Header Ads

  • Breaking News

    Dạy Trẻ biết cách ứng xử với đồng tiền từ nhỏ

    Tôi đã từng dành rất nhiều thời gian để suy nghĩ, nghĩ về tuổi thơ của mình, của em gái, của bố mẹ, ông bà và cả những người bạn xung quanh tôi, họ sử dụng đồng tiền như thế nào? Hàng ngày, tôi không ngừng đọc sách, học hỏi… vạch ra một chiến lược giáo dục trọn vẹn nhất cho 2 con để chúng hiểu về tiền, giá trị của đồng tiền, cách tiêu tiền sao cho thông minh để mỗi 1 đồng chúng tiêu sẽ kiếm được hơn 1 đồng thu về.

    Hình minh họa
    Dưới đây là 8 lưu ý tôi vạch ra trong bản kế hoạch dạy con về tiền bạc và cách quản lý tiền bạc trong tương lai. Tôi viết bài này từ góc nhìn của một người con, một người chị, một người bạn, một người từng có thời gian làm việc trong một công ty tài chính, một người từng tiếp xúc với nhiều người thành công trong cách quản lý tiền bạc và cách dạy con… và một người mẹ rất am hiểu tâm lý con cái mình.

    Ban đầu, sẽ có những điều tôi viết dưới đây hơi quá tầm so với nhận thức của một đứa trẻ. Nhưng, đừng vì sợ con không hiểu mà không dạy! Hôm nay có thể nó không hiểu, nhưng ngày mai ra đường, gặp tình huống tương tự, nó sẽ ngẫm ra những gì bạn từng nói là đúng!

    1. DẠY CON NHẬN BIẾT MỆNH GIÁ TIỀN
    (3-7 tuổi)

    Đây là bài học vỡ lòng về tiền mà bất cứ đứa trẻ nào cũng nên được học từ khi đã hiểu về số đếm. Việt Nam hiện nay có các tờ tiền mệnh giá 500 đồng, 1000 đồng, 2000 đồng, 5000 đồng, 10.000 đồng, 20.000 đồng, 50.000 đồng, 100.000 đồng, 200.000 đồng và 500.000 đồng. Việc bạn cần dạy con không chỉ là cách nhận biết "Đây là tờ 5000 đồng, đây là tờ 100.000 đồng, đây là tờ 500.000 đồng..." mà nên nâng cao dần lên: “2 tờ 5000 nghìn sẽ bằng 1 tờ 10.000 đồng, 5 tờ 100.000 đồng sẽ bằng 1 tờ 500.000 đồng, v..v..”

    Đối thoại với con, đặt ra các tình huống mua bán để dạy con cộng trừ tiền:
    - Mẹ ví dụ: con đi mua sách hết 13.000 đồng. Con đưa cho cô bán hàng 20.000 đồng. Vậy cô bán hàng phải trả con bao nhiêu?
    - Dạ, 7000 đồng ạ!
    - Có tờ tiền mệnh giá 7000 đồng không?
    - Dạ không ạ!
    - Vậy, theo con, cô bán hàng nên trả con thế nào?
    - 1 tờ 5000 và 1 tờ 2000 ạ!
    - Con nghĩ xem có còn cách nào khác không?
    - 1 tờ 5000 và 2 tờ 1000 ạ!
    - Giỏi lắm. Còn cách khác không con? Nhỡ đâu cô ấy không có tờ 5000 thì sao?
    - Dạ, vậy thì cô ấy nên đưa cho con 3 tờ 2000 và 1 tờ 1000 ạ!
    - Rất tốt! Nhưng mẹ vẫn nghĩ ra được 3 cách nữa! Con suy nghĩ xem!
    - À, 7 tờ 1000 phải không mẹ?
    - Chính xác rồi! Và cả 14 tờ 500 đồng nữa. Nhưng, nhỡ chẳng may cô ấy không có bất cứ tờ 1000, 2000, 5000 nào mà chỉ có tờ 10.000 thôi thì phải làm sao hả con?

    Tình huống này có thể sẽ làm khó những bé còn quá nhỏ. Trong trường hợp đó, mẹ hãy hướng dẫn bé:
    - Vào tình huống đó, con hãy kiểm tra xem trong ví của mình có 3000 không?
    - Để làm gì hả mẹ?
    - Cô ấy chỉ cần đưa cho con tờ 10.000 đồng và con trả lại cô ấy 3000 đồng là được mà đúng không?
    - Ôi, đúng rồi ạ! Nhưng nhỡ con không có 3000 đồng thì sao?
    - Vậy thì con hãy cầm 10.000 đó sang hàng bên cạnh đổi tiền. Theo con, chúng ta nên đổi thế nào để có 3000 đồng trả lại cô bán hàng?
    - Con sẽ đổi lấy 1 tờ 5000 đồng, 2 tờ 2000 đồng và 1 tờ 1000 đồng ạ!
    - 10 tờ 1000 có được không?
    - Dạ được ạ. Nhưng như thế sẽ phải cầm nhiều tờ tiền, dễ bị rơi và tốn diện tích trong ví đựng tiền của con, mẹ đã dạy con thế mà!
    - Tốt lắm! Con của mẹ rất thông minh! Nhớ nhé. Ngay sau khi đổi tiền phải ngay lập tức trở lại cửa hàng sách, trả tiền cho cô bán sách. Không được quên, không được ăn bớt của họ dù chỉ 1000 đồng. Con nhớ chưa! Như vậy là người xấu, không tốt đâu!

    2. DẠY CON VỀ BẢN CHẤT CỦA ĐỒNG TIỀN
    (7-10 tuổi)

    Để làm được điều này, bạn cần giúp con hiểu tiền là gì? Tiền ra đời nhằm mục đích gì?

    Phần lớn bọn trẻ khi được hỏi và chúng sẽ trả lời như sau:
    - Theo con tiền là gì?
    - Tiền để mua đồ chơi, đồ dùng...

    Bởi vì chúng chưa thực sự hiểu nguồn gốc tại sao người ta lại phát minh ra đồng tiền. Vậy, hãy làm như tôi nói, kể cho chúng một câu chuyện đơn giản để chúng dễ hình dung:
    - Nhà bạn A có nuôi 1 đàn gà. Bạn A mất 4 tháng để chăm sóc đàn gà lớn lên. Nhà bạn B có trồng 1 ruộng rau. Chỉ sau 1 tháng, ruộng rau đã xanh mướt mắt. Nhà bạn A lại chỉ có gà nên bị thiếu rau xanh. Nhà bạn B chỉ ăn rau và bị thiếu thịt. Thế là 2 nhà mới mang rau và gà đổi cho nhau! Nhưng, vấn đề ở chỗ, công sức bỏ ra để nuôi 1 con gà cực nhọc hơn gấp nhiều lần so với trồng 1 luống rau. Nuôi gà mất 4 tháng, mà trồng rau mất 1 tháng thôi. Giá trị của gà rõ ràng cao hơn giá trị của rau nên nếu đổi 1 con gà lấy rau thì phải được 4 thúng rau liền. Nhưng, 4 thúng rau thì nhà bạn A không thể ăn hết được mà để lâu sẽ bị hỏng. Và thế là tiền được phát minh ra để giải quyết tình huống đó. Tiền chính là vật ngang giá chung để đổi lấy gà và rau mà không để xảy ra tình trạng đổi gà được quá nhiều rau đó! Theo đó, bạn A sẽ mua rau nhà bạn B hết 5000 đồng. Bạn B mua gà nhà bạn A hết 100.000 đồng.
    - Vậy, chỉ cần chúng ta sản xuất ra nhiều tiền thì muốn mua gì cũng được phải không mẹ?
    - Con muốn mua những gì mà con thích, đúng là con cần KIẾM được nhiều tiền. Nhưng không thể sản xuất ra nhiều tiền được!
    - Tại sao thế ạ?
    - Sản xuất tiền thuộc quyền của nhà nước, không phải quyền của chúng ta! Những đồng tiền không phải do nhà nước sản xuất ra, đều được coi là tiền giả!
    - Vậy, nhà nước chỉ cần sản xuất thật nhiều tiền và phát cho người dân là được mà!
    - Nhà nước Việt Nam đã từng làm như thế đấy. Và con có biết kết quả như thế nào không?
    - Như thế nào ạ?
    - Chúng ta đã bị khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Nhân dân rơi vào nghèo đói, túng quẫn. Và đồng tiền không có giá trị.
    - Sao lại thế ạ? Có nhiều tiền thì phải giàu chứ mẹ?
    - Theo con, tiền để làm gì? Có phải dùng để đổi lấy gà, rau, quần áo, đồ dùng, sách vở.... không?
    - Đúng ạ.
    - Vậy khi không có rau, không có gà, không có quần áo, đồ dùng, sách vở... không có tất cả những thứ tương tự như thế, người ta còn cần tiền nữa không? Mẹ ví dụ nhé. Bây giờ, mẹ cho con 1 bao tiền. À không, 1 xe ô tô tải tiền đi! Sau đó, mẹ đưa con cùng số tiền đó vào sống trong 1 hoang đảo không có người ở. Chẳng có gì để ăn, không có nước ngọt để uống. Nhưng con có rất nhiều tiền. Con đồng ý không?
    - Không đâu!
    - Tại sao vậy?
    - Vì con sẽ chết đói mất!
    - Đúng rồi! Khi đó, dù con có nhiều tiền đến thế nào, con cũng sẽ chết vì đói khát. Mẹ lại cho con 1 tình huống nữa. Nếu nhà mình chỉ còn duy nhất 1 con gà để ăn. Xung quanh mọi người đều chết đói, không ai còn gì để ăn cả. Họ chỉ có tiền thôi. Họ muốn mua con gà đó của nhà mình với giá rất đắt. Theo con, có nên bán gà không?
    - Không ạ. Dù họ có chở 2 ô tô tải tiền đến con cũng không bán đâu. Vì nếu bán gà, nhà mình sẽ chết đói không còn gì để ăn cả.
    - Đúng vậy. Tiền khi đó có nhiều cũng chẳng để làm gì, chỉ là một mớ giấy lộn vì nó không thể ăn được. Chúng ta không ăn được tiền. Tiền chỉ có giá trị khi nhà bạn A có rất nhiều gà cần bán để mua rau, nhà bạn B có rất nhiều rau cần bán để mua gà... Rau và gà được gọi là hàng hóa. Giá trị ảo của đồng tiền gắn liền với sự phát triển của nền kinh tế, của những giá trị thật – của sức mua, của hàng hóa... Thực chất nó là như vậy đó!

    3. DẠY CON BIẾT QUÝ TRỌNG ĐỒNG TIỀN

    Nếu bạn nói với con rằng: "Kiếm tiền không dễ đâu! Con phải biết quý trọng từng đồng tiền, vì nó là mồ hôi công sức của bố mẹ!".

    Theo bạn, con bạn có làm theo những gì bạn nói không? Câu trả lời là không!

    Bọn trẻ sẽ chỉ hiểu được giá trị của tiền, quý trọng tiền và chi tiêu hợp lý khi là người trực tiếp kiếm tiền bằng sức lao động của mình. Ở đây, sức lao động chính là thứ để chúng mang ra đặt lên bàn cân so sánh và định giá tiền. Khi chúng phải bỏ nhiều sức lao động, bỏ nhiều chất xám để kiếm ra tiền, thì giá trị của tiền đối với chúng càng lớn.

    Nhưng, bạn lại không thể bắt chúng ra đường xin việc làm để kiếm tiền được! Vậy phải làm thế nào?

    Hãy cho chúng tập lao động và trả tiền công xứng đáng trong chính ngôi nhà bạn! Đó cũng là cách mà người Do Thái đã áp dụng để dạy con trẻ.

    Có phải bạn lo lắng rằng: Nếu bạn trả công cho bọn trẻ khi chúng làm việc nhà, chúng sẽ trở thành người thực dụng và quá tính toán với những người trong gia đình không? Tôi nghĩ, bạn rõ ràng rất có lý khi lo lắng như vậy, nhưng tin tôi đi, nỗi lo của bạn thực ra không đáng sợ đến như vậy, chỉ cần chúng ta biết cách điều chỉnh. Hơn nữa, tôi muốn cho cho chúng nhận ra 1 điều rằng: giữa tiền bạc và tình cảm cần phải có sự rõ ràng, sòng phẳng. Dù là chị em ruột thịt, khi lớn lên lập gia đình riêng, chẳng có lẽ bạn cứ thoải mái đi vay tiền của anh chị em bạn mà vô tư đến độ không buồn trả lại? Đó rõ ràng là việc không nên làm!

    Thêm nữa, nếu bạn làm đúng như những gì tôi nói dưới đây, con bạn đặc biệt sẽ vừa được học về tiền, hiểu rõ giá trị của tiền, nhanh nhạy trong việc kiếm tiền nhưng lại càng yêu thương và biết ơn bố mẹ mình!

    Suri và Suboi sẽ được tôi cho tập làm quen với việc nhà bắt đầu từ năm 3 tuổi. Bao gồm những công việc đơn giản như: Nấu cơm, rửa bát, quét nhà, lau nhà, cọ rửa bồn cầu, đổ rác, nhặt rau, giặt giũ...

    Đến năm 9 tuổi (kỳ 2 năm lớp 3) khi bọn trẻ bắt đầu nảy sinh nhiều nhu cầu liên quan đến chi tiêu tiền. Tôi sẽ bắt đầu áp dụng bảng phân công công việc và trả công như đã lập từ trước. Theo đó, thứ 2, thứ 4, thứ 6 Suri và Suboi có trách nhiệm nấu cơm và rửa bát. Thứ 3, 5 trách nhiệm đó thuộc về bố. Thứ 7, Chủ nhật thuộc về mẹ.

    Nếu bọn trẻ làm việc theo đúng sự phân công (thứ 2, 4, 6), chúng sẽ không được tiền. Vì đó là trách nhiệm, nghĩa vụ tất yếu của chúng đối với bản thân và gia đình. Nhưng, nếu chúng xung phong làm việc vào những ngày không có trong sự phân công. Những ngày đó thuộc nghĩa vụ của bố và mẹ (thứ 3, 5, 7, Chủ nhật), chúng sẽ được bố mẹ trả công vì đã làm thay phần bố mẹ. Theo đó:
    - Nhặt rau: 5000 đồng.
    - Rửa bát: 10.000 đồng.
    - Nấu cơm 5000 đồng/ 1 món.
    - Nấu cả bữa 20.000 đồng.
    - Quét nhà: 10.000 đồng.
    - Lau nhà: 10.000 đồng.
    - Cọ bồn cầu 10.000 đồng.
    - Cọ cả nhà vệ sinh 20.000 đồng.
    - Giặt quần áo thay phần bố mẹ 10.000 đồng.

    Những công việc để phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày của bản thân chúng sẽ không được tính (vệ sinh cá nhân, dọn dẹp phòng riêng, tự giặt quần áo cá nhân...)

    Trong trường hợp, nếu gặp tình huống tiền chúng vừa tiết kiệm được đã tiêu hết, nhưng ngay buổi tối hôm đó, chúng cần đi dự sinh nhật bạn, cần 1 món tiền để mua quà. Hãy ứng trước cho chúng một số tiền và sau đó, chúng sẽ phải làm việc để trừ nợ!

    Bản thân chúng khi đó sẽ tự có những tính toán, hình dung, liên tưởng và xin mẹ ứng trước 1 lượng tiền vừa đủ để sao cho những ngày sau chúng không phải làm việc quá vất vả để trừ nợ!

    Ví dụ, khi xin mẹ 30 nghìn, chúng sẽ nghĩ "30 nghìn bằng 6 buổi nhặt rau/ 3 buổi rửa bát/ 3 buổi quét nhà/ vừa nấu cơm vừa rửa bát 1 buổi. Nhưng nếu xin 60 nghìn, mình sẽ phải nhặt rau những 12 buổi/ Rửa bát 6 buổi/ nấu cơm 3 buổi... Trời ơi, mệt vãi. Thôi, xin 30 nghìn thôi!"

    Suy nghĩ đó, chính là mục đích mà tôi muốn hướng đến khi cho con làm việc nhà và trả công! Bởi, khi chúng nghĩ được như vậy, chính là chúng đã có trách nhiệm với mỗi đồng tiền mà chúng tiêu và hiểu được giá trị của đồng tiền!

    Thực tế, phương pháp dạy con cách kiếm tiền này còn nảy sinh nhiều tình huống vô cùng thú vị khác nữa.

    Ví dụ: Khi chúng đã làm việc hết phần của bố mẹ mà vẫn chưa kiếm đủ số tiền chúng cần. Chúng sẽ tự thỏa thuận với nhau rồi trả tiền nhau.

    Ví dụ: Thứ 2 là ngày nấu cơm rửa bát của Suri nhưng Suboi lại gạ gẫm chị.
    - Chị để em rửa bát cho, chỉ cần trả em 3000 là được! Chị để em nấu cơm cho, em chỉ cần 5000 thôi!
    Hoặc, cả hai cùng cần tiền, chúng sẽ cùng làm và tiền công chia đôi!

    Trong trường hợp vào ngày chúng phải làm việc nhưng lại bận đột xuất chúng sẽ tự biết đổi lịch cho nhau hoặc nhờ bố mẹ làm giúp và trả tiền bố mẹ. (Đừng vội nghĩ như thế là xấu).

    Thực tế sẽ nảy sinh vô vàn những tình huống khiến cho tư duy về tiền bạc của chúng phát triển rất tốt. Khi lớn lên chúng trở thành những người làm chủ được đồng tiền và rất nhanh nhạy trong việc kiếm tiền.

    Để chúng làm việc nhà và trả công còn có tác dụng gì? Chúng sẽ định liệu được sự vất vả của cha mẹ trong việc kiếm tiền.

    Ví dụ: khi chúng nhìn vào tờ giấy thông báo đóng học phí. Số tiền lên tới 1 triệu đồng. Theo thói quen, chúng sẽ ngồi nhẩm tính để quy ra số lần rửa bát, số lần nhặt rau... 1 triệu đồng tương đương với 100 lần rửa bát/ 200 buổi nhặt rau! Và chúng sẽ thốt lên vì kinh sợ. Cũng từ đây, chúng sẽ nảy sinh tâm lý ngại ngùng khi phải xin tiền bố mẹ. Bởi vì để bỏ 1 triệu ra đóng học phí cho chúng, bố mẹ hẳn đã vất vả rất nhiều! Cũng từ đây, chúng bắt đầu hình thành suy nghĩ mình phải tự lập, không dựa giẫm vào bố mẹ!

    Đặt trong trường hợp, bọn trẻ không lao động mà vẫn được bố mẹ cho tiền đều đều thì sao? Đặc biệt là khi chúng xin bao nhiêu, bố mẹ cho từng ấy, thậm chí cho nhiều hơn? Bạn sẽ nhận thấy càng ngày chúng càng xin bạn nhiều lên. Hôm nay xin 10 nghìn, ngày mai 20 nghìn, tháng sau 30 nghìn, sau nữa 50.000, rồi 100.000 nghìn...

    Bạn càng dễ dãi trong việc cho con tiền tiêu, chúng sẽ càng nảy sinh ý muốn xin tiền bạn nhiều lên và bắt đầu có biểu hiện thích thể hiện "con nhà điều kiện" ở lớp. Chúng sẽ dùng tiền của bố mẹ mua đồ chiêu đãi bạn bè hết lần này đến lần khác mà không biết tiếc tiền. Đặc biệt, chúng sẽ vô tư tiêu tiền mà không mảy may nghĩ ngợi gì bởi với chúng, bố mẹ chúng kiếm tiền có vẻ rất dễ dàng. Bạn còn nhớ đến trường hợp cô bạn cùng lớp của em gái tôi chứ? Đó chính là 1 ví dụ điển hình. Khi bố mẹ cho tiền chúng quá dễ dàng, chúng sẽ nghiễm nhiên nghĩ rằng "chu cấp tiền cho con cái là nghĩa vụ và trách nhiệm của bố mẹ", chỉ cần chúng đòi, bố mẹ phải cho!

    Khi tiêu tiền xin được của bố mẹ đã thành quen, chúng nảy sinh lười lao động. Ví dụ: Bình thường chúng mở miệng xin bố mẹ 3 triệu đồng dễ như không. Ấy vậy mà sau khi tốt nghiệp đại học, vào làm ở cơ quan nhà nước, làm bục mặt cả tháng mới được ngần ấy tiền. Chúng dễ dẫn tới chán nản muốn bỏ việc về nhà xin tiền bố mẹ còn hơn.

    4. DẠY CON CÁCH CHI TIỀN HỢP LÝ

    Kiếm tiền và chi tiền là 2 việc song song nhau nên bạn phải đồng thời dạy bọn trẻ cùng một lúc. Tôi có tham khảo vài cuốn sách có đề cập tới phương pháp quản lý tiền bạc và chi tiêu hợp lý. Theo đó, có một cách quản lý tiền bạc dành cho trẻ em mà tôi thấy khá hay đó là chia tiền vào trong 6 chiếc lọ. Tuy nhiên, để nó khả thi hơn, tôi sẽ chỉ tạm thời cho con học cách quản lý ngân sách của chúng qua 4 cái lọ. Để bắt đầu, bạn hãy sắm cho chúng mỗi bé 4 cái lọ. Trên 4 lọ lần lượt được dán chữ:
    - chi tiêu
    - tiết kiệm
    - từ thiện
    - đầu tư

    Mục đích để làm gì? Để chúng bỏ số tiền mà chúng kiếm được thông qua làm việc nhà vào những chiếc lọ đó. Bạn hãy phổ biến luật chơi sau đó tùy chúng quyết định.

    Luật chơi mà tôi đưa ra là:
    - Nếu chúng bỏ tiền vào lọ tiết kiệm, sau mỗi tháng, bạn hãy cho thêm chúng 5000 đồng vào lọ đó.
    - Nếu chúng bỏ tiền vào lọ đầu tư, sau mỗi tháng hãy cho chúng thêm 15.000 đồng vào lọ đó.
    - Nếu chúng bỏ toàn bộ tiền kiếm được vào lọ chi tiêu, chúng sẽ không được cho thêm đồng tiền nào cả.
    - Nếu chúng bỏ tiền vào lọ từ thiện, chúng cũng sẽ không nhận được thêm đồng tiền nào nhưng hãy cho chúng những lời khen ngợi để chúng vui mừng khi vừa làm được 1 việc tốt.

    Bạn yên tâm, bọn trẻ rất thông minh, tôi tin chắc với luật chơi này, chỉ sau vài tháng, số tiền trong lọ đầu tư sẽ đầy ú ụ! Bởi chúng biết, chỉ có bỏ tiền vào lọ đầu tư, chúng mới nhận được thêm nhiều tiền nhất.

    Nhưng, bạn có hiểu dụng ý của tôi không? Tại sao số tiền tôi cho thêm chúng sau mỗi tháng vào lọ tiết kiệm và đầu tư lại chênh lệch nhau đến vậy?

    Thực tế, nếu bạn có 1 khoản tiền mang gửi tiết kiệm ngân hàng, mỗi tháng, bạn sẽ nhận về 1 khoản lãi nho nhỏ nhưng chẳng đáng bao nhiêu. Nếu bạn mang tiền đi đầu tư đúng chỗ, lợi nhuận bạn kiếm được hàng tháng lớn hơn nhiều.

    Cũng từ 4 chiếc lọ này, sau 1 thời gian quan sát sự tiến bộ của con, bạn hãy nghiêm túc ngồi xuống nói chuyện với chúng và hỏi chúng tại sao chúng lại làm như thế! Sau đó, hãy giảng giải thêm để chúng hiểu rằng: Tất cả những chiếc lọ đều cần có tiền!

    Hàng ngày chúng ta đều phải chi tiêu để đảm bảo nhu cầu thiết yếu như: ăn uống, quần áo để mặc, xem tivi cần trả tiền điện, xăng xe... Bởi vậy, lọ chi tiêu không thể không có tiền! Nhưng, nếu chúng tiêu xài hoang phí quá nhiều, chúng sẽ không còn tiền để bỏ vào lọ tiết kiệm hay đầu tư nữa. Khi đó, chúng sẽ không có khoản dự trữ. Tiền làm ra đến đâu, tiêu hết đến đấy, không kiếm thêm được nhiều hơn. Thậm chí, chúng sẽ luôn thiếu thốn.

    Nếu bớt 1 đồng trong lọ chi tiêu bỏ sang lọ đầu tư, có thể chúng ta sẽ ăn ít đi, ít mua quần áo mới nhưng lợi nhuận mới sẽ được sinh ra!

    Trong lọ tiết kiệm cũng không thể để trống. Tại sao? Vì để phòng những lúc bị bệnh phải đi viện, chúng ta cần tiền để trả bác sĩ, mua thuốc, và viện phí. Chính bởi vì, chúng ta không thể biết trước điều gì sẽ xảy đến với mình vào ngày mai, cho nên phải tiết kiệm.

    Còn lọ từ thiện, tại sao bố mẹ nên khuyên con không nên để nó trống? Bởi vì, ngoài kia có rất nhiều người đói khổ hơn con. Hãy giúp đỡ họ. 1 đồng tiền của con có thể là cả hy vọng của gia đình họ đó! Nhưng sau cùng, giúp họ cũng chính là giúp con. Bởi vì, chúng ta đều cùng sống trên 1 đất nước. Con hãy tưởng tượng, nếu họ nghèo đói tới mức phải đi trộm cướp. Càng nhiều người đói khổ, càng nhiều trộm cướp và tệ nạn thì quả thực là không tốt rồi! Hãy giúp đỡ để họ khá lên, chúng ta sẽ cùng có 1 cuộc sống tốt hơn.

    Hoặc ví dụ như, ngày trước, đầu khu phố nhà mình, mọi người mang rác ra đó đổ rất nhiều, rất ô nhiễm. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, nhà nào cũng kêu than. Thế rồi, mẹ đứng ra quyên góp để mọi người đóng tiền trả cho 1 bác nhà nghèo hàng tháng để bác ấy mang rác tới đúng điểm tập kết. Vậy là, bác ấy cũng có thu nhập mà chúng ta đều được hưởng không gian sống trong lành! Đó chính là một trong những lợi ích của quyên góp từ thiện. Nhưng, quan trọng hơn, khi con giúp đỡ được 1 người, trong sâu thẳm tâm mình, con sẽ thấy rất vui. Đó thực sự là điều vô cùng ý nghĩa!

    5. DẠY CON CÂN NHẮC TRƯỚC NHU CẦU MUỐN VÀ CẦN

    Hãy nói với chúng rằng: khi chúng trưởng thành, kiếm được nhiều tiền, chúng có quyền mua bất cứ thứ gì chúng muốn. Nhưng, khi chúng chưa kiếm được nhiều tiền và sống phụ thuộc vào bố mẹ, hãy ưu tiên cho những nhu cầu thực sự cần thiết!

    Muốn và cần vốn dĩ rất khác nhau. Chúng ta vốn dĩ muốn rất nhiều thứ. Trong số những thứ mà ta muốn có những món đồ thuộc hàng xa xỉ phẩm rất đắt tiền. Ví dụ, tôi muốn mua cho mình 1 chiếc iphone đời mới nhất nhưng, cũng với số tiền đó, tôi có thể đăng ký 1 lớp học ngoại ngữ. Trong khi, học ngoại ngữ cần thiết hơn với tôi lúc này, tôi chọn dùng số tiền đó để đi học thay vì mua điện thoại.

    Đối với bọn trẻ, chúng cũng muốn rất nhiều thứ. Ví dụ, chúng muốn mua 1 món đồ chơi mà chúng thích. Nhưng, chúng lại đang cần mua sách tham khảo để chuẩn bị cho kỳ thi hơn. Hãy ở bên cạnh con, tư vấn cho chúng để chúng có những sự lựa chọn đúng đắn và phù hợp với ngân sách mà chúng có.

    Tôi vốn có rất nhiều bạn bè. Bạn bè tôi, có người là con nhà giàu, có người là con nhà nghèo. Đa phần, con nhà giàu thường tiêu xài rất hoang phí cũng là bởi ngay từ bé không được bố mẹ dạy cách chi tiêu và cân nhắc giữa hai nhu cầu muốn và cần. Bọn họ, khi chỉ muốn mua 1 món đồ nào đó, dù rất đắt tiền đến nỗi trong ví không đủ tiền mua nó, là sẵn sàng xin tiền bố mẹ để sở hữu nó bằng được. Bố mẹ họ lại quá thoải mái trong việc cho tiền con cái. Thế nên, họ nảy sinh tính hoang phí trong cách tiêu tiền. Bởi họ không biết quý trọng tiền bạc. Đồng tiền đó, họ có được 1 cách quá dễ dàng mà chẳng phải bỏ ra một chút sức lao động nào.

    Dần dà họ tiêu tiền không có kế hoạch, tiêu tiền bữa bãi thích gì mua nấy, hứng lên là mua có khi không dùng tới, khi đồ cần lại không có, đồ có lại không cần. Không biết cách cân đối chi tiêu cộng thêm tâm lý ngại lao động dẫn đến kinh doanh gì cũng chỉ được một thời gian là bỏ cuộc. Bởi vì ngửa tay xin bố mẹ 1 đồng thì dễ, bỏ chất xám ra kiếm 1 đồng sao khó quá! Thà xin bố mẹ còn hơn! Nhưng, có ai xin bố mẹ được cả đời không? Tiền dù có nhiều tới đâu rồi cũng hết nếu chúng ta không tự mình kiếm ra được.

    Bạn không thể sống cùng con mình cả đời, cũng không thể cho chúng 1 khoản tiền lớn đủ để chúng sống sung túc cả đời chúng. Không còn cách nào khác, bạn phải dạy chúng kiếm tiền và tiêu tiền ngay từ khi chúng còn bé.

    Hãy nhớ rằng: Đối với một đứa trẻ chỉ được cho tiền mà không được dạy cách quản lý tiền, nếu một ngày bạn ngừng cho chúng tiền, chúng sẽ có thái độ hậm hực. Đối với một đứa trẻ được dạy cách kiếm tiền dựa vào sức lao động của bản thân và quản lý đồng tiền hiệu quả, chúng sẽ rất ngại phải đi xin tiền người khác, và dù bạn có cho chúng tiền hay không, chúng cũng không hề hậm hực hay oán trách bạn đâu! Bởi chúng biết, kiếm được 1 đồng tiền không hề dễ, muốn tiêu tiền, phải bỏ sức lao động của bản thân ra để kiếm!

    6. DẠY TRẺ KIẾM LỜI TỪ MUA ĐI BÁN LẠI
    (10–14 tuổi)

    Khi chúng lớn thêm một chút, hãy bắt đầu nói cho chúng hiểu sơ lược nhất về cách kiếm tiền nhờ buôn bán. Bắt đầu từ những công việc buôn bán nhỏ. Bố mẹ có thể cho chúng đi chợ, đi siêu thị cùng và giảng giải cho chúng hiểu những người bán hàng ở chợ hàng ngày vẫn kiếm lời bằng cách nào.
    - Con có biết cô bán rau này lấy rau ở đâu để bán không?
    - Cô ấy trồng hả mẹ?
    - Có thể là do cô ấy trồng, có thể là cô ấy đi mua lại của một người khác và mang bán. Trong trường hợp cô ấy mua lại của người khác, để có lãi, nếu mua 1000 đồng cô ấy bán 4000 đồng. Con tính xem cô ấy đã kiếm được bao nhiêu tiền 1 mớ rau?
    - 3000 đồng ạ!
    - Số tiền 3000 đồng 1 mớ rau kia cô ấy sẽ phải trả 500 đồng cho phí chợ, xăng xe, công sức cô ấy bỏ ra nữa. Thế nên cô ấy sẽ chỉ lãi được 1500 đồng. Con có cách nào để cô ấy lãi nhiều hơn không?
    - Cách nào hả mẹ?
    - Ví dụ, khi cô ấy mua 2 mớ rau ở nơi trồng rau, lúc về, cô ấy chỉ cần mang 2 mớ rau đó, chia lại thành 3 mớ là đã có thể kiếm nhiều hơn một chút rồi.
    - À, thì ra là thế!
    - Nhưng, vẫn còn cách khác có thể nâng giá thành một mớ rau của cô ấy lên cao hơn nữa, con nghĩ xem!
    - Con không biết ạ!
    - Hãy gắn cho nó một thương hiệu. Con có để ý không? Từ nãy tới giờ mình đã đi qua mấy hàng rồi. Tới đâu họ cũng chào hàng và nói rằng “Tôm đồng đấy, cá sạch đấy, rau nhà trồng đấy…”. Đó chính là cách họ tạo thương hiệu cho sản phẩm của mình. Thương hiệu “sạch và an toàn cho sức khỏe”. Khi lấy được niềm tin của khách hàng, họ sẽ nâng giá lên hoặc chỉ đơn giản là khiến khách hàng không mặc cả! Nhưng, làm như vậy chưa hẳn là cách hiệu quả nhất.
    - Vẫn còn cách khác hả mẹ?
    - Con thử nghĩ xem. Ngày nào mẹ đi chợ cũng thấy cô bán rau ngồi đó với từng ấy rau. Khoảng 30 mớ. Mỗi mớ cô ấy lãi 1500 đồng. Con tính xem 1 buổi chợ của cô ấy kiếm được bao nhiêu tiền?
    - 45.000 đồng ạ!
    - Nếu ngày nào cô ấy cũng đủ sức khỏe để đi chợ và ngày nào cũng bán hết hàng. Con tính xem cô ấy kiếm được bao nhiêu tiền một tháng?
    - 1.350.000 phải không mẹ!
    - 1.350.000 nếu là mẹ, mẹ sẽ không có đủ tiền để chi trả tiền học cho 2 con chưa nói đền các loại phí sinh hoạt hàng tháng. Chưa kể đến sẽ có những ngày cô ấy bận việc, có những ngày cô ấy ốm đau, có những ngày ế hàng không bán được.
    - Vâng, con hiểu ạ!
    - Vậy, con xem, phải làm thế nào mới kiếm được nhiều tiền hơn từ công việc bán rau đây?
    - Cô ấy có thể tự trồng rau không ạ? Như thế sẽ không mất 1000 tiền mua rau.
    - Không mất 1000 tiền mua rau nhưng lại mất tiền và mất công chăm sóc. Tuy nhiên, ý của con không tồi! Con nghĩ xem, với sức của một mình cô ấy, mỗi ngày đi chợ, cô ấy sẽ chỉ chở được tối đa từng ấy rau thôi, không thể chở nhiều hơn được. Mặt khác, ở chợ này, sức mua của khách hàng tối đa cũng chỉ được đến thế, có chở được nhiều hơn cũng chưa chắc đã bán được hết. Vậy nên, muốn bán được nhiều, có phải là nên bán ở nhiều chợ khác nhau không?
    - Vâng, đúng ạ! Nhưng, như thế cô ấy sẽ phải chở rau đi khắp nơi hả mẹ?
    - Không, cô ấy chỉ việc tìm kiếm đầu ra cho rau của nhà mình là được. Cùng một ngày đó nhưng rau của cô ấy sẽ được chở đến các siêu thị. 10 siêu thị, mỗi siêu thị 30 mớ rau các loại. Nghĩa là riêng 1 ngày cô ấy đã bán được 300 mớ rồi! Gấp 10 lần so với việc cô ấy buôn bán nhỏ lẻ ở chợ!
    - Trời ơi, đúng là thế ạ! Như vậy, cô ấy càng mở rộng được đầu ra, cô ấy càng kiếm được nhiều tiền rồi.
    - Giảm thiểu tối đa chi phí gieo trồng, chăm bón cũng là cách để tăng lợi nhuận. Con xem, trong kinh doanh buôn bán, người ta hơn nhau chính là ở tầm nhìn, chiến lược… Một vài tiểu xảo như mẹ nói với con lúc đầu kỳ thực không ăn thua gì cả. Con nghĩ xem, mẹ có dễ tin những gì mà các cô bán hàng nói không?
    - Chắc là không ạ!
    - Đúng vậy. Khách hàng ngày nay rất thông thái, con không thể lừa gạt họ được. Sẽ thế nào nếu mẹ mua hàng của cô bán rau vì nghĩ rau cô ấy sạch, nhưng một ngày nào đó mẹ phát hiện ra cô ấy nói dối?
    - Mẹ sẽ không mua rau của cô ấy nữa ạ?
    - Đúng, mẹ sẽ không chỉ không mua rau của cô ấy nữa mà còn nói với mọi người để mọi người không mua rau của cô ấy!
    - Thế thì cô ấy mất khách rồi!
    - Đúng vậy, buôn bán muốn bền vững, người kinh doanh cần phải có tâm con nhé!

    7. NGUYÊN TẮC DÀNH CHO BỐ MẸ

    Như tôi đã nói, trẻ con nghe thì ít, nhìn bằng mắt và tự học nhiều hơn. Vậy nên, dù bố mẹ có nói hay đến mấy nhưng làm không tốt, con cũng vì thế mà bị ảnh hưởng. Bởi vậy, để con có một môi trường tuyệt vời cho việc học hỏi, bố mẹ phải:
    - Đừng bao giờ chụp ảnh khoe tiền và up lên mạng xã hội.
    - Cất giữ tiền khoa học, kín đáo. Không vứt tiền lung tung hay tỏ thái độ coi thường những đồng tiền lẻ.
    - Không tự ý lấy tiền tiết kiệm của con khi chưa được con đồng ý.
    - Quý trọng đồng tiền nhưng luôn đặt tình yêu lên đầu. Ngoài những lúc dạy con về tiền bạc, bố mẹ hãy cho con thấy tình yêu thương, để trẻ luôn cảm nhận được bố mẹ yêu con rất nhiều. Con chính là điều quý giá nhất trên đời chứ không phải tiền bạc. Hãy dành thời gian cho gia đình, con cái thay vì chỉ tập trung cho việc kiếm tiền!

    Phần 1 - sơ lược về cách dạy con quản lý tiền bạc, tôi sẽ chỉ áp dụng tới khi con học hết lớp 9. Sang lớp 10, khi tư duy, nhận thức của con đã phát triển lên một tầm cao mới, tôi sẽ dạy nó kiếm tiền và quản lý tiền bằng những phương pháp nâng cao hơn. Khi đó, làm việc nhà sẽ hoàn toàn là trách nhiệm của con, nó sẽ không được bố mẹ trả tiền nữa!

    8. TRẢ TIỀN CHO CON KHÔNG KHIẾN TRẺ TRỞ NÊN THỰC DỤNG

    Tại sao tôi lại khẳng định rằng việc bạn trả con 1 chút tiền khi chúng làm việc nhà hoàn toàn không khiến chúng trở nên thực dụng?

    Tôi xin phép hỏi bạn: Trước kia, bố mẹ bạn có dạy bạn kiếm tiền, chi tiêu tiền theo cách này không? Nếu có thì hiện tại bạn có tính toán với bố mẹ mình không? Nếu không, hiện tại bạn đang đối xử tốt với bố mẹ bạn chứ? Bạn đã nuôi được bố mẹ bạn chưa?

    Còn tôi, trước kia mẹ tôi không hề dạy tôi kiếm tiền theo cách này nhưng đến thời điểm này, tôi vẫn chưa nuôi được mẹ 1 ngày nào cả!

    Tôi có quen 1 chị là doanh nhân rất thành đạt. Chị ấy cũng áp dụng cách này cho 2 con của mình và 2 con chị ấy rất ngoan ngoãn. Thằng bé thương mẹ vô cùng và mỗi khi xin tiền mẹ đóng học đều rất ngại ngùng vì sợ mẹ phải kiếm tiền vất vả. Cũng chính là vì, chúng hiểu kiếm tiền vất vả thế nào nên mới thương mẹ như vậy đó.

    Một bộ phận người Việt chúng ta có hai vùng đất cấm mà mỗi khi nhắc đến đều tỏ ra rất ý nhị và ngại ngùng. Đó là tiền và tình dục. Họ sợ dạy cho con trẻ về tình dục chẳng khác nào "vẽ đường cho hươu chạy" và kết quả là tỷ lệ nạo phá thai cao nhất Đông Nam Á.

    Họ lại sợ dạy con về tiền quá sớm sẽ khiến con quá coi trọng đồng tiền mà trở nên thực dụng, xem thường tình cảm gia đình và kết quả là gì? Cả 1 thế hệ không nhỏ những thanh niên dù đã 30 tuổi đời vẫn sống lệ thuộc vào bố mẹ, không tự chủ về kinh tế. Và tôi dám đảm bảo rằng không ít ông bố bà mẹ còn dùng tiền để giữ chân con cái ở bên mình. Chúng càng lệ thuộc vào họ, họ càng an tâm là chúng không thể bay đi mất. Và không ít những người con vẫn cố bám lấy bố mẹ mình không phải vì lo lắng cho họ mà chỉ vì xa bố mẹ chúng không biết sẽ sống sao nếu không có tiền thôi.

    Hãy nhìn thẳng vào sự thật và suy xét!

    Mối quan hệ giữa những người thân trong gia đình vốn còn vô vàn những khía cạnh để bố mẹ và con cái có cơ hội được biểu lộ tình cảm với nhau. Còn làm việc nhà và trả công chỉ là 1 chi tiết vô cùng nhỏ, nó hoàn toàn không khiến con bạn trở nên quá trọng tiền bạc! Ngược lại, nó sẽ giúp con bạn có cái nhìn thấu đáo về tiền, hiểu rõ bản chất, nguồn gốc của tiền tệ. Khi đã hiểu rõ bản chất, kiếm được nhiều tiền. Tôi tin, cái chúng coi trọng nhất lại chính là tình cảm!

    Bạn còn nhớ câu hỏi tôi đã hỏi con mình chứ? Nếu tôi cho nó 1 ô tô tải tiền và cho nó tới sống ở đảo hoang, nó sẽ ra sao? Nó đã phản đối vì nó hiểu, tiền thực sự chỉ mang giá trị ảo, chúng ta không thể ăn tiền để sống!

    Dạy con, hãy dạy cho thấu đáo và tường tận! Không có đồng tiền xấu, chỉ có những kẻ xấu vì đồng tiền."

    LÊ THANH NGÂN

    P/S: Chia sẻ lại từ sưu tầm của một bạn facebooker

    (FB Duong Dinh Giao ) 

    Không có nhận xét nào