Nghị viện Châu âu |
Nghị viện châu Âu,
-
Chiểu theo các nghị quyết đã ban hành trước đây, đặc biệt là nghị quyết
ngày 14 tháng Mười hai năm 2017 về tự do ngôn luận ở Việt Nam, đặc biệt
là về trường hợp Nguyễn Văn Hóa, và văn bản ngày mồng 9 tháng Sáu năm
2016 về Việt Nam, cụ thể là về tự do ngôn luận;
- chiểu theo Hiệp định Hợp tác và Đối tác EU - Việt Nam ký ngày 27 tháng Sáu năm 2012,
- chiểu theo cuộc Đối thoại Nhân quyền EU – Việt Nam lần thứ bảy, ngày mồng 1 tháng Mười hai năm 2017,
-
chiểu theo Tuyên bố của Người Phát ngôn Cơ quan Đối ngoại châu Âu
(EEAS) ngày mồng 9 tháng Hai năm 2018 về việc kết án những người bảo vệ
nhân quyền ở Việt Nam, và ngày mồng 5 tháng Tư năm 2018 về việc kết án
những nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam,
- chiểu theo Tuyên bố của Văn phòng Khu vực của EU về bản án mới đây đối với ông Lê Đình Lượng,
- chiểu theo Các Chỉ dẫn của EU về Người Bảo vệ Nhân quyền,
-
chiểu theo tuyên bố của các chuyên gia Liên hiệp Quốc ngày 23 tháng Hai
năm 2018, kêu gọi phóng thích các nhà hoạt động bị giam giữ vì phản đối
việc xả thải độc, và ngày 12 tháng Tư năm 2018, kêu gọi thay đổi sau
khi các nhà bảo vệ nhân quyền bị giam giữ;
- chiểu theo Tuyên ngôn Toàn cầu về Nhân quyền năm 1948,
- chiểu theo Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, đã được Việt Nam tham gia ký năm 1982,
-
chiểu theo quyết định của Thanh tra châu Âu ngày 26 tháng Hai năm 2016
trong hồ sơ 1409/2014/MHZ về việc Cao ủy châu Âu đã không tiến hành đánh
giá tác động nhân quyền trước thỏa thuận thương mại tự do EU – Việt
Nam,
- chiểu theo Điều 135 trong Điều lệ về Thủ tục,
A.
Xét thấy, theo Dự án 88, Cơ sở Dữ liệu về Tù nhân Chính trị Việt Nam,
ước tính có khoảng 160 nhà hoạt động đang thụ án tù ở Việt Nam và khoảng
16 nhà hoạt động khác đang bị tạm giam trước khi xét xử;
B.
Xét thấy nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tục bỏ tù, bắt giữ, sách nhiễu và
đe dọa các nhà bảo vệ nhân quyền, nhà báo, blogger, luật sư nhân quyền
và các nhà hoạt động xã hội dân sự trong nước; xét thấy những người bảo
vệ nhân quyền đã và đang phải đối mặt với các án tù nặng nề vì các việc
họ đã làm liên quan tới nhân quyền và vì đã thực thi quyền tự do cơ bản
về ngôn luận, trên mạng hoặc ngoài đời, và việc làm đó của chính quyền
Việt Nam trái với các nghĩa vụ của Việt Nam theo công pháp quốc tế;
C.
Xét thấy các nhà hoạt động nhân quyền và chính trị phải chịu các điều
kiện khắc nghiệt trong thời gian giam, giữ, như không được chăm sóc y
tế, không được tiếp cận nguồn tư vấn pháp lý và không được tiếp xúc với
gia đình;
D.
Xét thấy quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng ở Việt Nam bị đè nén, và
Công giáo cùng những tôn giáo không được công nhận, như Giáo hội Phật
giáo Việt nam Thống nhất, một số nhà thờ Tin lành và các dòng khác,
trong đó có các nhà thờ của người thiểu số ở Tây Nguyên, vẫn tiếp tục bị
đàn áp nặng nề.
E.
Xét thấy ông Hoàng Đức Bình bị kết án 14 năm tù vì viết blog về các
cuộc biểu tình liên quan tới thảm họa Formosa, xét thấy Nguyễn Nam Phong
bị kết án hai năm tù vì bị cho là không tuân thủ yêu cầu của người thi
hành công vụ trong khi lái xe tới một cuộc biểu tình; xét thấy các nỗ
lực của hai người nói trên là cần thiết để đề cao nhận thức và bảo đảm
việc truy cứu trách nhiệm liên quan tới vụ xả thải từ nhà máy Thép
Formosa;
F.
Xét thấy các thành viên của Hội Anh em Dân chủ bị kết án từ 7 đến 15
năm tù trong tháng Tư năm 2018, là một phần của chủ trương mạnh tay áp
dụng các điều khoản về an ninh quốc gia trong Bộ luật Hình sự; xét thấy
vào tháng Chín năm 2018, một thành viên khác của hội này, Nguyễn Trung
Trực, bị kết án 12 năm tù theo cáo buộc về hành vi hoạt động nhằm lật đổ
chính quyền;
G.
Xét thấy ông Lê Đình Lượng, một người bảo vệ nhân quyền, đã vận động ôn
hòa để thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, bị kết án vào ngày 16 tháng Tám
năm 2018 theo các điều khoản về an ninh quốc gia tới 20 năm tù và 5 năm
quản chế; xét thấy các đại diện của Phái đoàn châu Âu và các sứ quán
quốc gia thành viên EU không được tới quan sát phiên xử, xét thấy nhiều
vụ các nhà bảo vệ nhân quyền hay tù nhân lương tâm khác cũng phải chịu
số phận tương tự;
H.
xét thấy vào ngày 12 tháng Tư năm 2018, một nhóm chuyên gia Liên hiệp
Quốc, Đặc sứ về tình hình những người bảo vệ nhân quyền, Tổng đại diện
của Nhóm Công tác về Bắt giữ Tùy tiện và Đặc sứ về thúc đẩy và bảo vệ
quyền tự do chính kiến và ngôn luận, đã kêu gọi Việt Nam chấm dứt đàn áp
các nhóm xã hội dân sự hay bịt miệng những người bất đồng chính kiến;
I.
Xét thấy Bộ luật Hình sự của Việt Nam chứa đựng nhiều điều khoản hà
khắc, có thể bị lạm dụng để dập tắt tiếng nói, bắt giữ, giam giữ, kết án
hoặc hạn chế hoạt động của các nhà hoạt động nhân quyền, bất đồng chính
kiến, luật sư, công đoàn, các nhóm tôn giáo và các tổ chức phi chính
phủ, đặc biệt là những ai thể hiện quan điểm phê phán chính quyền Việt
Nam;
J.
Xét thấy chính quyền Việt Nam tiếp tục ngăn cấm các kênh truyền thông
độc lập hoặc thuộc sở hữu tư nhân không được hoạt động, và kiểm soát
chặt chẽ các đài phát thanh, truyền hình và nhà xuất bản, xét thấy vào
tháng Tư năm 2016, Quốc hội Việt Nam đã thông qua luật báo chí với nội
dung cản trở nặng nề tự do báo chí trong nước;
K.
Xét thấy vào ngày 12 tháng Sáu năm 2018, Quốc hội Việt Nam đã thông qua
luật an ninh mạng nhằm thắt chặt việc kiểm soát trên mạng, yêu cầu các
nhà cung cấp phải gỡ bỏ các bài đăng bị coi là “có nguy cơ” với an ninh
quốc gia; xét thấy luật này hạn chế gắt gao quyền tự do ngôn luận trên
mạng và hướng tới đe dọa nghiêm trọng quyền riêng tư;
L.
Xét thấy ngày mồng 1 tháng Giêng năm 2018, bộ luật đầu tiên về Tôn giáo
và Tín ngưỡng của Việt Nam bắt đầu có hiệu lực, buộc tất cả các nhóm
tôn giáo trong nước phải đăng ký với chính quyền và thông báo về các
hoạt động của mình; xét thấy nhà cầm quyền Việt Nam có thể từ chối hoặc
cản trở việc cấp đăng ký và ngăn cấm các hoạt động tôn giáo mà họ tùy
tiện cho là đi ngược lại với “lợi ích quốc gia,” “trật tự công cộng,”
hay “khối đoàn kết dân tộc”; xét thấy với bộ luật này chính quyền Việt
Nam đã hợp thức hóa quyền can thiệp vào sinh hoạt tôn giáo và giám sát
các nhóm tôn giáo;
M. Xét thấy Việt Nam xếp hạng 175 trên tổng số 180 theo Chỉ số Tự do Báo chí năm 2018 của Tổ chức Phóng viên Không Biên Giới;
N.
Xét thấy án tử hình vẫn được áp dụng ở Việt Nam nhưng số vụ thi hành án
không được biết, vì nhà cầm quyền Việt Nam quy định thống kê án tử hình
là bí mật quốc gia; xét thấy Việt Nam đã giảm số lượng tội danh có mức
án tới tử hình từ 22 xuống còn 18 vào tháng Giêng năm 2018;
O.
xét thấy Việt Nam chưa phê chuẩn các Công ước thiết yếu của ILO, cụ thể
là Công ước 98 về Quyền Tổ chức và Thương lượng Tập thể, Công ước 105
về Bãi bỏ Lao động Cưỡng ép, và Công ước 87 về Tự do Lập hội và Bảo vệ
Quyền được Tổ chức;
P.
Xét thấy Đối thoại Nhân quyền EU – Việt Nam là kênh quan trọng để tiếp
tục thảo luận toàn diện về các vấn đề EU quan ngại, trong đó có yêu cầu
tôn trọng đầy đủ các quyền cơ bản về tự do ngôn luận, lập hội và nhóm
họp ôn hòa; xét thấy quan hệ giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam phải căn
cứ trước hết trên nền tảng tôn trọng nhân quyền, dân chủ và pháp quyền;
và trên cơ sở bảo đảm các tiêu chuẩn quốc tế về lĩnh vực này;
Q.
Xét thấy có mối liên kết rõ ràng giữa Hiệp định Đối tác và Hợp tác
(PCA) và Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam (FTA), xét thấy cả hai
phía đều đã cam kết thi hành các nghĩa vụ của mình về nhân quyền;
1.
Lên án tình trạng vi phạm nhân quyền đang tiếp diễn, bao gồm việc kết
án, đe dọa về chính trị, theo dõi, sách nhiễu, hành hung và xét xử không
công bằng ở Việt Nam nhằm vào các nhà hoạt động chính trị, nhà báo,
blogger, những người bất đồng chính kiến và bảo vệ nhân quyền vì họ thực
thi quyền tự do ngôn luận trên mạng hay ngoài đời, là sự vi phạm rõ rệt
đối với các nghĩa vụ quốc tế về nhân quyền của Việt Nam;
2.
Kêu gọi chính quyền Việt Nam phóng thích tất cả các nhà bảo vệ nhân
quyền và tù nhân lương tâm đang bị tạm giữ hoặc đã kết án chỉ vì thực
thi quyền tự do biểu đạt của mình ngay lập tức và vô điều kiện, trong đó
có Hoàng Đức Bình, Nguyễn Nam Phong, Nguyễn Trung Trực và Lê Đình
Lượng, và hủy bỏ mọi cáo buộc đối với những người này;
3.
Nhắc lại lời kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam chấm dứt mọi hành vi cản
trở và sách nhiễu nhằm vào các nhà bảo vệ nhân quyền và bảo đảm rằng
trong mọi trường hợp, họ có thể tiến hành các hoạt động nhân quyền hợp
pháp mà không lo sợ bị trả thù và không bị gây khó dễ, kể cả việc sách
nhiễu bằng biện pháp tư pháp; kêu gọi Chính phủ Việt Nam dỡ bỏ mọi hạn
chế đối với quyền tự do tôn giáo và chấm dứt sách nhiễu các cộng đồng
tôn giáo;
4.
Yêu cầu chính quyền Việt Nam đảm bảo rằng việc đối xử với những người
bị giam giữ phải phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế; nhấn mạnh rằng quyền
tiếp xúc với luật sư, chuyên gia chăm sóc y tế và gia đình là biện pháp
quan trọng để bảo vệ họ khỏi bị tra tấn và ngược đãi, và rất thiết yếu
để đảm bảo quyền được xét xử công bằng;
5.
Lên án việc lạm dụng các điều luật hà khắc để cản trở các quyền con
người và quyền tự do cơ bản; kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam hủy bỏ, xét
lại hoặc sửa đổi tất cả các điều luật mang tính đàn áp, đặc biệt là Bộ
luật Hình sự, luật An ninh mạng và Luật Tín ngưỡng Tôn giáo, và đảm bảo
rằng mọi quy định pháp luật phải phù hợp với tiêu chuẩn và nghĩa vụ quốc
tế về nhân quyền, trong đó có Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và
Chính trị (ICCRP) mà Việt Nam là một thành viên; kêu gọi chính quyền xây
dựng các quy định pháp luật điều chỉnh hành vi biểu tình, tụ tập công
cộng sao cho phù hợp với quyền tự do nhóm họp và lập hội;
6.
Kêu gọi Việt Nam ký kết và thông qua tất cả các hiệp ước liên quan của
Liên hiệp Quốc về Nhân quyền, Quy chế Roma về Tòa án Hình sự Quốc tế,
cũng như các Công ước số 87, 98 và 105 của ILO;
7.
Kêu gọi Việt Nam đưa ra lời mời không thời hạn đối với các Quy trình
Đặc biệt của Liên hiệp Quốc, cụ thể là Đặc sứ về Quyền Tự do Chính kiến
và Tự do Biểu hiện, và Đặc sứ về Những Người Bảo vệ Nhân quyền;
8. Kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam công nhận các công đoàn độc lập;
9. Kêu gọi EU giám sát và làm việc với nhà cầm quyền và các tổ chức hữu quan để cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam;
10.
Nhắc lại ý kiến phản đối án tử hình trong mọi trường hợp; kêu gọi nhà
cầm quyền Việt Nam đưa ra ngay lập tức quyết định hoãn áp dụng án tử
hình như một bước tiến tới việc bãi bỏ; kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam
xem xét lại tất cả các bản án tử hình để đảm bảo rằng những phiên xử đó
phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế;
11.
Kêu gọi Cơ quan Đối ngoại EEAS và Ủy ban châu Âu hỗ trợ các nhóm xã hội
dân sự và cá nhân đang bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam một cách tích cực,
bao gồm việc kêu gọi phóng thích các nhà bảo vệ nhân quyền và tù nhân
lương tâm trong tất cả các lần liên hệ với nhà cầm quyền Việt Nam; kêu
gọi Phái đoàn EU ở Hà Nội cung cấp mọi sự hỗ trợ thích đáng đối với
những nhà bảo vệ nhân quyền đang bị cầm tù và tù nhân lương tâm, bao gồm
việc sắp xếp các chuyến thăm ở trại giam, giám sát phiên tòa xét xử và
cung cấp hỗ trợ pháp lý;
12.
Kêu gọi các quốc gia thành viên EU tăng cường nỗ lực gây sức ép để đạt
được những cải thiện cụ thể về nhân quyền ở Việt Nam, bao gồm đợt đánh
giá định kỳ toàn cầu UPR sắp tới của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền
Liên hiệp Quốc;
13.
Nhắc lại lời kêu gọi ban hành trên toàn thể EU lệnh cấm xuất khẩu, bán,
nâng cấp và bảo trì tất cả các dạng thiết bị an ninh có thể hoặc đã
được sử dụng để đàn áp nội bộ, trong đó có cả kỹ thuật giám sát trên
mạng, đối với các quốc gia có hồ sơ nhân quyền đáng lo ngại;
14.
Hoan nghênh mối quan hệ đối tác đang được củng cố và Đối thoại Nhân
quyền giữa EU và Việt Nam, và nhắc lại tầm quan trọng của Đối thoại
trong vai trò thiết chế mấu chốt có thể sử dụng một cách hữu hiệu để
đồng hành và cổ vũ Việt Nam thực hiện các cải cách cần thiết; khuyến
khích mạnh mẽ Ủy ban châu Âu giám sát các bước tiến bộ căn cứ trên Đối
thoại bằng cách thiết lập các mốc đánh giá và cơ chế giám sát;
15.
Kêu gọi chính quyền Việt Nam và EU, với tư cách là các đối tác quan
trọng của nhau, cam kết cải thiện sự tôn trọng nhân quyền và các quyền
tự do cơ bản ở Việt Nam, vì đó là một mấu chốt của quan hệ song phương
giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, đặc biệt là liên quan tới việc thông
qua Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam (EVFTA) và tới Hiệp định
Đối tác và Hợp tác EU – Việt Nam (PCA);
16.
Đề nghị Chủ tịch châu Âu chuyển tiếp bản Nghị quyết này tới Hội đồng,
Ủy ban châu Âu, Phó Chủ tịch Ủy ban/Cao Ủy về Đối ngoại và Chính sách An
ninh Liên Âu, Tổng Thư ký Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN),
Chính phủ và Quốc hội Việt Nam, Cao ủy Liên hiệp Quốc về Nhân quyền và
Tổng Thư ký Liên hiệp Quốc.
(Dân Luận)
Không có nhận xét nào