Header Ads

  • Breaking News

    Mối quan hệ trục trặc của Tập Cận Bình với Đặng Tiểu Bình

    Dịp kỷ niệm hai dấu mốc 40 năm cũng là sự thử thách với nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện tại

    Lần đầu tiên trong nhiều năm, Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh được bao phủ bởi những lá cờ Nhật Bản với hai màu đỏ và trắng. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa đến thăm thủ đô Trung Quốc, theo sau là hàng trăm doanh nhân Nhật Bản, với nguyện vọng ký thỏa thuận hợp tác sau nhiều năm do dự.

    Điểm nổi bật trong chuyến thăm của ông Abe, bắt đầu từ ngày 25 tháng 10, là buổi lễ tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh kỷ niệm 40 năm hòa bình và hiệp ước hữu nghị Trung – Nhật từ năm 1978.

    Đây là năm đánh dấu không chỉ bốn thập kỷ của cam kết bất tương xâm giữa Trung Quốc và Nhật Bản, mà còn là lễ kỷ niệm 40 năm chính sách “cải cách và mở cửa”, chương trình kinh tế đột phá của cựu lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình, khởi đầu thời kỳ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc và giúp hàng trăm triệu người thoát khỏi cảnh đói nghèo.

    Hình minh họa
    Trên thực tế, chính sách “cải cách và mở cửa” liên quan chặt chẽ đến hòa ước với Nhật Bản và nguồn vốn viện trợ phát triển mà Tokyo đã bắt đầu cung cấp cho Trung Quốc từ năm 1979.

    Hai tháng trước khi khởi động chính sách kinh tế đột phá ấy, tức là vào cuối năm 1978, ông Đặng đã đến thăm Nhật Bản để hoàn tất hiệp ước hòa bình và hữu nghị. Ông đã ngồi trên một trong những chiếc tàu cao tốc Tân Cán Tuyến (Shinkansen) nổi tiếng và ngạc nhiên trước sự thoải mái và tốc độ của phương tiện này. Ông đã nhận xét: “Nhanh quá!”

    Trung Quốc đã từng bị tách rời khỏi thế giới văn minh trong cuộc Cách mạng Văn hóa 1966 – 1976. Đến với thời đại mới, ông Đặng đã chọn Nhật Bản làm cửa ngõ để giúp Trung Quốc tiếp cận thế giới phương Tây rộng lớn. Ông đã đề nghị Nhật Bản cung cấp một số khoản vay để phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế còn nghèo nàn của Trung Quốc.

    Chuyến thăm của ông Abe 40 năm sau đó mang đầy ý nghĩa đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Điểm kết thúc của dòng chảy viện trợ phát triển, vào lúc nền kinh tế Trung Quốc đã lớn hơn Nhật Bản, chính là biểu tượng cho sự khép lại của một thời đại, thời đại Đặng Tiểu Bình. Đây là điềm tốt cho ông Tập, người đang cố gắng khởi động thời đại mới của riêng mình.

    Nhưng trong tình hình cuộc chiến thương mại đầy thách thức với Hoa Kỳ vẫn tiếp diễn, ông Tập không có nhiều thời gian để chu toàn chính sách đối ngoại. Có lẽ đó là lý do tại sao hội nghị thượng đỉnh của ông với ông Abe đã không đạt được đột phá gì đáng kể.

    Một học giả của một trường đại học ở Bắc Kinh đã đưa ra nhận định đáng chú ý: “Từ năm ngoái đến nay, các trường đại học Trung Quốc đã và đang cân nhắc tổ chức một sự kiện lớn để kỷ niệm 40 năm ‘cải cách và mở cửa’. Chính quyền lại không cho phép một sự kiện như vậy được diễn ra”.

    Dường như ông Đặng Tiểu Bình không còn được đánh giá cao ở Trung Quốc. Tại sao vậy?

    Ở nhà sách Vương Phủ Tỉnh tại trung tâm Bắc Kinh, chỉ cách cổng Thiên An Môn vài phút đi bộ, dàn sách được bày trên kệ thể hiện một nỗ lực kỳ lạ để “dìm hàng” ông Đặng Tiểu Bình.

    Trong một khu vực đặc biệt được bày trí cho chủ đề kỷ niệm 40 năm chính sách “cải cách và mở cửa”, những cuốn sách nổi bật nhất lại viết về ông Tập hay ông Lưu Thiếu Kỳ, một nhà lãnh đạo theo khuynh hướng cải cách nhưng số phận bi thảm, đã bỏ mạng trong Cách mạng Văn hóa.

    Những cuốn sách liên quan đến ông Đặng Tiểu Bình, kiến ​​trúc sư trưởng của chính sách mở cửa, được bố trí ở các kệ thấp hơn, như thể chúng chỉ ở hàng thứ yếu.

    Và nếu thông điệp như vậy còn chưa đủ rõ ràng, bộ máy truyền thông nhà nước Trung Quốc gần đây còn đưa ra một thông báo thể hiện rõ sự lạnh nhạt và thậm chí còn có ý mỉa mai.

    Theo đó, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản, cùng với các ban ngành khác có liên quan đến chính phủ, đã công bố một danh sách gồm 100 doanh nghiệp tư nhân “xuất sắc” đã đóng góp vào chương trình “cải cách và mở cửa”.

    Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Alibaba, ông Mã Vân (Jack Ma) và nhà lãnh đạo Tencent, Mã Hóa Đằng (Pony Ma Huateng) có mặt trong danh sách. Nhưng một doanh nhân thuộc khu vực tư nhân có ảnh hưởng mà mọi người đều biết thì lại mất tích.

    Vị doanh nhân đó là ông Vương Kiện Lâm (Wang Jianlin), Chủ tịch Tập đoàn bất động sản Vạn Đạt. Sinh ra ở tỉnh Tứ Xuyên, giống như Đặng Tiểu Bình, ông Vương, một cựu chiến binh Quân đội Giải phóng Nhân dân, đã biến công ty bất động sản của mình thành một tập đoàn đa lĩnh vực sở hữu nhiều trung tâm mua sắm, khu giải trí, một studio ở Hollywood và một chuỗi rạp chiếu phim trên toàn cầu.

    Ông Vương được cho là có mối quan hệ chặt chẽ với gia đình Đặng. Tập đoàn Vạn Đạt gần đây đã được các cơ quan chức năng Trung Quốc giám sát kỹ hơn trong các hoạt động thu tóm ở nước ngoài.

    Sự lo lắng của ông Tập trước bất cứ điều gì liên quan đến ông Đặng đều bắt nguồn từ tuyên bố của ông tại Đại hội Đảng Cộng sản mùa thu năm ngoái, về sự khởi đầu của một “thời đại mới” được dẫn dắt bởi Tập Cận Bình, hay nói đầy đủ là “tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới”.

    Hai nhà lãnh đạo Trung Quốc sau thời Đặng Tiểu Bình, và được chọn bởi chính tay ông Đặng – lần lượt là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào – đều đã nghỉ hưu. Là người lãnh đạo đầu tiên của thời đại sau Đặng Tiểu Bình nhưng lại không phải do ông Đặng lựa chọn, ông Tập muốn kiến thiết một kỷ nguyên của riêng mình.

    Kế hoạch của ông Tập để vượt qua cái bóng lớn của Đặng Tiểu Bình là làm cho Trung Quốc trở thành một quốc gia ngang hàng với cường quốc đứng đầu thế giới, Hoa Kỳ.

    Nhưng kế hoạch đó đã không diễn ra suôn sẻ trong những tháng gần đây. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không bỏ qua cho những hoạt động thương mại không công bằng và áp thuế trừng phạt lên Trung Quốc, Bắc Kinh giờ đây đang sa lầy trong cuộc chiến thương mại với Washington. Thực tế, đó chính là cuộc chiến vì quyền bá chủ trong tương lai.

    Đột nhiên, ông Tập không còn dáng vẻ bất khả chiến bại nữa. Sự phê phán đã bắt đầu xuất hiện giữa những nỗ lực xây dựng hệ thống sùng bái cá nhân xung quanh nhà lãnh đạo Trung Quốc.

    Chính trong hoàn cảnh này, ông Abe đã đến thăm Bắc Kinh. Điều quan trọng là ông Tập phải lôi kéo được ông Abe và giữ cho mối quan hệ của Trung Quốc với Nhật Bản, nền kinh tế thứ ba thế giới, được ổn định trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Washington.

    Nhưng đã không có bước đột phá nào, dù là trong cuộc gặp giữa ông Tập với ông Abe hay cuộc nói chuyện riêng giữa ông Abe và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Không có gì đáng chú ý về phương diện an ninh. Lệnh hạn chế nhập khẩu thực phẩm từ Nhật Bản được Trung Quốc áp dụng sau thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011, dự kiến sẽ được ​​dỡ bỏ, nhưng điều đó vẫn chưa xảy ra.

    Kết luận ở đây là gì? Động lực chính trị hiện tại của Tập chưa thể cho phép ông ta tỏ ra nhượng bộ trước Nhật Bản.

    Trong cuộc nói chuyện với ông Abe, ông Tập thỉnh thoảng nhìn xuống mặt bàn phía trước, như thể đang đọc từ ghi chú được chuẩn bị trước. Ông cẩn thận lựa chọn từ ngữ.

    Bốn mươi năm sau khi chính sách “cải cách và mở cửa” được triển khai, mối quan hệ Trung – Nhật đang ở thời điểm then chốt. Nhưng chuyến thăm chính thức của ông Abe tới Trung Quốc lại cho thấy ông Tập hiện đang gặp rắc rối từ cả trong và ngoài nước.

    Về bất ổn chính trị trong nước của ông Tập, còn một lý do nữa khiến nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện tại buộc phải tìm cách che mờ thành tích lừng lẫy của ông Đặng, thay vì tôn vinh một dịp kỷ niệm quan trọng cho những thành tựu của người tiền nhiệm.

    Đó là một sự cố xảy ra khoảng 30 năm trước.

    Năm 1987, Hồ Diệu Bang (Hu Yaobang), khi đó là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã bị buộc phải từ chức. Ông Hồ là một chiến tướng quan trọng trong phong trào “cải cách và mở cửa” và đã được nhiều người biết đến. Chính ông Đặng đã trao cho ông Hồ những chức vụ quan trọng.

    Ông Hồ đã bị quy trách nhiệm trong việc xử lý không nghiêm các cuộc biểu tình của sinh viên Trung Quốc kêu gọi dân chủ hóa, phong trào này cuối cùng dẫn đến cuộc biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn, sau đó đã bị đàn áp dữ dội.

    Ông Đặng quyết định buộc ông Hồ từ chức. Vào thời điểm đó, Tập Trọng Huân (Xi Zhongxun), cha của Chủ tịch Tập Cận Bình, đã tự đặt mình vào nguy hiểm khi lên tiếng phản đối chuyện ông Hồ từ chức. Thân sinh của ông Tập lúc ấy đang là một ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc.

    Ông Tập Trọng Huân thậm chí đã tìm cách gián tiếp truyền đạt một thông điệp tới Đặng: “Nếu ngài nhất quyết muốn ông Hồ Diệu Bang từ chức, hãy để tôi thay thế ông ấy trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản”. Người cha của ông Tập đã yêu cầu một chuyện bất khả từ lãnh đạo tối cao của Trung Quốc khi ấy.

    Sự phản kháng kịch liệt của Tập Trọng Huân đã trì hoãn đáng kể chuyện triệu tập một cuộc họp của Bộ Chính trị để chính thức phế truất ông Hồ. Vào ngày 16 tháng 1 năm 1987, ông Hồ đã bị buộc rời nhiệm sở.

    Kết quả là, đến lượt Tập Trọng Huân bị Đặng Tiểu Bình thanh trừng ngay sau đó một cách triệt để. Sức khỏe của cha ông Tập Cận Bình chuyển biến xấu và ông qua đời vào năm 2002 sau những tháng ngày đen tối. Số phận của Tập Trọng Huân cho thấy, những cuộc tranh đoạt quyền lực ở Trung Quốc luôn nghiệt ngã.

    Lúc ông Hồ bị phế truất, Tập Cận Bình mới ở độ tuổi ba mươi, đang làm quan chức cấp cao ở địa phương. Chuỗi sự kiện diễn ra vào thời điểm đó vẫn còn khắc sâu trong ký ức của ông.

    Sự tương phản rõ rệt trong thái độ của Trung Quốc đối với Nhật Bản so với bầu không khí căng thẳng bao quanh mối quan hệ hai nước mới cách đây sáu năm, cho thấy rất nhiều thay đổi có thể diễn ra chỉ trong khoảng thời gian tương đối ngắn.

    Vào tháng 9 năm 2012, hàng chục ngàn người đã tuần hành tại một số thành phố ở Trung Quốc, họ ném chai lọ và trứng vào các cơ sở ngoại giao Nhật Bản, để bày tỏ sự giận dữ trước chuyện Nhật Bản tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku ở Biển Hoa Đông, là một nhóm các đảo nhỏ không có người ở được phía Trung Quốc gọi là quần đảo Điếu Ngư (Diaoyu).

    Nhưng cảm xúc lẫn lộn của ông Tập đối với Đặng Tiểu Bình cũng cho thấy rằng, trong chính trường Trung Quốc, những mối hận thù không bị lãng quên, dù trải qua nhiều thập niên.
     
    Katsuji Nakazawa
     
    Nikkei Asian Review

    Dịch giả: Châu Minh Dũng

    (Tiếng Dân) 

    Không có nhận xét nào