Đang tồn tại một nghịch lý rất lớn:
khối ngân hàng Việt đang có mùa vàng với lợi nhuận tăng khủng, nhưng
không ít nhà băng lại xuất hiện xu hướng nợ xấu tăng vọt.
Theo
tường thuật của báo nhà nước, báo cáo 9 tháng của các ngân hàng có diễn
biến lạ: Nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng mạnh tại nhiều ngân hàng.
Đơn cử: ACB với hơn 1.264 tỷ đồng, tăng tới hơn 60% so với cuối năm
2017; MBBank gần 1.319 tỷ đồng, tăng tới 62% so với cuối năm 2017;
Techcombank gần 2.027 tỷ đồng, tăng 30,5%; VietinBank, nợ xấu cuối quý 3
năm 2018 ở mức 12.127 tỷ đồng, tăng hơn 3.100 tỷ, tương đương 34,6% so
với đầu năm. Nợ xấu tại OCB tăng 65% trong 9 tháng lên mức 1.429 tỷ
đồng, chiếm 2,66% dư nợ cho vay khách hàng tại nhà băng này. Tại
Vietcombank, đến cuối quý 3, nợ xấu cũng lên tới hơn 4.000 tỷ đồng...
“Về
tổng thể, hoạt động ngành ngân hàng nói chung giai đoạn này nợ xấu vẫn
tiếp tục nhận về qua cơ chế cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm, bán
sang Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC)”, một
chuyên gia tài chính vẫn tiếp tục trấn an.
Nhưng thực tế lại cho thấy cơ chế của VAMC là gần như vô tích sự kể từ khi tổ chức này ra đời.
Về
thực chất, VAMC đã chỉ tô hồng cho những bản thành tích xử lý nợ xấu
kéo lê từ thời bị xem là ‘phá chưa từng có’ Nguyễn Tấn Dũng sang thời
‘Cờ Lờ Mờ vờ’ Nguyễn Xuân Phúc.
Vào
năm 2018, ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch HĐQT VAMC (Công ty Quản lý tài
sản của các tổ chức tín dụng) đã trần tình với gương mặt có vẻ nhăn
nhúm khổ sở: “VAMC được cấp 2.000 tỷ đồng vốn điều lệ, năm 2017 đã mua
3.200 tỷ đồng nợ xấu và dự kiến, năm 2018 mua khoảng 3.500 tỷ đồng nợ
xấu. Nhưng các tổ chức tín dụng đăng ký bán nợ cho VAMC khoảng 20.000 tỷ
đồng, như vậy rất khó mua được các khoản nợ này”.
Lời trần tình trên mang hàm ý gì?
Dù
chỉ nêu vài số liệu nhỏ nhoi, nhưng cái cách trần tình của ông Nguyễn
Tiến Đông đã một lần nữa, sau khoảng một tá lần thanh minh của những
quan chức khác kể từ lúc VAMC được thành lập vào năm 2013, khẳng định
một sự thật như đinh đóng cột: sau 5 năm hoạt động, VAMC đã hầu như
không mua nợ xấu của các ngân hàng thương mại cổ phần bằng ‘tiền tươi
thóc thật’, nghĩa là hầu như không dùng tiền mặt được ngân sách nhà nước
cấp để mua nợ xấu, mà chỉ mua… trên giấy.
Trong
thực tế, VAMC đã được ngân sách nhà nước cấp 2000 tỷ đồng từ lúc đầu
thành lập. Tuy nhiên, số tiền này chỉ như muối bỏ biển so với số nợ xấu
lên đến khoảng 1,2 triệu tỷ đồng vào thời gian đó. Hơn nữa, VAMC cũng
không hề dùng tiền thực để mua nợ xấu vào thời gian đó, mà bị cho rằng
đã dùng toàn bộ 2000 tỷ đồng này để gửi ngân hàng lấy lãi, như một cách
chiếm dụng ngân sách nhà nước.
Thực
tế ‘xử lý nợ xấu’ đã trái ngược với báo cáo đậm chất tuyên giáo một
chiều của Ngân hàng nhà nước. Vào năm 2018, nhiều ngân hàng thương mại
cổ phần đối mặt với tình trạng chung là quy mô nợ xấu đang tăng lên đáng
kể bởi nợ xấu cũ dồn tích lại đến nay và nợ xấu mới phát sinh do tăng
trưởng cho vay chứng khoán và bất động sản, khiến số dư nợ xấu tăng cao.
Đến
nay, các phương án “xử lý nợ xấu” của Ngân hàng nhà nước vẫn hoàn toàn
bế tắc. Toàn bộ mục tiêu “giảm nợ xấu về 3%” vẫn chỉ nằm trên giấy tờ mà
không có một chút gì thực chất - theo nhiều chuyên gia phản biện.
Cho
dù có tính toán một cách ‘thành tích’ nhất là cho đến nay các ngân hàng
thương mại đã xử lý được khoảng 300.000 tỷ đồng ‘nợ xấu nội bảng’, thì
vẫn còn đến khoảng 900.000 tỷ đồng nợ xấu treo trong hệ thống ngân hàng
và trong bảng kế toán thuần giấy của VAMC mà không biết bán lại cho ai.
Tâm
lý của một số ngân hàng thương mại, dù lãi cao, nhưng lại ‘xử lý nợ
xấu’ bằng cách hầu như dựa dẫm vào VAMC cho dù vẫn biết VAMC hoàn toàn
bế tắc, cho thấy thái độ vô trách nhiệm của nhiều ngân hàng khi chỉ quan
tâm đến lợi nhuận.
Nhưng lợi nhuận không phải kéo dài vĩnh viễn.
Thậm
chí nếu vào năm 2019 và những năm sau đó, ngành ngân hàng phải đối mặt
với một cuộc khủng hoảng tín dụng, dù chỉ ở quy mô vừa phải, cũng sẽ làm
giảm đáng kể lợi nhuận ngân hàng và khiến phát sinh nợ xấu trầm trọng.
Khi đó, sẽ không thể còn bài ca nghịch lý ‘Ngân hàng lãi lớn, nợ xấu vẫn
tăng’.
(VNTB)
Không có nhận xét nào