Những năm gần đây bắt đầu xuất hiện
những nhà nghiên cứu trẻ nước ngoài gốc Việt thành danh với các công
trình liên quan đến gốc rễ Việt Nam của họ.
Có thêm sách viết về người lính VNCH |
Tại
Mỹ, nơi tập trung cộng đồng Việt kiều, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh
Việt nhận giải văn học Pulitzer năm 2015 cho tiểu thuyết The
Sympathizer. Một người khác cũng ở Mỹ, Tiến sĩ Nguyễn Liên Hằng, được
giải Stuart L. Bernath của Hội Sử gia Quan hệ Ngoại giao Hoa Kỳ năm 2013
nhờ cuốn Hanoi's War: An International History of the War for Peace in
Vietnam.
Úc,
với số người gốc Việt ước tính hơn 233.000 người, cũng chứng kiến sự
xuất hiện của một số người lớn lên ở đây nhưng muốn viết về Việt Nam.
Một mảng được họ quan tâm là tiếng nói của thế hệ phi cộng sản trong chiến tranh ở miền Nam Việt Nam.
Trải nghiệm từ cha mẹ
Cuốn
sách gần đây, South Vietnamese Soldiers: Memories of the Vietnam War
and After (in năm 2016), là một nỗ lực như vậy của Tiến sĩ Nathalie
Huynh Chau Nguyen, dạy tại Đại học Monash, Úc.
Cuốn
sách bắt đầu từ dự án nghiên cứu của tác giả về các cựu binh Việt Nam
Cộng Hòa (VNCH), chủ yếu định cư ở Úc, gồm tổng cộng 54 cuộc phỏng vấn.
Những cựu binh được phỏng vấn, người già nhất sinh năm 1917 và trẻ nhất 1955, kể lại cuộc đời họ.
Như tác giả cho hay, quan niệm của chính bà về cuộc chiến chịu ảnh hưởng từ trải nghiệm của cha mẹ.
Bản
thân cha của tác giả, Nguyễn Triệu Đan, là Đại sứ cuối cùng của Việt
Nam Cộng Hòa ở Nhật Bản (1974-75). Người cha rời miền Bắc Việt Nam năm
1950, mang theo bộ gia phả chữ Hán do người ông soạn, tiếp tục truyền
thống học tập của gia đình.
Lấy
bằng tiến sĩ luật ở Pháp, ông Đan trở thành nhà ngoại giao của Việt Nam
Cộng Hòa, tham dự phái đoàn VNCH tại Hội Nghị Paris dẵn tới Hiệp định
1973.
Sau ngày 30/4/1975, gia đình tị nạn ở Melbourne, Úc.
Bà Nathalie Nguyễn từng gợi ý để cha viết lại hồi ký, nhưng ông không làm vì cảm thấy chủ đề còn quá đau đớn khi nhắc lại.
Nhưng
bà Nathalie Nguyễn, sau khi nhận bằng tiến sĩ ở Đại học Oxford, vẫn băn
khoăn khi giới viết sử hầu như bỏ qua trải nghiệm của người lính và
thường dân miền Nam trong cuộc chiến kết thúc năm 1975.
Nữ quân nhân
Qua
các câu chuyện cá nhân, cuốn South Vietnamese Soldiers như một lược sử
về những người lính Việt Nam, bắt đầu từ thời tuổi trẻ đến khi họ tìm
đường sang Úc.
Tác giả nhắc lại rằng Nam Việt Nam mất hơn 254.000 người lính trong cuộc chiến, với số người bị thương khoảng hơn 783.000.
Một chương sách dành để nói về Đoàn Nữ Quân Nhân Quân lực VNCH, một đối tượng ít khi được nhắc tới.
Vào
lúc kết cuộc năm 1975, có khoảng 6.000 phụ nữ phục vụ trong Đoàn Nữ
Quân Nhân. Miền Nam sụp đổ là "vết sẹo" lớn nhất trong cuộc đời nhiều
phụ nữ này.
Một
người phụ nữ kể về giai đoạn hậu chiến là "thời gian tuyệt vọng". Bà
chạy sang Campuchia mang theo con trai, ở đó suốt năm năm để có thể sang
trại tị nạn ở Thái Lan rồi sang Úc năm 1990.
Sau này, cũng người phụ nữ này quay về Việt Nam mỗi năm để giúp đỡ những thương phế binh VNCH.
Con trai bà hỏi sao mẹ cứ về Việt Nam, và "hãy quên đi những kỷ niệm đau thương".
Nhưng bà nói: "Nỗi đau mới làm mình biết nhớ."
Úc công nhận cựu binh VNCH
Qua
sách, người đọc biết thêm rằng từ 1980, Úc có chế độ công nhận cựu binh
của các đồng minh qua việc cấp cho họ lương hưu. Chính sách ra đời từ
nhu cầu đáp ứng cho các cựu binh thời Thế chiến Hai, nhưng cũng áp dụng
cho các xung đột sau này như Chiến tranh Việt Nam.
Với
nhiều cựu binh VNCH, việc nộp đơn xin chính phủ Úc công nhận là cựu
binh đồng minh không chỉ để có tiền hưu, mà quan trọng hơn, để tự hào
rằng họ được công nhận trong danh dự.
Việc
Úc công nhận cựu binh VNCH cũng giúp những người này có chỗ đứng trong
lịch sử di dân và chiến tranh của Úc, giúp họ hòa nhập với cộng đồng cựu
binh Úc.
Một cựu binh chỉ ra rằng ngay tại Mỹ, không có mức độ công nhận cựu binh VNCH nhiều như tại Úc.
Chính
sách của Úc đã cho những người lính VNCH có được diễn đàn, tạo cho họ
cơ hội đóng góp và tham gia những dịp Úc kỷ niệm cuộc chiến Việt Nam.
Những
nghiên cứu tiếng Anh nổi bật về Việt Nam Cộng Hòa gần đây chủ yếu tập
trung vào chính thể Tổng thống Ngô Đình Diệm (1955-63). Một phần lý do
là sự mở cửa ngày càng cởi mở của các kho tư liệu về giai đoạn này ở
Việt Nam.
Cuốn
sách của bà Nathalie Huynh Chau Nguyen là một nỗ lực khác, và bà nói
việc người ta cố "xóa sổ VNCH" khỏi cả lịch sử Việt Nam và ngành viết sử
về chiến tranh đã là động lực cho nghiên cứu của bà.
(BBC)
Không có nhận xét nào