Header Ads

  • Breaking News

    Hiểm họa toàn cầu từ nền chuyên chế kỹ thuật số của Trung Quốc

    Dù cuộc chiến thương mại giữa Mỹ – Trung chỉ tập trung vào các mặt hàng từ nông sản cho đến đồ gia dụng, thì Hoa Kỳ và các nước dân chủ khác cũng nên lo lắng về một loại hàng hóa xuất khẩu khác của Trung Quốc, đó là: nền chuyên chế/chủ nghĩa độc tài kỹ thuật số (digital authoritarianism).

    Trung Quốc đã xây dựng hệ thống theo dõi các công dân của mình để quản lý mọi hoạt động của đời sống
    Giới chức Bắc Kinh đang cung cấp công nghệ và các khóa huấn luyện cho các chính phủ trên khắp thế giới để họ có thể kiểm soát công dân nước họ. Trong khi các công ty Trung Quốc đang cạnh tranh với các tập đoàn quốc tế trong lĩnh vực quan trọng như trí tuệ nhân tạo và dịch vụ mạng 5G, thì quy tắc dân chủ, vốn đã thống trị mạng Internet toàn cầu bấy lâu, dường như đang dần thất thế. Khi đề cập đến vấn đề tự do Internet, rất nhiều chính phủ đã háo hức mua ngay các mô hình kiểm soát mà phía Trung Quốc đang rao bán.

    Hàng ngũ lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc cực kỳ hào hứng với ý định thay thế trật tự tự do quốc tế bằng nền độc tài chuyên chế của họ bằng kế hoạch mở rộng sang cả lĩnh vực kỹ thuật số.

    Sáng kiến “Một vành đai, một con đường”, một nỗ lực đầy tham vọng nhằm đưa ảnh hưởng của Trung Quốc lên toàn thế giới thông qua các khoản vay song phương và dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, bao gồm cả sự tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghệ thông tin. Theo bản điều tra “ Freedom on the Net,”một bản đánh giá toàn cầu của Freedom House được công bố vào thứ Năm vừa qua, 38 trong số 65 quốc gia trong bản đánh giá đã bắt đầu sử dụng các trang thiết bị viễn thông được cung cấp bởi các công ty lớn của Trung Quốc như Huawei, ZTE hoặc các tập đoàn nhà nước như China Telecom. Hiện Huawei đang xây dựng mạng lưới WiFi công cộng lớn nhất Nam Mỹ tại Mexico, mạng di động 5G tại Bangladesh và dịch vụ 4.5G tại Campuchia cũng như đang tư vấn cho chính phủ Kenya về “kế hoạch vĩ đại” trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông.

    Khi các công ty này xây dựng “con đường tơ lụa kỹ thuật số” nối liền các nước chủ quản thông qua cáp quang, các chuyên gia đã cảnh báo rằng những trang thiết bị này có thể sẽ làm gia tăng sự giám sát của hệ thống tình báo của Trung Quốc. Vào tháng Một vừa qua, người ta phát hiện rằng mạng lưới IT do Trung Quốc xây dựng tại trụ sở của Liên minh châu Phi tại Ethiopia đã truyền dữ liệu mật đến Thượng Hải hằng ngày trong suốt 5 năm qua. Một số công ty Trung Quốc luôn tập trung vào xuất khẩu công nghệ giám sát. Tại 18 trong số 64 quốc gia được đánh giá bởi Freedom House – bao gồm cả Zimbabwe, Singapore một vài nước Á – Âu, các công ty như Yitu, CloudWalk and Hikvision đang kết hợp các tính năng trí tuệ nhât tạo và nhận diện khuôn mặt để tạo ra dự án “Thành phố Thông minh” (Smart Cities) và hệ thống giám sát cực kỳ tinh vi. Nó cho phép các chính phủ này có thể nhận diện và theo dõi từng hành động của mỗi công dân.
    Những khu phố của người Uyghurs ở Tân Cương, Trung Quốc bị giám sát chặt chẽ và treo đầy cờ đỏ
    Quân đội Trung Quốc luôn sẵn sàng đàn áp đẫm máu người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

    Việc các chính quyền Trung Quốc liên tục khủng bố người Hồi giáo ở khu vực Tân Cương cho thấy một bức tranh cực kỳ u ám về tiềm năng của những công cụ này. Nhiều người dân đã bị theo dõi bằng drone, camera trên đường phố và các ứng dụng theo dõi bắt buộc cài đặt trên điện thoại của họ. Những người bi nghi là “không đáng tin cậy” có thể bị đưa vào các trại cải tạo bí mật ở Tân Cương.

    Chính quyền Bắc Kinh không chỉ truyền bá công nghệ đàn áp đến các nước có chung tư tưởng như họ, mà còn mời các quan chức chính phủ và những người có ảnh hưởng về mặt truyền thông đến Trung Quốc để huấn luyện các cách kiểm soát người đối lập và thao túng dư luận trên mạng. Giới chức Trung Quốc đã tổ chức các khóa huấn luyện về quản lý thông tin và truyền thông cho các đại diện đến từ 36 trong số 65 quốc gia trong bản khảo sát của Freedom House. Trong chuyên đề kéo dài 2 tuần hồi năm ngoái, các quan chức được mời đến Trung Quốc đã tham quan trụ sở của một công ty có tham gia vào “hệ thống quản lý công luận dựa vào dữ liệu lớn (big data)”.

    Các nước dân chủ cần hành động ngay lập tức để ngăn chặn sự bành trướng của công nghệ đen tối đến từ Trung Quốc. Các chính phủ nên áp đặt lệnh trừng phạt lên các công ty cung cấp công nghệ để phục vụ cho chính quyền Trung Quốc đàn áp ở những nơi như Tân Cương. Các nhà làm luật ở Hoa Kỳ nên tái thảo luận và thông qua Đạo luật Tự do Mạng Toàn cầu, cho phép ngoại trưởng xác định được các quốc gia hạn chế tự do Internet và cấm xuất khẩu đến những nước này các mặt hàng được sử dụng để kiểm soát kiểm duyệt, giám sát và đàn áp. Đạo luật này cũng yêu cầu các công ty công nghệ hoạt động trong lĩnh vực này phải báo cào hằng năm về những việc họ đang làm để bảo vệ nhân quyền và tự do thông tin.

    Tuy nhiên, cách tốt nhất để các nước dân chủ ngăn chặn sự trỗi dậy của nền chuyên chế kỹ thuật số chính là chứng minh rằng họ có mô hình quản lý Internet tân tiến hơn. Chúng ta sẽ phải giải quyết vấn đề thao túng mạng xã hội và sử dụng dữ liệu sai mục đích mà vẫn tôn trọng nhân quyền và đảm bảo rằng mạng Internet luôn miễn phí và đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người.

    Các nhà hoạch định chính sách cần nỗ lực nghiêm túc hơn để bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng và dữ liệu cá nhân của người dân khỏi việc bị chính phủ, các công ty và các loại tội phạm sử dụng sai mục đích. Các công ty công nghệ cũng nên hợp tác chặt chẽ hơn với các chuyên gia xã hội dân sự để tối đa hóa tính minh bạch và đảm bảo rằng nền tảng công nghệ của họ không bị lợi dụng để phát tán các thông tin xấu và sai sự thật. Cuộc bầu cử năm 2016 của Mỹ đã cho thấy việc quản lý mạng xã hội có trách nhiệm và nhiều quyền riêng tư hơn là rất cần thiết để ngăn chặn các hành động lợi dụng sự tự do trong xã hội và phá hoại nền dân chủ.

    Chính quyền Bắc Kinh đang rất nỗ lực để trải rộng hệ thống này trên khắp thế giới. Nếu các nước dân chủ thất bại trong việc thúc đẩy các quy tắc và lợi ích với sự quyết tâm như nhau, thì nền chuyên chế kỹ thuật số sẽ trở thành hiểm họa thực cho tất cả chúng ta.

    Hoàng Trang biên dịch từ nhật báo Bưu điện Washington

    Link : https://www.washingtonpost.com/opinions/the-global-threat-of-chinas-digital-authoritarianism/2018/11/01/46d6d99c-dd40-11e8-b3f0-62607289efee_story.html?noredirect=on&utm_term=.39016539acd8

    (Thoibao.de) 

    Không có nhận xét nào