Nhìn các bạn trẻ ngẩng cao đầu trong khi tòa tuyên án, tôi thấy sức sống của dân tộc Việt Nam vẫn còn cuồn cuộn chảy, nước ta vẫn còn đó.
|
Bác sĩ Evan Atar Agha đã từ bỏ đời sống tiện nghi ở Ai Cập để trở về với đồng bào ông ở thị trấn Bunj, vùng đất vẫn đang xảy ra xung đột. Suốt hai mươi năm dài ông đã giải phẫu, băng bó, cứu sống hàng chục ngàn nạn nhân của chiến tranh và bị đàn áp tại Sudan và Nam Sudan.
Trong khi đó tại đất nước tôi, tuy không chiến tranh như Sudan nhưng cũng dẫy đầy tai họa cho những người có lòng. Một bác sĩ trẻ, anh Nguyễn Đình Thành, vừa lãnh một bản án lên đến 7 năm tù vì dám in tờ rơi vận động đồng bào anh chống lại Luật Đặc Khu. Đây là một hành động dũng cảm sau hàng loạt những án tù dài năm nhắm vào người dân bình thường; những người muốn bảo vệ môi trường phản đối công ty Formosa xả thải; những người muốn bảo vệ đất nước phản đối Luật Đặc Khu, … Chưa bao giờ, kể từ ngày CS nắm quyền cai trị cả hai miền nam bắc, VN lại có nhiều những con người sẵn sàng làm những viên gạch lót đường thầm lặng như ngày hôm nay.
***
Ngày Bác sĩ Evan Atar Agha về Bunj xây dựng bệnh viện, ông không có gì cả – thiếu thốn từ y cụ cho đến thuốc men. Ông chỉ có duy nhất một bọc muối và một bao vải trắng với cái suy nghĩ dù có rất ít nhưng nếu bắt tay vào việc ông sẽ đóng góp vào cái giấc mơ hòa bình và hạnh phúc cho người dân Sudan.
Câu nói của ông làm tôi chạnh lòng, rồi như một giọt nước làm tràn nỗi xúc động trong tôi khi tôi đọc bản tin về Bs Trần Đình Thành. Những con người VN bình thường cũng đang chọn góp một phần rất nhỏ của mình với cái giá rất lớn của cuộc đời họ. Những người hùng vô danh của một nền dân chủ tương lai của chúng tôi: những Nguyễn Văn Hóa, Huỳnh Đức Bình, Lê Đình Lượng, Nguyễn Văn Túc, Trần Thị Nga, Trần Thị Xuân, Phan Kim Khánh, Trần Hoàng Phúc, Nguyễn Ngọc Ánh,… tôi không thể nhớ hết nổi tên của từng người, bởi cái danh sách ấy càng ngày càng dài ra. Con số này tỷ lệ thuận với những bản án vô lương của chính quyền và rõ ràng nó tỷ lệ nghịch với những tính toán của đảng nhằm gia tăng nỗi sợ của người dân.
Nhưng một nền dân chủ đích thực có xảy ra trên đất nước tôi hay không? Điều này còn tùy thuộc vào sự dũng cảm và sáng suốt của đám đông. Ở đây tôi chỉ muốn chia sẻ nỗi xúc động, lòng biết ơn và một chút tự hào mà những người VN bình thường đang trao truyền cho chúng ta. Dẫu vẫn còn là thiểu số, nhưng nếu bạn không nhìn thấy những con người đang trao cho tha nhân cả trái tim và cuộc đời của họ; thì làm sao chúng ta thấy được cây đang trổ lá xanh và hoa nở cho chúng ta mỗi ngày?
Là người VN ai cũng biết mình đang sống dưới một thể chế chuyên dùng bạo lực để gieo rắc nỗi sợ, đây là phương cách cai trị cơ bản của những chính quyền độc tài. Và thể chế này đang tàn phá tan hoang đất nước, có sợ hay không sợ thì chúng ta cũng phải sống và đối diện với nó. Chỉ có duy nhất điều đó là có thật, là những gì đang thực sự xảy ra tại đây. Điều quan trọng là cái quyết định của ta tại thời khắc này; dựa trên sự sáng suốt hay sợ hãi?
Có lần TNLT Trần Thị Nga đã tâm sự về nỗi sợ của chị. Sau đêm bị công an dùng gậy sắt đánh gãy ống chân trước mặt các con, chị Nga chia sẻ rằng thực sự chị có cảm thấy sợ hãi mỗi lần đi trong đêm. Thế nhưng, như chúng ta thấy, người phụ nữ ấy đâu có lùi bước, chị không cho phép bạo lực và cái ác thắng được chị. Đó cũng là chọn lựa của vị bác sĩ người Sudan. Người ta cho rằng điều duy nhất để bảo vệ mạng sống cho ông là tiếng tăm và lòng nhân đạo của ông. Bác sĩ Evan Atar Agha cũng có gia đình, vợ con như bao nhiêu người bình thường khác. Tôi cho rằng không phải ông không biết sợ mà vì sợ hãi không làm ông đánh mất chính mình. Sợ hãi không ngăn cản được một con người ham sống và muốn sống với lý tưởng phục vụ.
Chị Trần thị Nga hay bác sĩ Evan Atar Agha đều hành động dựa trên cái hệ giá trị mà họ tin vào. Một cá nhân sống với sợ hãi không chỉ ảnh hưởng đến chính bản thân họ; bởi một quốc gia có quá nhiều những công dân như thế, chắc chắn dân tộc đó sẽ trở thành nô lệ.
Ngày nay, cả thế giới đã nhìn rõ mưu đồ của Trung Quốc; kẻ muốn lãnh đạo thế giới bằng những thủ đoạn xấu xa như ức hiếp các nước nhỏ, chiếm lĩnh biển Đông, độc chiếm nguồn nước ngọt, ăn cắp công nghệ,… Từ Á sang Âu, thầm lặng hay công khai, nhiều quốc gia đã và đang dự phần chống lại sự xâm lược của họ về kinh tế, chính trị và quân sự. Là một đất nước nằm sát cạnh một kẻ bá quyền gian xảo và hiểm ác, việc giữ gìn biên cương lãnh thổ nếu không do mỗi người dân VN đảm nhận trách nhiệm, thì máu xương bao đời của cha ông chúng ta rồi cũng tan như bọt nước ở Hoàng Sa.
Hơn nữa tê cứng trong sự sợ hãi, đa số chúng ta không nhìn thấy kết quả từ những đóng góp của rất nhiều người dân bình thường hôm nay. Những việc cứ ngỡ là RẤT NHỎ đó thật ra lại có những tác động RẤT LỚN vào việc thay đổi toàn xã hội. Phiên tòa ở Đồng Nai qua lời kể của Ls Miếng đã cho chúng ta thấy những chồi xanh vừa nhú lên trên mảnh đất được gieo trồng bằng tình thương, bằng bao nhiêu những hy sinh – trong đó có cả máu, nước mắt, và những năm tháng tuổi xuân của một số con dân can đảm của mẹ Việt Nam.
Ngày 9/11/2018 trước Tòa Án Nhân Dân tỉnh Đồng Nai, mười lăm thanh niên xuống đường phản đối dự Luật Đặc Khu đã khẳng định rằng họ đi biểu tình vì lòng yêu nước. Họ đồng loạt xin thay đổi nội dung kháng cáo từ xin giảm nhẹ hình phạt thành không có tội.
Nhìn một thế hệ VN đang thể hiện phẩm giá và niềm tin của chính mình tôi nhớ đến giải thưởng dành cho những người hùng vô danh của vị bác sĩ người Sudan. Mười lăm người trẻ này đã làm một quyết định bất ngờ nhưng mạnh mẽ. Tôi chắc họ đang cảm thấy rất ấm áp vì họ là người hùng của chính họ.
Nếu khi về Bunj bác sĩ Evan Atar Agha chỉ có một bọc muối và một bao vải trắng thì chúng ta đang có nhiều hơn thế!
Xin chia tay bạn đọc ở đây bằng nhận định của Ls Nguyễn văn Miếng. Hãy chia cùng ông những cảm xúc khi ấy, dù chúng ta không được có mặt với ông trước phiên tòa đặc biệt này:
“Nhìn các bạn trẻ ngẩng cao đầu trong khi tòa tuyên án, tôi thấy sức sống của dân tộc Việt Nam vẫn còn cuồn cuộn chảy, nước ta vẫn còn đó”.
© Nguyệt Quỳnh
Không có nhận xét nào