Trong cuộc tranh luận về lá phiếu cử tri nên dành cho ứng cử viên
Cộng Hòa hay Dân Chủ vào ngày bầu cử giữa nhiệm kỳ 6/11/2018, vai trò
của Tổng thống Donald Trump là đề tài được phân tích và đánh giá sôi nổi
nhất. Tôi đặc biệt chú ý đến hai quan điểm đối lập giữa một số chuyên
gia Mỹ gốc Việt có thể coi như đại diện cho hai phe “chống Trump” và
“bênh Trump” (tôi không dùng từ “cuồng Trump” như được sử dụng trong dư
luận).
Tổng thống Donald Trump |
Tôi có thể sai, nhưng mọi ý kiến của tôi đều được căn cứ vào những sự kiện cụ thể chứ không do suy đoán hay lời đồn đại. Vì tuổi tác và sức khỏe, hiển nhiên là tôi không còn ham muốn gì về danh phận hay lợi lộc. Theo tinh thần dân chủ, tôi tôn trọng mọi quan điểm khác biệt và cũng mong quan điểm của mình được tôn trọng.
Cuộc tranh luận đề cập đến nhiều vấn đề phong cách cá nhân, chính sách và thành tích của Tổng thống Donald Trump, nhưng ở đây tôi chỉ muốn nêu lên một số nhận xét chủ yếu dưới nhãn quan của một công dân Mỹ gốc Việt:
1.- Tôi nghĩ không nên chú ý đến đời sống cá nhân của ông Trump trong quá khứ mà chỉ nên quan tâm đến lề lối làm việc của ông trong tư cách Tổng thống của cường quốc số một trên thế giới. Tổng thống Trump đã cho thấy ông thường có những lời tuyên bố không đúng sự thật, những phát biểu thiếu thận trọng và hành động không thích hợp về ngoại giao, những lời chỉ trích sống sượng không chỉ đối với các đối thủ chính trị mà ngay cả với những người từng hợp tác với ông. Ông là vị Tổng thống có nhiều cộng sự viên cao cấp nhất bị sa thải hay từ chức chỉ sau một thời gian ngắn ở tòa Bạch Ốc, thậm chí đã có sự tiết lộ là có âm mưu nội bộ muốn loại bỏ ông. Nhiều đảng viên Cộng Hòa bất đồng ý kiến với ông. Hai bình luận gia bảo thủ nổi tiếng của Đảng Cộng Hòa là George Will và Max Boot cũng công khai phủ nhận sự lãnh đạo của ông. Ông đã tỏ ra kỳ thị chủng tộc, tôn vinh người da trắng (white supremacist.)
2.- Về đối nội, Tổng thống Trump được phe Cộng Hòa ca ngợi đặc biệt về hai thành tích là tăng trưởng kinh tế và gia tăng số công ăn việc làm. Quả thật trong gần hai năm qua, GDP đã tăng liên tiếp đến 4.2% trong quý hai năm nay, tỉ lệ thất nghiệp 3.7% thấp nhất trong 18 năm và thị trường chứng khoán vọt lên tới hơn 26.000 điểm của chỉ số Dow Jones. Phe Dân Chủ thì cho hay kinh tế Mỹ đã vững mạnh từ thời TT Clinton cho tới cuối thời TT Obama, và tỉ lệ thất nghiệp thời Obama đã giảm xuống 4.8% (thấp nhất trong một thập niên) khi trao quyền cho Trump đầu năm 2017.
Dù sao cũng phải khách quan công nhận rằng thành tích tăng trưởng kinh tế của Trump ấn tượng hơn thời Obama. Thành quả tốt đẹp ấy có được là nhờ chính sách giảm thuế của Trump. Tuy nhiên, mức giảm thuế quá lớn cho người giàu lại dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là thâm hụt ngân quỹ khiến tăng trưởng kinh tế không sao bù đắp nổi các gia tăng chi tiêu của chính phủ về nhu cầu quốc phòng, trả tiền lời các món nợ của chính phủ, và các chi phí cao về phúc lợi xã hội và bảo hiểm y tế cho người già. Nợ công vì vậy đã tăng hơn 21 ngàn tỉ đô-la và sẽ tiếp tục tăng tới 33 ngàn tỉ trong 10 năm tới. Để giải quyết nạn thiếu hụt ngân sách, nếu không tăng thuế nhà giàu thì chính phủ phải cắt giảm các khoản trợ cắp về y tế, xã hội. Đây không phải là lời hù dọa vô trách nhiệm đối với người nghèo mà chính là biện pháp khó tránh được đề nghị bởi một vị TS kinh tế trong nhóm tham mưu của chính phủ Trump.
Đạo Luật Bảo hiểm Y tế Khả hữu (Affordable Care Act), thường được gọi là Obamacare, bị TT Trump chê là tốn kém cần phải được thay thế bằng một đạo luật khác đã được bàn cãi hơn một năm qua mà vẫn chưa được Quốc hội chấp thuận mặc dù đa số dân biểu thuộc đảng Cộng Hòa. Obamacare vì vậy vẫn còn tồn tại.
3.- Về đối ngoại, tôi sẽ chỉ bàn về chính sách của TT Trump đối với Trung Quốc trong tương quan với Việt Nam, vì đây là vấn đề quan tâm lớn nhất hiện nay của tất cả mọi người Việt yêu nước ở trong và ngoài nước. Do quyết tâm của TT Trump ngăn chặn tham vọng bành trướng của Trung Quốc khởi sự từ Biển Đông và các nước Đông Nam Á, đại đa số người Việt yêu nước đều đặt niềm tin cậy vào vị Tổng thống sừng sỏ nhất của Hoa Kỳ như một vị cứu tinh của dân tộc Việt Nam trước hiểm họa Trung Quốc và chế độ độc tài công sản Việt Nam. Tôi cũng mừng thấy Hoa Kỳ có một nhà lãnh đạo dũng mãnh chống lại mọi thủ đoạn bất chính của Trung Quốc và có khả năng giúp cho Việt Nam “thoát Trung” và “thoát Cộng.” Tuy nhiên, với những bài học đau thương của cả hai dân tộc Việt và Mỹ trong cuộc chiến tranh chống cộng sản trên dưới nửa thế kỷ trước, tôi thấy chúng ta cần tỉnh táo và thận trọng theo dõi các biến chuyển của thời cuộc, đặc biệt trong quan hệ Mỹ-Việt-Trung, để có thể lấy những quyết định sáng suốt và thích hợp. Tôi rất mong sẽ có dịp viết về vấn đề này một cách đầy đủ hơn. Vấn đề trước mắt hiện nay là cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ngày 6/11, vì vậy tôi sẽ chỉ trình bày tóm lược một số ý kiến để quý vị cử tri xem xét và bỏ phiếu bằng lý trí thay vì bằng định kiến hay cảm tính.
a.- Trước hết, không phải chỉ có Tổng
thống Trump và đảng Cộng Hòa mới thật sự chống Trung Quốc và có khả năng
giúp cho dân tộc VN chống chế độ độc tài CSVN. Vấn đề không đơn giản
như vậy. Dù CH hay DC lên cầm quyền, đảng nào cũng đặt lợi ích quốc gia
lên trên hết. Cả hai đảng đều theo đuổi một mục tiêu tối hậu nhưng có
những cách tiếp cận khác nhau. Chúng ta nên nhớ là chính sách “Xoay trục
sang Á châu” là quyết định chiến lược của Obama và Hillary (thật ra là
do Hillary trình bày trong bài “America’s Pacific Century” trên tờ
Foreign Policy, tháng 12, 2011). Cũng không nên quên là trong phiên họp
của ASEAN Regional Forum ở Hanoi năm 2010, Ngoại trưởng Hillary đã nhấn
mạnh vào quyền lợi cốt lõi của Mỹ ở Biển Đông và sẵn sàng giúp các nước
ĐNÁ giải quyết hòa bình với TQ về tranh chấp chủ quyển biển đảo. Điều đó
đã khiến Ngoại trưởng Trung Quốc tức giận bỏ phòng họp ra ngoài với lời
đe dọa các nước ASEAN “Quý vị nên nhớ rằng Trung Quốc là nước lớn còn
quý vị là những nước nhỏ.” Hillary Clinton cũng là người có sáng kiến
thành lập Regional Mekong Initiative (RMI) nhằm hỗ trợ các nước hạ nguồn
sông Mekong đối phó với kế hoạch hiểm độc của Trung Quốc trong việc
kiểm soát và khống chế môi trường sinh sống của những nước này (đặc biệt
là cứu đồng bằng sông Cửu Long ở cuối nguồn) bằng những con đập thủy
điện ở thượng nguồn.
b.- Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình
Dương (TransPacific Partnership – TPP) là một thỏa ước thương mại gồm 12
quốc gia thành viên mà Mỹ, Nhật, Úc, Canada, Singapore là thành phần
chủ chốt mất nhiều năm làm việc để thành lập nhằm ngăn chặn ảnh hưởng
của Trung Quốc. TPP đang ở vào thời điểm kết thúc việc ký kết năm 2017
thì Hoa Kỳ quyết định rút tên ra khỏi khối liên minh kinh tế, tài chính
này. Các nước đều hiểu lý do chính chỉ là vì TT Trump không muốn tiếp
nối bất cứ một công trình quan trọng nào của TT Obama. Sự vắng mặt của
Hoa Kỳ và sự thất bại của TPP là cơ hội cho TQ “bất chiến tự nhiên
thành”, và Bắc Kinh đã mau chóng củng cố Ngân Hàng Đầu tư Hạ tầng Á châu
(AIIB) bằng cách thu hút thêm được các nước thành viên của TPP, đồng
thời hoàn tất Sáng Kiến Một Vành Đai, Một Con Đường (One Belt One Road
Initiative) trong khu vực này. Một hậu quả tiêu cực do quyết định của
Trump rút khỏi TPP là các quốc gia Á châu-Thái Bình Dương càng mất tin
tưởng vào sự lãnh đạo và cam kết của Mỹ. Trump đang xúc tiến dự án thành
lập một hình thức thay thế cho TPP nhưng cái hại cũng đã xảy ra rồi.
Còn mấy điểm quan trọng khác tôi sẽ phải trình bày đầy đủ hơn vào một
dịp khác, như cuộc chiến thương mại đang diễn ra trong giai đoạn “nắn
gân nhau” giữa Mỹ và Trung Quốc, và cuôc điện đàm giữa Trump và Tâp Cận
Bình ngày 1.11 vừa qua (mà Bắc Kinh nói là do Trump đề nghị) nhằm chuẩn
bị cho cuộc gặp tay đôi nhân kỳ họp thượng đỉnh của G-20 ở Argentina vào
cuối tháng 11 này. Không thấy có thông báo gì về nội dung và kết quả
cuộc điện đàm thượng đỉnh này ngoại trừ một mẩu tin Twitter của ông
Trump cho biết là “cuộc đối thoại khá lâu và tích cực” Ông cho biết thêm
là “Các cuộc thảo luận diễn ra tốt đẹp. Chúng tôi đang lên kế hoạch cho
nhiều cuộc gặp tại G-20 ở Argentina”. Theo Wall Street Journal, có hai
nguồn tin giấu tên cho rằng chương trình nghị sự giữa ông Trump và ông
Tập có thể không đề cập đàm phán thương mại để tăng khả năng đạt được
thỏa thuận song phương về những vấn đề khác. Tôi cầu mong hai lãnh đạo
chính trị kinh doanh này sẽ không thỏa thuận trao đổi điều gì có hại cho
đất nước và dân tộc Việt Nam.
Trở lại cuộc bầu cử Quốc Hội 6/11, chính quyền Trump đang nắm trọn cả ba ngành hành pháp, lập pháp và tư pháp. Nền dân chủ Mỹ đang lâm vào tình trạng thiếu “checks and balances” trong lúc thế giới đang cần có sự quân bình quyền lực, tránh những quyết định độc đoán của một cá nhân hay một đảng.
Chúc quý độc giả quyết định sáng suốt trong ngày bỏ phiếu.
Trở lại cuộc bầu cử Quốc Hội 6/11, chính quyền Trump đang nắm trọn cả ba ngành hành pháp, lập pháp và tư pháp. Nền dân chủ Mỹ đang lâm vào tình trạng thiếu “checks and balances” trong lúc thế giới đang cần có sự quân bình quyền lực, tránh những quyết định độc đoán của một cá nhân hay một đảng.
Chúc quý độc giả quyết định sáng suốt trong ngày bỏ phiếu.
Lê Xuân Khoa
* Ông Lê Xuân Khoa là cựu chủ tịch Trung Tâm
Tác vụ Đông Nam Á (SEARAC), từng là Giáo sư Thỉnh giảng Trường Cao học
Nghiên cứu Quốc tế (SAIS), Đại học Johns Hopkins.
____
*Bản Tin Fast Checker sưu tầm được 6,420 lời tuyên bố sai lầm hay làm lạc hướng dư luận của Tỏng thống Trump trong 649 ngày, tính đến 30/10/2018. (Xem Meg Kelly, Washington Post, Nov.2, 2018)
____
*Bản Tin Fast Checker sưu tầm được 6,420 lời tuyên bố sai lầm hay làm lạc hướng dư luận của Tỏng thống Trump trong 649 ngày, tính đến 30/10/2018. (Xem Meg Kelly, Washington Post, Nov.2, 2018)
(Tiếng Dân)
Không có nhận xét nào