như một Tập Cận Bình độc bá
về quyền lực và thậm chí độc tôn về tư tưởng theo phương châm ‘uy quyền
đến lúc chết’.
Phạm Chí Dũng
(Blog VOA)
Không có nhận xét nào