Nhà
quan sát nói với BBC rằng Ủy ban Kiểm tra Trung ương "lợi bất cập hại"
khi đề nghị kỷ luật một trí thức và rằng "tác dụng răn đe không hiệu quả
vì tình hình bây giờ đã khác thời Nhân văn-Giai phẩm".
Trong
lúc vụ Giáo sư Chu Hảo bị đề nghị kỷ luật vẫn đang gây tranh cãi, đại
diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương hôm 31/10 viết bài giải thích chi tiết
về ông, người bị nói có "biểu hiện suy thoái rất nghiêm trọng".
Bài
viết của ông Phạm Đức Tiến, Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Cơ quan Ủy ban
Kiểm tra Trung ương, nói vi phạm của "đồng chí Chu Hảo" bắt đầu khi ông
nghỉ hưu, không còn là Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ năm 2005, sang
công tác ở Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Trước đó, hôm 26/10, giáo sư Chu Hảo viết thư "từ bỏ Đảng Cộng sản" sau khi bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương là cơ quan kiểm tra, giám sát chuyên trách của Ban Chấp hành Trung ương |
'Càng gây thêm bức xúc'
Trả
lời BBC hôm 1/11, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, nói: "Tôi có cảm giác kết
luận về ông Chu Hảo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương "lợi bất cập hại."
"Bất
cứ đảng nào cũng đều cần có quyết định hợp với lòng dân, hợp với thực
tế, nhưng quyết định này hoàn toàn ngược lại, không có lợi gì cho Đảng."
"Có
thể chủ ý của Ủy ban này là lấy ông Chu Hảo ra để răn đe những người
khác nhưng tình hình bây giờ đã khác thời Nhân văn-Giai phẩm."
"Bây giờ là thời 4.0 mà, dân chúng và ngay cả đại đa số Đảng viên đều có điều kiện tiếp cận thông tin rộng rãi."
"Nên tác dụng răn đe không hiệu quả."
"Tôi thấy trên mạng người ta ầm ầm ủng hộ ông Chu Hảo."
"Chỉ một số dư luận viên chê bai ông Chu Hảo nhưng rất thô thiển, không dựa trên luận cứ nào cả."
"Điều này càng gây thêm bức xúc cho người dân."
"Tôi nghĩ sau vụ này, những người trong Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải suy nghĩ lại và có biện pháp bảo vệ Đảng hữu hiệu hơn."
"Mà muốn bảo vệ Đảng hữu hiệu nghĩa là phải vệ lẽ phải và những ý kiến có lợi cho đất nước, cho dân tộc."
Nhà
quan sát độc lập về chính trường Việt Nam cũng cho biết thêm: "Tôi thấy
Ủy ban Kiểm tra Trung ương thường được dùng để kỷ luật, có biện pháp
bãi miễn, khai trừ những thành phần mà Đảng cho là thoái hóa, có phát
biểu không có lợi cho Đảng."
"Tôi
ngạc nhiên là vụ ông Chu Hảo về vấn đề tư tưởng, văn hóa lại bị Ủy ban
này đưa ra chung hồ sơ với những viên chức công an, quan chức tham nhũng
tồi tệ."
"Hai vấn đề này khác nhau."
"Đốt lò quan chức tham nhũng thì đáng hoan nghênh, nhưng cùng lúc đốt lò trí thức tâm huyết thì đó là sai lầm."
Cùng
ngày, BBC gọi cho ông Nguyễn Trọng Phúc, cựu Viện trưởng Viện Lịch sử
Đảng để hỏi bình luận nhưng ông Phúc nói nhanh: "Tôi không có ý kiến"
rồi cúp máy.
'Cánh tay đắc lực'
Một nghiên cứu sinh người Việt ở Mỹ đề nghị ẩn danh, nói với BBC hôm 1/11:
"Quyết
định xem xét kỷ luật ông Chu Hảo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương được
thực hiện đúng theo trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan này. Theo theo
thông tin trong bài viết của ông Phạm Tiến Đức, việc xem xét kỷ luật ông
Chu Hảo đã bắt đầu từ năm 2009, tiếp tục vào năm 2016 và lặp lại năm
2018, dẫn đến quyết định được công bố tuần trước như chúng ta đã biết."
"Với
chức năng tham mưu về kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong
Đảng, Ủy ban nêu trên là cánh tay đắc lực của Bộ Chính trị, Ban Bí thư
và cá nhân Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong việc tăng
cường kỷ luật đảng, phòng chống tự diễn biến, tự chuyển hóa của đảng
viên. Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương hiện nay, ông Trần Cẩm Tú, là
phó chủ nhiệm thường trực dưới thời ông Trần Quốc Vượng. Nay thì cả ông
Trần Quốc Vượng và ông Trần Cẩm Tú đều là thành viên Ban Bí thư cùng
với ông Nguyễn Phú Trọng. Điều này khiến Ủy ban Kiểm tra Trung ương trở
thành một trong những cơ quan quyền lực nhất của Đảng."
"Do
Ban Bí thư là cơ quan lãnh đạo công việc hàng ngày của Đảng, chắc chắn
quyết định xem xét kỷ luật ông Chu Hảo phải được sự đồng ý của Ban Bí
thư và cá nhân ông Nguyễn Phú Trọng."
"Về
khả năng Ủy ban nêu trên nhận sai hoặc rút lại quyết định kỷ luật trước
áp lực công luận là điều gần như không có, bởi hai lý do. Thứ nhất, cơ
quan này không độc lập ra quyết định kỷ luật mà phải nhận được sự đồng
thuận của Ban Bí thư và ông Nguyễn Phú Trọng. Ông Trọng thường xuyên
nhắc đi nhắc lại rằng việc xem xét kỷ luật trong Đảng được thực hiện rất
thận trọng, bài bản để người bị kỷ luật phải tâm phục khẩu phục."
"Thứ
hai, ĐCSVN coi việc siết chặt kỷ luật Đảng là nhiệm vụ sống còn, ảnh
hưởng đến sự tồn vong của chế độ, chẳng hạn thể hiện qua Nghị quyết
04-NQ/TW "về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự
suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự
diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ"."
"Kết
luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương sử dụng tất cả những cụm từ này để
nói về ông Chu Hảo và đánh giá mức độ vi phạm, khuyết điểm của ông Chu
Hảo là rất nghiêm trọng. Ông Chu Hảo sẽ trở thành trường hợp điển hình
bị kỷ luật vì lý do suy thoái tư tưởng nhằm răn đe các đảng viên khác."
Hôm
29/10, báo Quân đội nhân dân cho hay: "Nhiều ý kiến của cán bộ, đảng
viên, cựu chiến binh và quần chúng nhân dân, bày tỏ sự đồng tình với kết
luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương [về vụ ông Chu Hảo].
Một
bài trên tờ này dẫn lời ông Phan Thanh ở quận Ba Đình, Hà Nội: "Việc Ủy
ban Kiểm tra Trung ương kiến nghị thi hành kỷ luật đối với ông Chu Hảo
là đúng đắn, đồng thời cho thấy kỷ luật của Đảng là nghiêm minh, cho dù
người bị xử lý là ai, đã và đang giữ cương vị gì, thấp hay cao; trình độ
chính trị, văn bằng là gì, quá trình công tác và thành tích như thế
nào… nếu vi phạm Điều lệ Đảng, vi phạm pháp luật thì đều bị xử lý nghiêm
minh. Xử lý kỷ luật ông Chu Hảo nhằm giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của
Đảng và Nhà nước."
Cùng
thời điểm, trang Viet-studies đăng ý kiến của ông Nguyễn Đình Bin, cựu
Thứ trưởng Ngoại giao, cựu Đại sứ Việt Nam tại Pháp: "Tôi khẩn thiết đề
nghị Ủy ban Kiểm tra Trung ương bình tâm và sáng suốt xem xét lại và
dũng cảm rút quyết định về ông Chu Hảo."
"Ủy
ban làm được việc này sẽ góp phần lấy lại và nâng cao uy tín của Ủy ban
nói riêng và của Đảng nói chung, là điều hết sức cần thiết hiện nay,
trước tình hình thế giới đang thay đổi rất căn bản, sâu sắc, với tốc độ
chóng mặt, những đảo lộn khôn lường, đặt ra cho đất nước ta những thách
thức thật sự hiểm nghèo, đồng thời cũng có những cơ hội lớn mà Đảng và
dân tộc không được bỏ lỡ."
In sách 'sai trái'
Bài
viết hôm 31/10 của tác giả Phạm Đức Tiến mang quan điểm chính thức của
Đảng nhận định ông Chu Hảo, khi làm Tổng Biên tập, Giám đốc Nhà xuất bản
Tri thức, đã cho in nhiều sách "có nội dung sai phạm, trái quan điểm,
chủ trương đường lối của Đảng".
Bài
viết kết luận: "Đồng chí Chu Hảo là đảng viên trí thức nhưng đã đi
ngược lại phẩm giá của người trí thức, đi ngược lại Cương lĩnh, Điều lệ
của Đảng, đi ngược lại niềm tin, kỳ vọng của quần chúng nhân dân vào sự
lãnh đạo của Đảng, không còn xứng đáng với cái tâm, cái tầm của người
tri thức và tư cách đảng viên."
Phản ứng về bài viết, nhà văn Phạm Thị Hoài, sống ở Berlin, hôm 31/10 viết trên Facebook:
" Sự kiên nhẫn của Đảng không phải là vô tận. Nhưng cho đến hết bài, Đảng vẫn gọi ông Chu Hảo là đồng chí."
Trước
đó, giáo sư Chu Hảo công bố thư trên mạng xã hội nói bản thân ông nay
"từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam" để đi theo con đường Khai Sáng của Phan
Châu Trinh.
Cựu
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, người bị Uỷ ban Kiểm tra Trung
ương đề nghị kỷ luật gần đây, cũng nói ông đề nghị chi bộ "xóa tên tôi
trong danh sách Đảng viên".
Theo
ông Chu Hảo, quyết định kỷ luật ông được Đoàn Kiểm tra "đơn phương
công bố rộng rãi" mà không thông báo trước "cho cá nhân và tổ chức
đương sự".
Ông viết "đây là bản cáo trạng vô căn cứ và thâm độc".
Ông Chu Hảo cũng nói mình đã "từ chức" khỏi vị trí ở Nhà Xuất bản Tri Thức.
Tuy
nhiên, ông Chu Hảo viết ông sẽ vẫn tiếp tục con đường Khai Sách của
Phan Châu Trinh: Dân tộc, Dân chủ và Phát triển, thông qua các hoạt
động giáo dục.
(BBC)
Không có nhận xét nào