Sức nóng của chiến dịch đốt lò, một
chiến dịch chưa từng có tiền lệ trong hệ thống chính trị Việt Nam, đụng
chạm trực tiếp về mặt nhân sự cấp tướng thuộc Bộ Công an, và đưa Uỷ
viên Bộ Chính trị - Bí thư thành uỷ Tp. HCM đang đương chức ra toà với
án tù lên tới hơn 30 năm khiến dư luận choáng ngợp.
Nhiều
danh xưng dành cho người đứng đầu chiến dịch là ông TBT Nguyễn Phú
Trọng như: kẻ sĩ Bắc Hà, sĩ phu, người Cộng sản cuối cùng...
Những
danh xưng hoa mỹ và có phần tôn quý này là thể hiện 1 thái độ ngưỡng
vọng với người đốt lò, người bảo vệ các giá trị trong đảng và nuôi ý chí
đưa ĐCSVN vực dậy.
Nhưng
cuộc chiến đốt lò cũng tạo ra những mối liên kết đáng ngờ, dù có yếu tố
thanh lọc được bộ máy và gạt bỏ các thành phần tham nhũng trong ĐCSVN,
nhưng những chỉ dấu của các yếu tố, nhân tố liên quan đến chiến dịch đều
hướng tới ông Nguyễn Tấn Dũng - cựu Thủ tướng và là người khiến ông
Trọng bật khóc trong một ngày mà thế và lực của Chính phủ lấn át lãnh
đạo ĐCSVN.
TBT - CTN Nguyễn Phú Trọng phát biểu hôm 24.11 khi tiếp xúc cử tri tại Hà Nội.
Trong
một bài viết được đăng tải trên The Diplomat nhằm chỉ ra sự khác biệt
giữa ông Nguyễn Phú Trọng và ông Tập Cận Bình, theo đó, mặc dù có hơi
hướng giống nhau nhưng mục tiêu của ông Tập khác hẳn ông Trọng. Sự khác
nhau đó thể hiện qua việc ông Bình tập trung phát triển quốc gia để làm
gia tăng sự lãnh đạo của ĐCSTQ, trong khi ông Trọng chủ trương đi từ tập
trung vun vén quyền lục trong đảng và gia tăng sự cầm quyền của đảng
trong các vấm đề nhà nước.
Sự
hợp nhất hai chức danh được coi là tạm thời, nhưng đồng thời nó cũng
báo hiệu sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng trong nhà nước, như Điều 4 Hiến
pháp quy định. Vấn đề là nó đi ngược với tinh thần cởi bỏ bớt bàn tay
của Đảng trong các vấn đề thuộc quản trị quốc gia (đồng nghĩa gia tăng
chính phủ kỹ trị). Sự gia tăng quyền lực của ông Nguyễn Phú Trọng được
cho là làm hài lòng một số người, ít nhất là hệ quả về mặt kinh tế do
ông Nguyễn Tấn Dũng để lại đã làm gia tăng số phiếu ủng hộ ông Trọng, và
xuất hiện kỳ vọng ông Trọng sẽ có những bước đi tương xứng trong xác
lập quyền quản trị quốc gia trên tinh thần luật lệ, cân bằng hoá giữa
quyền lãnh đạo của ĐCS với sự đổi mới trong đảng và tổng thể quốc gia để
vực dậy nền kinh tế đất nước, như cách ông "quyết liệt đốt lò" trong
thời gian qua. Nhiều văn sĩ kỳ vọng ông Trọng sẽ mở hướng đi quốc gia,
một Gorbachev thời hiện đại. Họ gọi ông Trọng là "cụ Cả" đầy tính kính
trọng, nhưng lại quên rằng, ông Trọng là một giáo sư xây dựng đảng và có
thâm niên trong một tờ báo cực kỳ giáo điều mang tên Tạp chí Cộng Sản.
Khi
ông Trọng tuyên bố rằng, Luật an ninh mạng ra đời nhằm bảo vệ chế độ,
nhiều người từng bày tỏ niềm tin với ông bị sốc, nhưng họ vẫn bám víu
vào sự thay đổi lớn nào đó khi ông Trọng nhậm chức Chủ tịch nước. Thế
nhưng, trong vai trò Chủ tịch nước, một quyết định kỷ luật GS Chu Hảo ra
đời, thậm chí, người đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam đã phê phán GS
Chu Hảo (một người cổ vũ nhiệt thành cho đời sống dân quyền quốc gia)
với một thái độ hết sức "nghiêm khắc".
"Về
cơ bản là rất tốt rồi nhưng không phải không có những người cậy mình có
chút công lao để sinh ra kiêu ngạo, muốn nói gì thì nói, phán gì thì
phán, nói trái Điều lệ, nói trái Cương lĩnh."
Rõ
ràng, đứng trên cương vị là Tổng Bí thư, ông Trọng đã đúng khi phê phán
GS Chu Hảo là "tự diễn biến, tự chuyển hóa", và nhấn mạnh đảng viên
phải tuân theo điều lệ, cương lĩnh của đảng. Tuy nhiên, khi phê phán
trên tinh thần hà khắc như vậy, ông Nguyễn Phú Trọng đồng thời cũng xác
nhận tình trạng giáo điều trong đảng, tính thiếu đối diện liên quan đến
sự hủ hóa và trì trệ trong đảng - tất cả khiến yếu tố hạn chế phê phán,
phô bày những vấn đề trong đảng ra ngoài (mà ông Trọng sử dụng cụm từ
hết sức tiêu cực là "tuyên truyền").
Với
ông Trọng, sự tuân thủ cao hơn phản biện, bởi tuân thủ với ông là làm
nên tính quyền lực áp đặt của đảng, ông không hiểu hoặc cố tình không
hiểu rằng, cái quan điểm áp đặt từ trên xuống là nguyên nhân đẩy các ĐCS
ở Đông Âu và Liên Xô vào tan rã, là yếu tố làm nên sự quan liêu của
chính ĐCS. Và khi mà tình trạng ngứa ghẻ trong đảng đã đến thời kỳ lở
loét, thay vì tìm cách công khai chữa trị, ông tìm cách bịt kín để vọng
tưởng rằng, đảng của ông vẫn đang khoẻ mạnh, nhưng không biết rằng, đảng
ông đang ngày càng nhiễm trùng nặng.
Nhưng
tại sao ông Nguyễn Phú Trọng và những đồng chí của ông phải làm như
vậy, chỉ có một câu giải thích duy nhất "e ngại bóng hình Gorbachev".
Gorbachev, người đã tìm cách cải tổ kinh tế để tránh khủng hoảng thông
qua nhiều biện pháp, trong đó có cả gạt bỏ Đảng Cộng sản Liên Xô khỏi
vai trò lãnh đạo đời sống kinh tế của đất nước.
Ông
Nguyễn Phú Trọng chống lại tư duy dân chủ phương Tây trong đảng, thậm
chí bất kỳ những yếu tố cải tổ nào trong đảng có thể làm suy giảm sự
lãnh đạo của ĐCSVN đều sẽ bị ông gạt bỏ. Đó là vì sao ông tuyên bố thẳng
thừng, "suy thoái mặt chính trị, suy thoái còn nguy hiểm hơn cả kinh
tế". Hiểu ngược, phải giữ được ổn định chính trị bất chấp suy thoái hay
khủng hoảng kinh tế.
Rõ
ràng, quan điểm nêu trên về "suy thoái" của ông Tổng bí thư, Chủ tịch
nước phản ánh một ích kỷ đối với quốc gia này. Venezuela đang hiện diện
tại Việt Nam, nơi mà tiền mất giá, dân bỏ trốn khỏi quốc gia, mùa Giáng
sinh có thể đối diện với giá lạnh vì nhà máy lọc dầu quốc gia Petroleos
de Venezuela SA đang hoạt động cầm chừng; giấy vệ sinh đắt đỏ,... Còn
Tổng thống Nicolás Maduro và đội ngũ quan chức vẫn sống xa hoa, những
người cố thủ giữ ổn định chính trị bằng lực lượng vũ trang.
Trở lại với Việt Nam, các nhà trí thức sẽ phải làm gì trong bối cảnh này, im lặng hay sẽ lên tiếng về "cụ Cả"?
Hoa Nghi
(VNTB)
Không có nhận xét nào