Bài viết này là một nén hương thắp nhân ngày giỗ đầu của một nạn nhân chế độ cộng sản.
Hà Nội là thủ đô của nước Việt nam thống nhất. Là nơi “lắng hồn núi sôngngàn năm” (1). Hà nội lưu giữ và bảo tồn trong mình nhiều di tích về những giai đoạn thăng trầm của đất nước suốt hơn 1000 năm kể từ khi mảnh đất này được Lý Công Uẩn chọn làm kinh đô với cái tên Thăng Long khiến cho những di tích này luôn được người dân đất Việt ghi nhớ trong tâm thức. Cách đây đúng một năm có một địa chỉ ở nơi này bỗng nổi danh khiến cho mọi người trong và ngoài nước đều biết đến bởi nó đã phản ánh một mảng tối của chế độ đang hiện hữu, mà tính thời sự của nó khiến cho chính quyền không thể bưng bít.
Đó là ngôi biệt thự 34 Hoàng Diệu, ngôi biệt thự này đã trở nên nổi tiếng trước công chúng không phải vì kiểu kiến trúc độc đáo và vị trí tọa lạc mà bởi cái chết của nữ chủ nhân của nó, người mà khi còn sống đã có những việc làm nổi tiếng đối với nhà nước hiện nay. Trước đây qua hệ thống truyền thông lề phải người dân được biết rằng, cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ cùng với chồng Trịnh Văn Bô là ân nhân của chính quyền từ ngày những người tiền bối của họ còn chưa chấm dứt giai đoạn lịch sử “Sáng ra bờ suối,tối vào hang” (2).
Ngôi biệt thự 34 Hoàng Diệu |
Nghĩ thì dzậy nhưng không phải dzậy, bởi sau khi cụ Hoàng thị Minh Hồ qua đời một mảng tối của lịch sử đất nước mới được soi rọi và người ta mới được biết một sự thật thật phũ phàng: Vợ chồng cụ là nạn nhân của chế độ mà không có sự hảo tâm đóng góp của các cụ thì chế độ này có thể đã không tồn tại được lâu sau khi ra đời.
Nguyên nhân chính của vấn đề là ngôi biệt thự quá đẹp và sang trọng của các cụ tọa lạc trên khu vực đất kim cương của quận Ba đình, nơi người dân thường trong chế độ mới này không có duyên trú ngụ, bởi đây là nơi hội tụ trụ sở các cơ quan trung ương cũng như nơi sinh sống của các quan chức cao cấp. Nơi mà nhà văn Vũ thư Hiên đã viết trong truyện Đêm giữa ban ngày: “Vừa về tới Hà nội mỗi vị lãnh tụ đã chiếm một dinh thự khang trang của Tây hoặc của các nhà giàu bỏ chạy vào Nam, mỗi nhà là một hành dinh với đầy đủ các bộ phận phục vụ, thư ký, lái xe, bảo vệ, cần vụ, cấp dưỡng. Các vị làm việc tại nhà, các thư ký giao thông viên chạy như đèn cù giữa các hành dinh để các vị liên lạc vớinhau.” (4).
Trong khi các vị khai quốc công thần ở như vậy thì chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà nội, bác sĩ Trần Duy Hưng và vợ con cùng gia đình các cộng sự của mình sống chung trong một ngôi biệt thự một tầng (theo cách gọi cũ của dân ngoài bắc) nhỏ bé nhất tại phố Lê Phụng Hiểu thuộc quận Hoàn kiếm. Trong một chế độ mới thiết lập, dựa trên nền kinh tế què quặt do chế độ thực dân để lại, do hậu quả của 8 năm chiến tranh và chuẩn bị cho cuộc chiến tranh thống nhất đất nước cái gì cũng được phân phối theo tiêu chuẩn đầu người: 4m2 diện tích nhà ở; 4m vải/năm; 13,5 kg lương thực và 0,3 kg thịt/tháng thì ngôi biệt thư rộng tới 3000 m2 nằm tại khu vực đắc địa như vậy khiến cho sự ghen ghét và đố kỵ có sẵn trong tiềm thức của những người nông dân đi làm cách mạng giờ đây có quyền lực được dịp trỗi dậy. Bởi vậy ngôi biệt thự của các cụ đã lọt vào mắt xanh của tướng Hoàng Văn Thái, ông đã hỏi mượn ngôi biệt thự này trong thời gian 2 năm cho đến khi Tổng tuyển cử để tiện cho công việc.
Không thấy tài liệu nào bật mí sau khi về tiếp quản Hà nội tướng Thái được bố trí ở biệt thự nào trong khu nhà binh quanh trụ sở Bộ Quốc phòng, nhưng việc tướng Giáp và tướng Dũng được biệt đãi những ngôi biệt thự rộng lớn ngay gần cổng Bộ Quốc phòng khiến cho ông, vị Tổng tham mưu trưởng đầu tiên của quân đội, không thể không có sự so bì để quyết tâm mượn bằng được ngôi biệt thự này. Mặc dù cần chỗ ở vì gia đình đông con, nhưng các cụ ở vào thể không thể chối từ (5). Hai năm trôi qua, đất nước không có Tổng tuyển cử như dự định vào năm 1956 và năm 1957 nhà nước tiến hành cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ngôi biệt thự này bị đơn phương coi như nhà công sản vì có diện tích quá rộng theo quy định của nhà nước. Bậc chính nhân quân tử này đã căn cứ vào đó để nghiễm nhiên “quên đi” lời hứa trang trọng của mình trước đó và lập chốt kiên cường tại đây cho đến khi đột ngột qua đời năm 1986.
Mãi đến tháng 10 năm 1987 khi gặp Cố vấn Trường Chinh các cụ mới đề cập đến việc xin được quay trở về ngôi biệt thự 34 Hoàng Diệu vì 4 thế hệ đang phải sống chung dưới một mái nhà. Việc các cụ đòi lại ngôi biệt thự sau những năm dài cho mượn đã làm cho ban lãnh đạo đảng và nhà nước qua bao đời tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng rơi vào tình thế khó xử. Cố vấn Phạm Văn Đồng phải thú nhận “cứ mỗi lần gặp chị là tôi cảm thấy day dứt, có lỗi vì chuyện nhà 34HD chưa trả được cho gia đình…”. Tổng bí thư đảng Đỗ Mười thì phải thốt lên:”… Chị hãy tin tôi và thương tôi với!”, còn ông Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi ký quyết định “tặng” lại ngôi biệt thự này cho gia đình cụ, “ ông bảo với nhiều người rằng việc này còn khó gấp nhiều lần ông ký cho ra đời một dự án kinh tế có giá trị vài trăm triệu đô la” (6).
Nhưng cái quyết định đó trên thực tế lại không có giá trị lấy một xu, bởi nó đã bị phản đối và đã được đưa ra bàn luận tại một cuộc họp của Bộ Chính trị, tại đây những người đại diện cho sự tiếp tục chiếm hữu ngôi biệt thự “cho rằng quyết định trả nhà cho bà Trịnh Văn Bô của Thủ tướng Chính phủ là trái với Nghị Quyết của Quốc Hội. Có vị đặt câu hỏi “Chính phủ đã có quà tặng gì để trả ơn những bà mẹ đã có chồng và 8,9 người con hy sinh trong kháng chiến? Xương máu quý hay vàng bạc quý mà chính phủ xử lý nhưvậy?” (7). Vậy là trong cuộc họp của Bộ Chính trị, nơi hội tụ những đỉnh cao trí tuệ và lương tâm của thời đại, đã xảy ra trường hợp độc nhất vô nhị: “Đa số phục tùng thiểu số” để “ yêu cầu Thủ tướng ra quyết định ngừng thi hành quyếtđịnh trả ngôi nhà số 34 Hoàng Diệu cho bà Trịnh Văn Bô”.
Vậy nếu vợ chồng nhà tư sản Trịnh Văn Bô không có suy nghĩ “Dân tộc bớt đổ máulà chúng tôi mừng rồi…” để chính quyền có được 1.000 lượng vàng của các cụ mang đi hối lộ quân Tưởng nhằm tránh họa “Diệt cộng, cầm Hồ” (8) thì liệu chính quyền non trẻ của các vị lúc đó với lực lượng vũ trang ít ỏi, vũ khí thô sơ có thể tồn tại được hay không? Nếu như không có 1.000 lượng vàng này vào thời điểm đó có thể lịch sử đất nước đã rẽ sang một hướng khác với đường lối chính trị tốt đẹp hơn, đất nước tuy có tổn thất về người và của bởi sự độc ác và tham lam của 20 vạn quân Tưởng nhưng chắc chắn con số này sẽ nhỏ hơn rất nhiều so với những gì mà đất nước đã phải gánh chịu suốt 30 năm qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và giải phóng đất nước, và đất nước chắc chắn không có những Bà mẹ Việt nam Anh hùng vì có 8 đến 9 người thân trong gia đình hy sinh trong kháng chiến.
Việc các thành viên trong Bộ Chính trị, những người thấm nhuần và kiên định chủ nghĩa Marx nhưng lại quên câu nói nổi tiếng của ông “Ở đâu có áp bức, ởđó có đấu tranh”, đồng lòng ra yêu cầu trên, khiến cho cái gì phải đến rồi cũng đến vào đêm 20.10.2003. Khi góc khuất của lịch sử đã được soi rọi thì những ánh hào quang quanh những thánh nhân được chế độ ca tụng đã bị tắt ngấm, họ lộ nguyên hình với đầy đủ bản ngã Tham, Sân, Si của những con người phàm tục và đảng quang vinh lại thêm một lần nữa đánh rơi mất chữ TÍN trước ân nhân của mình khi lời hứa của ông Phan Diễn cho đến khi cụ qua đời vẫn không thể trở thành hiện thực.
Tại sao dưới sự lãnh đạo của đảng, mà lãnh tụ của nó đã từng vỗ ngực: “Đảng ta là đạo đức là văn minh” lại để xảy ra một sự việc trái đạo lý như vậy suốt những thập niên dài? Đó là hệ quả của cả một quá trình lịch sử để lại. Những người thời đó đi làm cách mạng nhằm đất nước và bản thân thoát khỏi cảnh mất nước và làm nô lệ với phương châm hành động từ năm 1930 “Trí ,phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận rễ” cùng khát vọng “Chế độ xưa ta mau phá sạch tan tành…Bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình” (9).
Rồi hai cuộc kháng chiến với những khẩu hiệu: “Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi! Thống nhất độc lập, nhất định thành công!”, rồi đến “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng!” và sau đó là “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược!” với tất cả sức người sức của cho quân đội đã làm cho những người đi theo cách mạng với nghiệp nhà binh có uy thế hơn hẳn so với những người công tác trong các ngành nghề khác trong mảng dân chính, đó là trường hợp ông đại tướng Lê Đức Anh lên làm Chủ tịch nước, ông thượng tướng Lê Khả Phiêu trở thành Tổng bí thư đảng , mới đây nhất một thiếu tướng nhảy lên làm bộ trưởng Bộ 4T.
Điều đó không có gì lạ, khi “họng súng đẻ ra chính quyền” (10) thì chính quyền đó phải chấp nhận nạn kiêu binh, hoặc nói một cách khác sẽ xảy ra hiện tượng nhà nước trong một nhà nước. Giống như các tập đoàn tư bản lũng đoạn nhà nước trong chế độ tư bản, cái nhà nước nằm trong nhà nước này sẽ thao túng nhà nước mà nó đã dựng lên và bảo vệ. Và không có gì lạ bởi ngay trước năm 1945 bà ngoại của nhà văn Vũ Thư Hiên qua tiếp xúc với một số người đi hoạt động cách mạng bằng sự mẫn cảm của mình đã “nhận xét người này người kia trong bọn họ không phải là những người tử tế” bởi “ bà thấy trước được cách sống không nhân nghĩa, không có trước có sau, không có tình người, như cách ta thường nói bây giờ, của những người về sau trở thành những nhà lãnh đạo…” cho nên sau đó “khôngthiếu gì những kẻ quên đạo làm người khi ngồi vào ghế vương giả” (11).
Chính những con người đó đã gây nên nhiều vụ việc trái đạo lý mà trường hợp của gia đình nhà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô chỉ là bề nổi của tảng băng mà thôi. Và điều đó cũng không có gì lạ khi các thế hệ kế nhiệm sau đó là những người đi theo lối mòn ý thức hệ và vô cảm, bởi để trở thành công bộc cao cấp của dân họ đã phải dẫm đạp lên biết bao đau khổ của người khác, những lời hứa của họ chỉ gián tiếp bổ xung thêm cho tính xác đáng câu nói của cha ông đã đúc kết là: “ Miệng quan, trôn trẻ” .
Những năm gần đây người ta hay nói đến cụm từ Nhóm lợi ích khi hiện tượng này đã trở thành “Trăm hoa đua nở” đến nỗi văn phòng đảng ủy thành phố HCM cũng không thể thờ ơ đứng nhìn (12). Như vậy việc cố tình chiếm đoạt ngôi nhà 34 phố Hoàng Diệu là hành động đầu tiên của hiện tượng này, nó là phép thử đầu tiên của cái nhà nước nằm trong nhà nước và sau khi đã thành công nó đã đi những nước cờ táo bạo hơn để thỏa mãn những tham vọng riêng của nó không cần đoái hoài đến lợi ich chung của đại cục. Đó là sự chiếm đóng phần đất của sân bay Tân Sơn Nhất để làm sân golf khiến cho cảng hàng không của thành phố đông dân nhất Việt nam không thể phát triển (13). Đối tượng được nó “Quên mình”, “ Hy sinh” phải ngậm ngùi đầu tư 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD) để xây dựng sân bay Long thành cách xa thành phố 40 km nhằm đáp ứng cho nhu cầu phát triển của thành phố này và cả khu vực miền nam (14). Cũng vậy, nhờ tinh thần “ bám trụ kiên cường” của cái nhà nước trong một nhà nước mà Hà nội có được một thắng cảnh “Đường cong mềm mại” trên đường Trường Chinh mà ai cũng biết (15).
Không chỉ có vậy, mảnh đất hình chữ S đã từ lâu còn phải chịu thêm nạn kiêu binh màu xanh lá mạ khi Bộ Công an được tăng thêm nhiều đặc quyền để bảo vệ thành quả của cách mạng. Chỉ với vỏ bọc là sĩ quan công an Vũ Nhôm đã có thừa dũng khí để dằn mặt người đứng đầu chính quyền nơi hắn trú ngụ: “Ông có tin, tôi sẽ bứng cái chức chủ tịch thành phố Đà nẵng của ông không?”. Mặc dù mất thể diện trước các cận thần nhưng ông Huỳnh Ngọc Thơ vẫn phải nhã nhặn với tên du côn này, vì ông biết hắn là đặc phái viên của thế lực mạnh nhất trong cái nhà nước đang bảo hộ cái chế độ mà ông phụng sự. Nhân danh “Thanh kiếm và lá chắn” thế lực này không chỉ thao túng cả bộ máy đảng và chính quyền thành phố Đà nẵng mà còn đưa cái vòi bạch tuộc của nó ra khắp mọi nơi, bởi chỉ cần một công văn “có con dấu đóng đỏ tươi” (16) gửi đi nó đã dễ dàng mở rộng lãnh địa của mình qua việc chiếm hữu các nhà công sản tại những nơi đắc địa mà nó muốn để làm sân sau cho giới chóp bu của nó.
Những công ty bình phong của bộ Công an được phanh phui và đưa ra xét xử trong thời gian gần đây cùng sự ngã ngựa của hàng loạt các tướng công an và trong tháng 10 này lại thêm 5 tướng nữa trong đảng ủy Tổng cục Cảnh sát bị đề nghị xem xét kỷ luật khiến cho người ta thấy rõ ngày nay sự tha hóa quyền lực đã “tự diễn biến” đến mức đồng hóa được “một bộ phận khôngnhỏ”những người con ưu tú của đảng, thậm chí có người còn “hội đủ các yếu tố để mọi ngườitrân trọng” (17). Quyền lực đã bị lạm dụng và được biến thành công cụ để phục vụ mục đích cá nhân của nhóm người này. Sự đời thật oái oăm, trong khi các nhà chấp pháp “thực thi tư vụ” tại các công ty bình phong , thì chính trụ sở cơ quan thuộc Bộ Công an đã trở thành bình phong cho đường dây đánh bạc online Phan Sào Nam- Nguyễn Văn Dương. Và sự đời cũng thật oái oăm, người hùng phá án năm nào được báo đảng tâng bốc lên tận mây xanh bỗng nhiên trở thành trọng tâm vụ án. Liệu người hùng phá án có giữ vững được khí tiết người cộng sản trước những biện pháp nghiệp vụ độc đáo mà các nhà chức trách học được từ ông để thẩm vấn ông hay không?
Dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của đảng trong gần 90 năm qua đã xảy ra hiện tượng hy hữu, những người cộng sản đương quyền phải đối mặt với những vấn nạn trong nhiều lĩnh vực của các thế hệ tiền nhiệm để lại. Từ nhiều năm nay Ngân hàng nhà nước vẫn đang loay hay không tìm ra được giải pháp huy động 500 tấn vàng trong dân để lấp vào lỗ hổng ngân sách nhà nước (18), khiến cho đảng phải phân công tướng Tô Lâm đi tìm hiểu nguyên nhân (19). Không có gì lạ bởi người dân sống dưới sự cai trị của đảng cộng sản đâu còn ngây thơ như cách đây trên 70 năm mà đã thấm hiểu sâu sắc bản chất của chế độ qua nghĩa đen tên bài hát Đảng đã cho tôi sángmắt sáng lòng của Phạm Tuyên từ lâu rồi.
Nếu ai có dịp về Hà nội và có ý định ghé thăm Hoàng thành Thăng long – một di sản văn hóa của thế giới – để hiểu thêm cội nguồn của đất nước, xin hãy dừng chân trước lối vào để quay mặt lại ngắm nhìn thêm một di tích lịch sử độc nhất vô nhị của mảnh đất nghìn năm văn hiến, một di tích không có bảng xếp hạng của cơ quan chức năng. Vâng đó là ngôi biệt thự của gia đình nhà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô. Xin hãy ngắm nhìn sự bề thế của ngôi biệt thự trên khuôn viên rộng lớn, lắng nghe những cây cổ thụ trong vườn kể tỉ mỉ về sự kiện “ nhảy dù” như một cảnh trong phim hành động xảy ra đêm 10.10.2003 của bà cụ 90 tuổi. Để hiểu cái gọi là nhà nước trong một nhà nước có sức mạnh ghê gớm như thế nào đã khiến cho nhiều lớp người đứng đầu bộ máy đảng và nhà nước cộng sản suốt những năm dài không thể giải quyết vấn đề nằm trong tầm tay, để bản thân họ tự trở thành những người Vô Ơn vàBộI Tín trước ân nhân của chính mình và của chế độ. Để cầu mong cho tình thương đồng loại và tấm lòng hào hiệp của hai cụ Trịnh Văn Bô và Hoàng Thị Minh Hồ giúp cho ngôi nhà này dù cho vật đổi sao dời (20) vẫn luôn trơ gan cùng tuế nguyệt làm chứng tích cho một trường hợp đặc biệt của vô vàn những nạn nhân chế độ cộng sản trong lịch sử đau thương của nước nhà.
Lê Quang Ngọ và Lê Quí Trọng
_____
Chú thích:
(1) Lời bài hát Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi
(2) Thơ Hồ Chí Minh
(3) Trịnh Văn Bô – Wikipedia tiếng Việt
(4) Đêm giữa ban ngày – Vũ Thư hiên – Chương 3
(5) Việc cụ bà Trịnh Văn Bô vừa qua đời, nay cần phải nói cho rõ một số thông tin nhiễu trên mạng (TL).
(6) Nỗi buồn nhân đôi của gia đình ông bà Trịnh Văn Bô (TN)
(7) Vì sao họ không trả lại nhà 34 Hoàng Diệu cho cụ Trịnh Văn Bô? (ĐCV)
(8) Hoa quân nhập Việt- Wikipedia
(9) Lời bài hát Quốc tế ca
(10) Mao Trạch Đông
(11) Đêm giữa ban ngày – Vũ Thư Hiên – Chương 1
(12) Công ty Tân Thuận: Nắm nhiều dự án, mặt bằng nhưng kinh doanh yếu kém (DV).
(13) Ai thực sự là chủ sân golf bên trong sân bay Tân Sơn Nhất? (GDVN).
(14) Chính phủ thúc tiến độ sân bay Long Thành (Zing).
(15) Đường Trường Chinh ‘cong mềm mại không vì lợi ích nào’ (VNN).
(16) Thơ Nguyễn Duy
(17) Thứ trưởng Bộ Công an: Vụ án liên quan ông Phan Văn Vĩnh là bài học đau xót (VNE).
(18) Thống đốc huy động 500 tấn vàng trong dân như thế nào? (VNN).
(19) Bộ trưởng Tô Lâm: Huy động vốn trong nhân dân là vấn đề quan trọng (TL).
(20) Biệt thự 34 Hoàng Diệu: Con cả cụ Trịnh Văn Bô muốn bán biệt thự 34 Hoàng Diệu cho nhà nước (TP).
(Tiếng Dân)
Không có nhận xét nào