‘Đừng tin những gì chính quyền nói,
hãy nhìn những gì chính quyền làm’ - rất nhiều công nhân và người dân đã
bật ra mối nghi ngờ rất lớn ngay sau khi xuất hiện tin tức về việc
chính quyền Việt Nam, để được tham gia vào CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn
diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), đã lần đầu tiên phải chấp nhận
định chế Công đoàn độc lập - một trong những điều kiện then chốt của
CPTPP mà tất cả các quốc gia tham dự bàn tiệc đứng này đều phải có nghĩa
vụ tuân thủ chặt chẽ.
Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đọc tờ trình trước Quốc hội về việc phê chuẩn CPTPP. |
Vì sao nghi ngờ?
Theo
những quy định của CPTPP, chính quyền Việt Nam sẽ phải cho phép người
lao động được tự do thành lập các tổ chức nghiệp đoàn tự do để tự bảo vệ
quyền lợi chính đáng của mình, tức về thực chất sẽ có một hình thái tổ
chức nghiệp đoàn độc lập, hay còn gọi là công đoàn độc lập, tồn tại song
song với hệ thống Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam từ trung ương xuống
các địa phương. Không những thế, công nhân còn được thành lập nghiệp
đoàn tự do không chỉ giới hạn ở từng khu vực mà còn trên cả nước, và các
nghiệp đoàn độc lập này được kết nối với nhau…
Đã
bị chính quyền mị dân và lừa gạt quá nhiều lần, vào lần này quá ít
người lao động còn có thể tin rằng chính quyền sẽ thực tâm hoặc nghiêm
túc tuân thủ điều kiện Công đoàn độc lập trong CPTPP mà không tạo ra một
thứ ‘Công đoàn độc lập cuội’ để đối phó với hiệp định này. Ngược lại,
chính quyền đó sẽ vẫn cố sống cố chết giữ cho mình vai trò độc tôn quyền
lực, trong một nỗi sợ hãi đến mức hoang tưởng về tương lai Công đoàn
độc lập ở Việt Nam sẽ biến thành Công đoàn Đoàn kết ở Ba Lan và lập ra
đảng phái chính trị để nổi sóng thay thế chính quyền hiện tại ở Việt
Nam.
Mối nghi ngờ trên là có cơ sở, thậm chí có quá nhiều bằng chứng về tính cơ sở.
Bởi
trước đó trong quan điểm và cách hành xử của chính quyền Việt Nam, Công
đoàn độc lập luôn bị lên án là ‘một thủ đoạn của Diễn biến hòa bình’,
bị quy chụp động cơ chính trị và khiến nhiều nhà hoạt động công đoàn độc
lập như Đoàn Huy Chương, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Đỗ Thị Minh
Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Trương Minh Đức, Hoàng Bình… bị công an
thẳng tay tống giam và rơi vào nhà tù thăm thẳm nhiều năm.
Thậm
chí vào năm 2015, sau chuyến đi Mỹ của Nguyễn Phú Trọng và nhận được
lời hứa của tổng thống Mỹ khi đó là Barak Obama về việc sẽ cho Việt Nam
tham gia vào Hiệp định TPP cùng cam kết đổi lại của ông Trọng về việc
Việt Nam sẽ công nhận Công đoàn độc lập, chính quyền Việt Nam vẫn tìm
cách bưng bít mọi thông tin về Công đoàn độc lập.
Chỉ
đến giữa năm 2016, tức khoảng hơn hai tháng sau chuyến thăm Việt Nam
của Tổng thống Obama, mới bắt đầu xuất hiện vài dấu hiệu cho thấy chính
quyền Việt Nam, sau một thời gian cố tình trì hoãn, đang phải thúc đẩy
việc “thí điểm” không công khai về định chế Công đoàn độc lập. Khi đó đã
lần đầu tiên hiện hình ý đồ và manh nha một chiến dịch tổ chức ‘Công
đoàn độc lập cuội’.
Trong
lúc giới dư luận viên - mà có thể hiểu phía sau giới này là các cơ quan
tuyên giáo và công an - dần chuyển giọng theo cách “Sự xuất hiện của
công đoàn độc lập sẽ giúp đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao
động, tuy nhiên không ai có thể khẳng định tất cả các công đoàn độc lập
đều hoạt động vì mục đích tốt đẹp như vậy”, dấu hiệu hiện lên rõ nhất
đến từ cuộc làm việc của Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng với Liên
đoàn Lao Động TP HCM vào ngày 23/8/2016. Tại đây, ông Thăng - quan chức
mà khi đó còn chưa phải lãnh hai bản án với 31 năm tù giam và phải thốt
lên ‘hãy đối xử với bị cáo như một con người!’ - đã bất ngờ cho rằng yêu
cầu đình công của công nhân là chính đáng và còn đặt câu hỏi: “Sao công
đoàn không tổ chức đình công theo luật cho công nhân?”. Thậm chí ông
Thăng còn phát ra đánh giá “chưa thành công là do tổ chức công đoàn chưa
mạnh dạn làm việc đó”, và yêu cầu Liên đoàn Lao động TP HCM nếu chưa tổ
chức thành công thì cứ mạnh dạn tổ chức cho thành công.
Hiện
tượng chưa từng có nói trên là trái ngược hoàn toàn với toàn bộ những
gì mà đảng đã gán ghép Công đoàn độc lập với Công đoàn Đoàn kết và coi
đó là “một thủ đoạn nguy hiểm của Diễn biến hòa bình”, đồng thời cấm
tiệt tất cả các cuộc đình công của công nhân Việt Nam đúng theo lối trả
lời thật thà “Chưa bao giờ!” của Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP HCM Trần
Kim Yến trước câu hỏi “Công đoàn đã tổ chức cuộc đình công nào thành
công chưa?” của Đinh La Thăng.
Nhưng
đến cuối năm 2016 và sang đầu năm 2017, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã
đột ngột giáng một đòn nặng nề vào TPP và cũng khiến tiêu tan hy vọng về
‘Việt Nam là quốc gia hưởng lợi lớn nhất trong TPP’: tổng thống mới là
Donald Trump đã quyết định Mỹ sẽ không tham gia vào hiệp định này.
Kể
từ đó, không một cơ quan hay quan chức nào của Việt Nam thèm nhắc đến
Công đoàn độc lập hay một thứ gì đó từa tựa như ‘bảo vệ quyền lợi người
lao động’. Mọi thông tin về Công đoàn độc lập trong TPP đều bị ém nhẹm.
Thay vào đó và ngược lại, các nhà hoạt động công đoàn độc lập bị truy
xét, sách nhiễu, đánh đập và bắt bớ, lồng trong bối cảnh một chiến dịch
đàn áp ghê gớm đối với nhân quyền được tổ chức bởi Bộ Công an và chỉ tạm
‘giải lao’ vào cuối năm 2017.
Lùi một bước để tiến nhiều bước!
Gần cuối năm 2018, khi nhận ra cơ hội sắp được vào CPTPP, kịch bản cũ đã được giới chóp bu Việt Nam lôi ra dùng lại.
Tương
tự chiến dịch tuyên truyền cho việc Việt Nam sắp vào TPP với đủ thứ lợi
ích kèm theo vài ẩn ý về việc “sẽ sửa luật Lao động, đặc biệt là chương
về Công đoàn và những cam kết về lao động quốc tế”, một chiến dịch
truyền thông cho CPTPP đã một lần nữa được tung lên mặt báo chí nhà
nước.
Đã
có nhiều biểu hiện và dấu hiệu cho thấy chính quyền Việt Nam muốn “lấy
mỡ nó rán nó” Công đoàn độc lập bằng phương châm ‘Quốc doanh hóa Công
đoàn độc lập’. Tức tập dượt càng sớm càng tốt cho các công đoàn quốc
doanh “chủ động tổ chức đình công” cho công nhân và hy vọng qua đó sẽ
thu hút được số đông công nhân, thay vì để cho công nhân rơi vào tầm ảnh
hưởng của những tổ chức công đoàn độc lập hoàn toàn không chịu sự lãnh
đạo của đảng và nhà nước.
Nói trắng ra là “đình công cuội”, như lịch sử đương đại của đảng đã một số lần tổ chức “biểu tình cuội”.
Chẳng
những thế, đảng còn đang đặc biệt chú ý làm sao để gầy dựng hình ảnh
“thủ lĩnh” cho đình công, và có thể sắp tới là “thủ lĩnh biểu tình”. Yếu
tố tâm lý mới mẻ này đã thoát thai từ một câu hỏi của Đinh La Thăng vào
năm 2016: “Các cuộc đình công đều có thủ lĩnh. Vì sao công nhân lại coi
những người công nhân không phải là cán bộ công đoàn là những thủ lĩnh
các cuộc đình công mà không coi cán bộ công đoàn là thủ lĩnh? Chúng ta
phải suy nghĩ về việc này”.
Lùi một bước để tiến nhiều bước!
Cho
tới nay, vẫn không ít quan chức trong chính quyền còn mang ảo vọng về
một kịch bản tái lặp như thời Việt Nam được Mỹ nhấc khỏi Danh sách CPC
vào năm 2006 và gia nhập WTO vào năm 2007, để sau đó chính quyền Việt
Nam “trở cờ” và “hốt” phần lớn giới đấu tranh dân chủ nhân quyền cứng
đầu và a dua với phương Tây. Phương châm tình thế hiện thời vẫn là “lùi
một bước, tiến nhiều bước”, cứ tạm nhân nhượng để Việt Nam vào được
CPTPP, sau đó sẽ “hốt trọn ổ”.
Giang
sơn dễ đổi, bản tính khó dời. Những người theo đường lối một đảng lợi
ích ở Việt Nam chắc chắn vẫn hy vọng kịch bản WTO năm 2007 “được cả hai”
sẽ lặp lại vào năm nay: vừa vào được CPTPP, vừa “hồi tố” bắt giam trở
lại những kẻ bất đồng chính kiến liều lĩnh nhất.
Còn
trong thời gian chờ đợi CPTPP được các nước còn lại ký để bắt đầu triển
khai vào tháng Giêng năm 2019, chiến thuật ưa thích nhất của chính
quyền Việt Nam vẫn là vừa kiềm chế những người bảo vệ quyền lợi công
nhân, vừa bưng bít thông tin đến mức tối đa về công đoàn độc lập, vừa
kéo dài lâu đến mức có thể việc luật hóa CPTPP về công đoàn độc lập, vừa
tung ra chiến dịch ‘công đoàn độc lập cuội’.
Công
đoàn độc lập, cũng bởi thế, sẽ là cuộc chiến đầy cam go gian khổ trên
mảnh đất Việt Nam đang lấp ló giao thời từ toàn trị sang “dân chủ nửa
mùa”.
Phạm Chí Dũng
(VOA)
Không có nhận xét nào