Thương
trường, chính trường và chiến trường: cả ba cái sân chơi này đều có một
mẫu số chung: đó là phải sử dụng mánh khóe, mưu lược, có khi cả lừa bịp
để thành công.
Thắng cử rồi, TT Trump phải đối đầu với giới truyền thông, vốn không ưa khuynh hướng siêu bảo thủ của ông. (Hình: mediamatters.org) |
Trên
60 năm tiếp xúc với mọi giới ở Thủ đô Washington chúng tôi có nhiều cơ
hội được nghe những tiếng kẽo kẹt của cái ‘cối xay tin đồn’ (rumor mill)
về những gì đang toan tính trong Tòa Bạch Ốc, lúc thì chúng thành tin
thật, lúc thành tin giả.
Khi
ông Trump vừa lên chức tổng thống, người ta đồn rằng ông sẽ áp dụng
những mưu kế đã giúp ông thành công ở thương trường vào chính trường và
chiến trường.
Về
thương trường thì ngay từ năm 1987, doanh nhân trẻ Donald Trump đã viết
cuốn sách nổi tiếng “The Art of the Deal” (Nghệ thuật thương lượng) nói
tới những thành công của ông và tại sao ông thành công.
Tuy
nhiên, chính trường thì phức tạp hơn thương trường rất nhiều, cho nên
tin đồn ông sẽ áp dụng thêm cả ‘Binh Pháp Tôn Tử’ của Trung Quốc để
khuất phục đối phương.
Tôn
Tử (Sun Tzu) là nhà quân sự nổi tiếng thời Xuân Thu Chiến Quốc (Thế Kỷ
thứ 5). Mưu kế của ông đã trở thành sách gối đầu giường của các nhà quân
sự, chính trị từ Đông sang Tây. Bên Nhật lại có cả một trường phái
nghiên cứu nó để áp dụng vào kinh doanh.
Donald Trump và Binh Pháp Tôn Tử
Chính
ông Trump đã từng nói: “Tôi đọc rất nhiều sách về Trung Quốc,” cho nên
chúng tôi đưa ra giả thuyết là ông đã nghiên cứu và đang áp dụng một số
trong ‘Tam Thập Lục Kế’ (36 kế sách). “Tất cả nghệ thuật chiến tranh đều
dựa vào mưu kế lừa bịp đối phương,” Tôn Tử viết.
Bắt
đầu mùa tranh cử năm 2016, John Barro của tờ New York Times có kể câu
chuyện về mưu kế của ông Trump như sau: năm 1982, ông rất muốn cho Công
ty Holiday Inn mua một phần của dự án sòng bạc Trump ở Atlantic City,
nhưng lo ngại là Holiday Inn sẽ từ chối vì tiến độ của dự án quá chậm.
Ông bèn chỉ thị cho giám đốc công trường thuê thật nhiều xe ủi đất và xe
đổ đất rồi cho xe chạy lòng vòng quanh khu vực dự án, lúc thì đào đất,
lúc lấp đất, lúc ủi đất tạo nên một khung cảnh xây cất thật là nhộn
nhịp.
Ông
chỉ thị như vậy là để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm dự án này của lãnh
đạo Holiday Inn. Lệnh của ông rất đơn giản: “Xe ủi đất và xe đổ đất làm
những gì thì không quan trọng, tôi (Trump) nói, miễn là những xe đó làm
cho thật nhiều” (What the bulldozer and dump trucks did wasn’t
important, I said, as long as they did a lot of it).
Theo
ông Trump, màn trình diễn này đã thành công: “Ban quản lý Holiday Inn
nhìn kỹ cảnh nhộn nhịp này, và một số đã lộ rõ sự kính phục” ông viết.
“Tôi sẽ không bao giờ quên được là có người trong bọn họ đã quay sang
tôi, lắc đầu và nói, ‘Ông biết đấy, thật tuyệt vời khi ông chỉ là một tư
nhân mà lại có thể mang ra tất cả các bảng stops’” (You know, it’s
great when you’re a private guy, and you can just pull out all the
stops). “Pull out all the stops” là một cách nói ám chỉ làm được tất cả
mọi việc để thành công, giống như ‘mở hết phím’ hay nút stops của đàn
ống (organ) cùng một lúc để âm thanh phát ra thật lớn.
Barro
thêm rằng: trong tất cả các bài học trong ‘Art of the Deal’, đây có thể
là bài học soi sáng rõ ràng nhất cho chiến dịch tranh cử của ông Trump.
Thắng cử rồi, TT Trump phải đối đầu với giới truyền thông, vốn không ưa khuynh hướng siêu bảo thủ của ông.
Ít
người để ý tới một điểm quan trọng về nước Mỹ: đó là nước này tuyệt đối
không có Bộ Thông Tin như hầu hết các nước khác. Theo nguyên tắc dân
chủ về “check and balance” thì chính phủ không được phép dùng một cơ
quan nào để tuyên truyền trong nước. Trong thời chiến tranh lạnh, Mỹ chỉ
có USIA (United States Information Agency) – trong đó có Đài VOA – mục
đích chính là nhằm tuyên truyền ở ngoại quốc.
Cho
nên, các tổng thống Mỹ luôn ở vào thế thủ vì không có một công cụ nào,
dù chỉ là một đài rađiô, một kênh TV, hay một tờ báo để phản biện khi bị
truyền thông chỉ trích.
Chúng
tôi còn nhớ mùa tranh cử năm 1960: TT Eisenhower đang có uy tín lớn,
bổng xẩy ra vụ U-2 ngày 1 Tháng Năm (máy bay trinh thám Mỹ bị Nga bắn
rơi): báo chí tấn công, làm ông làm giảm nhiều uy tín. Tôi cho rằng sự
kiện này đã đóng góp phần nào vào việc Đảng Dân Chủ thắng cử với ông
John F. Kennedy làm tổng thống năm 1960.
Tới
lần ông Kennedy, đang danh tiếng về thắng cuộc trong vụ Liên Xô đặt hỏa
tiễn ở Cuba thì bị báo chí tấn công là đã can thiệp quân sự trực tiếp
vào Việt Nam mà che dấu nhân dân và quốc hội.
Trong
cuốn ‘Khi Đồng Minh Nhảy Vào’ (trang 467-468) chúng tôi đã kể lại câu
chuyện về một số nhà báo Mỹ ngồi uống bia trước khách sạn Majestic ở Sài
gòn phát hiện ra một chiếc tầu Mỹ phun khói đen, lù lù tiến vào cảng
Sàigòn. Khi khói đen dần dần tan đi thì mấy chiếc trực thăng trên boong
tầu lộ hẳn ra: thế là những bản tin nóng cứ ùn ùn về tới Washington là
đã có bằng chứng ông Kennedy sắp mang quân vào Việt Nam.
Tới
TT Johnson: ông cầm cự để leo thang cuộc chiến được ba năm, cho tới khi
phóng viên nổi tiếng Walter Cronkite của đài CBS tỏ ra thất vọng về
cuộc chiến (sau Tết Mậu Thân), ông nói: “Tôi đã mất Cronkite là đã mất
tất cả tầng lớp trung lưu của nước Mỹ.” Rồi ông quyết định không ra ứng
cử nữa.
Về
Tổng Thống Nixon thì ta đều đã biết rằng vì tờ Washington Post đào
thật sâu vụ Watergate nên đã dẫn đến việc Nixon phải từ chức.
Đi bước trước
Sau
Nixon, thì các tổng thống từ Ford tới Bush Cha, Bush con, Clinton,
Obama đều phải o bế giới truyền thông, vì trên thực tế, đây chính là
trục quyền lực thứ tư trong ‘tứ trụ triều đình’ – “The Power That Be.”
Bây
giờ ông Trump hành động ngược lại, biết chắc rằng truyền thông sẽ dùng
vụ Putin và bầu cử 2016 để dồn mình vào cái thế giống như Nixon, ông
Trump đã đi bước trước: tự đặt mình vào thế công, đưa truyền thông vào
thế thủ.
Đi
xa hơn, ông còn sử dụng truyền thông để có lợi cho mình: dùng Tweet để
đả kích truyền thông. Không cần Bộ Thông Tin mà hiệu quả lớn hơn nhiều
vì nó lán đi thật nhanh tới bảy tám chục triệu người. Nhân dân Mỹ lại
rất thích xử dụng Tweet vì chiều dài sự chú ý của họ (attention span)
rất là vắn vỏi: thí dụ như đài TV chỉ chậm vài giây là người xem đã bấm
sang đài khác.
Ông
Trump Tweets hằng ngày từ sáng sớm: nay nói thế này mai nói thế khác,
nhiều khi còn nói sai, nói ngược lại chính mình. Hậu quả là đã gây nên
một tình trạng rối ren, lẫn lộn, làm lạc hướng. Tờ Washington Post trích
dẫn bản tin Fast Checker sưu tầm được 6,420 lời ông tuyên bố sai lầm
hay làm lạc hướng trong 649 ngày tính tới 30/10/2018.
Ông đã cố ý làm như vậy? Rất có thể, vì có lẽ ông đã áp dụng mấy thủ thuật sau đây của Tôn Tử:
1. ‘Sấn hỏa đả kiếp:’ theo lửa mà hành động.
Có
nghĩa là lợi dụng tình hình rối ren mà hành động theo ý muốn của mình.
Nếu có lửa sẵn thì tốt, nếu không có thì phải ‘phóng hỏa’: chính mình
gây ra sự rối loạn.
Điểm
này thì đã lộ ra ngay từ đầu nhiệm kỳ Trump: vừa vào Tòa Bạch Ốc, ông
đã phóng hỏa ký ngay một pháp lệnh về vấn đề cấm nhập cư, di cư.
Chỉ
thị này lập tức gây nên xáo trộn, một tình huống rối ren: từ các phi
trường ở ngoại quốc, nhiều người bị chận lại không được lên máy bay để
đi Mỹ dù đã có visas. Tại các phi trường trong nước: bao nhiêu người –
dù có thẻ xanh – cũng vẫn không được vào thành.
Lệnh
này quá bất chợt: truyền thông tấn công ào ạt, cho là ông kỳ thị chủng
tộc, mầu da, và chống đối Hồi Giáo, những vấn đề gây xúc động.
Cùng với mưu kế ‘sấn hỏa đả kiếp’ còn có:
2. ‘Đả thảo kinh xà’: đập vào cỏ làm cho rắn giật mình, sợ hãi.
Ý
nói làm điều gì cho thật kỳ lạ, ngoạn mục để kích động đối phương.
Chiến thuật của Trump là kích động truyền thông để gây nên phản ứng.
Nhưng
khi phản ứng quá mức thì sẽ mất bình tĩnh, mất sáng suốt, nhiều khi còn
bị hố, như đã xảy ra với một số bình luận gia trên truyền hình, dẫn đến
mất uy tín, hoặc bị mất việc.
Như Tôn Tử viết: “Đem mồi ra nhử địch, gây nên rối loạn để đè bẹp kẻ địch.”
Truyền thông đả kích, ông Trump có lợi.
Chi
phí quảng cáo trên TV trung bình cho một “spot” (khoảng từ 30 tới 60
giây) là $8,286 (Fox News) và $ 5,467 (CNN). Quảng cáo cả trang ở sau tờ
Washington là $30,734 (ngày thường) và $33,392 (ngày Chủ Nhật). Theo
cách nhìn của ông Trump thì ông được quảng cáo ‘free’ trên tất cả các
phương tiện truyền thông, và hầu như hằng ngày.
Truyền
thông luôn cần tin tức sốt dẻo để phát sóng, và phải làm cho thật nhanh
– đài này trước đài kia. Ông viết trong Art of the Deal: “Có một điều
tôi đã học được về giới truyền thông, đó là họ luôn đói tin về sự kiện,
càng giật gân càng tốt. Đó là bản chất công việc của họ, và tôi hiểu
được điều này. Vấn đề là nếu bạn hành động một cách kỳ lạ, thêm một chút
lăng mạ, xúc phạm, hoặc nếu bạn làm những điều táo bạo, hoặc gây nên
tranh luận (bold or controversial) thì báo chí sẽ viết về bạn.”
Ông
cho rằng: chính vì truyền thông đả kích nên ông đả kích lại: “Theo cách
tôi thấy, những người phê bình tôi có thể nói những gì họ muốn về công
việc của tôi, vậy tại sao tôi không thể nói những gì tôi muốn nói về
họ?”
Nhưng
dù là ‘Bad press’ (báo đưa tin xấu, phê phán) thì ông vẫn có lợi: “Đứng
về phương diện thương mại thuần túy, cái lợi được viết về mình thì trội
hơn nhiều những bất lợi. Đây thật là đơn giản… Chuyện buồn cười là dù
đó là một tin tức phê phán, chê bai, có thể làm tổn thương cá nhân bạn,
nhưng nó lại rất có lợi cho việc kinh doanh của bạn.”
John
Barro (New York Times) kể lại là năm 1980, ông bị báo chí chỉ trích
nặng nề vì đã phá bỏ những cấu trúc bên trong của thương xá lịch sử
Bonwit Teller để khỏi làm chậm tiến độ của Trump Tower. Tuy nhiên, những
chỉ trích nặng nề lại giúp cho Trump Tower được nhiều người chú ý nên
đã thành công: “Tôi học được rất nhiều qua kinh nghiệm này” ông Trump
viết, “Nếu họ quảng cáo tốt cho bạn thì tốt hơn là viết xấu về bạn,
nhưng xét cho cùng thì đôi khi nói xấu còn hơn là không nói gì. Nói tóm
lại, tranh luận giúp bạn bán được hàng (Controversy, in short, sells).”
3. ‘Vô trung sinh hữu’: không có mà làm thành có.
Ông Trump luôn lên án truyền thông là “kẻ thù của nhân dân.” Đây là một chuyện chưa bao giờ có, không ai phán đoán như vậy.
Nhưng ông cứ lập đi lập lại, nên nó đã trở thành một tình huống, một phán xét có ảnh hưởng tới danh dự của truyền thông.
Anthony
Zurcher (BBC) bình luận về khả năng độc đáo của ông Trump là cáo buộc
truyền thông là ‘kẻ thù của nhân dân:’ điều này đã tạo lên nên sự phẫn
nộ. Lần thứ hai, thứ ba và thứ tư ông dùng cụm từ này, thiên hạ cho là
điều đó hầu như không xứng đáng với một cái nhún vai. Nhưng bây giờ,
loại ngôn ngữ đó – nếu đó là một vấn đề – thì là một vấn đề cho các
phương tiện truyền thông phải sửa chữa chứ không phải vấn đề của ông
Trump.
Cụm
từ thứ hai là “fake news” (tin giả), nhằm đánh mạnh vào danh dự của
truyền thông. Mới đầu thì ông bị phê phán là ngạo mạn, nhưng Trump cứ
nói mãi thì lại có hậu quả là gieo sự nghi ngờ báo chí vào lòng người.
Ngày nay thì nó đã trở thành câu nói thường xuyên ở cửa miệng nhiều
người: hễ cứ nghe tin gì giật gân chống Trump là nói “fake news.”
Zurcher
còn trích dẫn một cuộc thăm dò của CBS News cho thấy tới 91% số “người
ủng hộ ông Trump mạnh mẽ” nói họ tin tưởng là ông Trump luôn cung cấp
cho họ những tin chính xác. Chỉ có 11% nhận định như vậy về truyền
thông.
4. ‘Khích tướng kế’ : chọc giận tướng giặc.
Trong
giới truền thông thì CNN đứng vào hàng tướng lãnh. Ngay từ đầu, ông
Trump đã nhắm vào CNN. Chúng tôi cho rằng: hành động của ông mới đây về
việc tước thẻ của phóng viên CNN Jim Acosta thì không phải là bất chợt
mà đã được tính toán từ trước: ông Trump đã chuẩn bị để có cơ hội thuận
tiện dằn mặt hãng này và các hãng khác theo cách : “sát nhất nhân, vạn
nhân cụ”.
Tin mới nhất cho hảy thẻ của Jim Acosta được phục hồi theo lệnh của tòa án.
Ván bài đảo ngược?
Đó
là tình huống trong hai năm qua. Bây giờ sân khấu chính trường Mỹ đã mở
ra một màn kịch mới với nhiều diễn viên thuộc Đảng Dân Chủ: trẻ trung,
đầy sinh lực, đầy tức giận. Họ sẽ vận động để giữ chức chủ tịch của các
ủy ban quan trọng tại Hạ Viện và mở ra những cuộc điều tra về ông tổng
thống.
Ngoài
vụ bầu cử 2016, điều tra sẽ nhắm vào những điểm yếu của Trump: thí dụ
như sau bốn lần phá sản, tại sao các ngân hàng vẫn cho ông vay tiền để
làm giầu? Tại sao ông không chịu công bố hồ sơ thuế cá nhân? Ông đã
tránh thuế (tax avoidance) hay trốn thuế (tax evasion)? Tránh hay lách
thuế thì OK nhưng trốn thuế thì có tội.
Và nếu có bằng chứng rõ ràng qua các cuộc điều tra thì liệu chiêu bài “fake news’ của ông có còn hữu hiệu nữa hay không?
Bỗng nhiên ván bài đổi ngược.
Hoàn cảnh đã dồn ông Trump vào cái thế thủ: ban ngày ông sẽ nhức đầu hơn, ban đêm, mất ngủ nhiều hơn.
Chúng
tôi đi thăm ngôi trường cũ – Đại học Virginia (UVA) – ở
Charlottesville, nơi có khủng hoảng da mầu, biểu tình trong mấy năm qua.
Nhiều người ở đây cho rằng chính vì ông Trump quá khích nên đã ảnh
hưởng nhóm người quá khích, gây nên bạo động? Đây là một vấn đề hết sức
bén nhậy.
Như vậy, trong hai năm còn lại của nhiệm kỳ một, ông Trump sẽ hành động ra sao?
Rất có thể ông sẽ phải xuống thang về các chính sách nhập cư, bảo hiểm sức khỏe, cắt thuế, giá thuốc, Iran, NATO.
Đối
với Trung Quốc có thể ông sẽ áp dụng kế sách “Dương Đông Kích tây” để
đánh lạc hướng. Đối thủ không biết ông sẽ làm gì: lúc thì khép chặt cửa
đối với Bắc Kinh, lúc lại mở, mở rồi lại đóng.
Hành
động như vậy là vì có xác xuất cao là ông sẽ dùng kinh tế để áp lực
ông Tập phải nhượng bộ về Biển Đông. Lý do là vì quyền lợi chiến lược
lâu dài của Mỹ ở khu vực này còn quan trọng hơn cả quyền lợi về mậu
dịch. Như cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Leon Panetta đã tuyên bố: “Hoa Kỳ
đã dính líu thật lâu và thật sâu đậm với Á Châu-Thái Bình Dương. Dù
chúng tôi bất bình với nhau hay hài hòa với nhau, dù thặng dư ngân sách
hay phải đi vay nợ. Chúng tôi đã ở nơi đây, chúng tôi đang ở nơi đây
ngay bây giờ, và chúng tôi sẽ ở lại nơi đây trong tương lai ” (‘Khi Đồng
Minh Nhảy Vào’ Chương 27: “Mỹ Đi Rồi Mỹ Lại về”).
Tuy nhiên, mưu lược của Trung Quốc – nơi sinh ra Tôn Tử – thì cũng không phải vừa.
Chắc chắn rằng: trong những ngày tháng tới, cả thế giới sẽ theo rõi trận đấu mới giữa Trump và Tập.
Ngay
tới đây, hai ông sẽ gặp nhau ở hội nghị G20 tại Argentina sau khi ông
Tập và người phó của TT Trump là Mike Pence đã va chạm nhau công khai ở
APEC, Papua New Guinea.
Chúng ta hãy chờ xem bên nào sẽ thắng cuộc?
Nguyễn Tiến Hưng
(Người Việt)
Không có nhận xét nào