Header Ads

  • Breaking News

    Việt Nam – Nhật Bản ‘tay trong tay’ cùng nhau duy trì hòa bình Biển Đông

    Nhật Bản và Việt Nam đồng ý hợp tác với nhau “tay trong tay” để duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực Biển Đông, nơi Việt Nam đang tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc.

    Tàu khu trục chở trực thăng của Nhật trong cuộc thăm viếng Phi Luật Tân. (Hình: TED ALJIBE/AFP/Getty Images)

    Tuy Nhật Bản không tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông nhưng hàng hóa đi và đến nước Nhật cũng đi qua vùng biển bận rộn nhất thế giới này. Bắc Kinh đã xây dựng 7 bãi đá ngầm cướp của Việt Nam từ thập niên 1980 thành 7 đảo nhân tạo, trên đó là các căn cứ quân sự khổng lồ, mưu toan độc chiếm toàn bộ khu vực.

    Bắc Kinh bất chấp chữ ký của mình trên bản Tuyên Bố Ứng Xử trên Biển Đông đã ký với các nước ASEAN đòi hỏi các bên liên quan tranh chấp chủ quyền phải giữ nguyên trạng.

    Theo tường thuật trên tờ South China Morning Post (SCMP) về cuộc họp báo tổ chức ở Tokyo hôm Thứ Hai 8/10/2018 cùng với ông thủ tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói rằng ông đồng hành “tay trong tay” cùng với ông Phúc để nhất định thể hiện một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và mở, bao gồm cả Biển Đông.

    Trong cuộc họp báo, tuy ông Nguyễn Xuân Phúc không nêu tên Trung Quốc nhưng ông đã cùng ông Abe xác quyết nhu cầu bảo đảm hòa bình, an toàn hải hành và phi hành qua khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

    “Tôi hoan nghênh các nỗ lực và sự hậu thuẫn của Nhật Bản cũng như các sáng kiến để bảo đảm thịnh vượng kinh tế, tự do thương mại và hải hành phi hành ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương”. SCMP dẫn lời ông Phúc.

    Ông Nguyễn Xuân Phúc cầm đầu phái đoàn Việt Nam đến Tokyo dự cuộc họp thượng đỉnh hợp tác phát triển tiểu vùng Mekong và Nhật Bản trong đó gồm cả các nước Cambodia, Lào, Myanmar và Thái Lan. Dịp này, phía Việt Nam đã gặp riêng Nhật , ký kết một số văn kiện hợp tác.

    Việt Nam xuất cảng thủy sản sang Nhật nhưng nhiều lần đã bị cảnh cáo về mức độ an toàn, dư lượng thuốc kháng sinh quá độ. Nhân dịp này, Nhật loan báo viện trợ cho Việt Nam một số trang thiết bị kiểm soát độ an toàn thực phẩm trị giá 11 triệu đô la.

    Tháng trước, Nhật Bản cho nhóm tàu khu trục hạm chở trực thăng JS Kaga, tàu ngầm đi trên Biển Đông trong hành trình tập trận chung với các chiến hạm Mỹ và một số đối tác khu vực trên Biển Đông và Ấn Độ Dương qua chương trình kéo dài hai tháng.

    Những năm qua, chưa bao giờ chiến hạm Nhật Bản thực hiện các chuyến tuần tra “tự do hải hành” độc lập như Mỹ trên Biển Đông. Tuy nhiên, chiến hạm các loại của Nhật cũng đã nhiều lần đi qua Biển Đông cũng như thăm viếng các cảng ở khu vực, trong đó có Việt Nam.

    Thông tấn xã chính thức của Việt Nam tường thuật cuộc họp báo nói trên của ông Phúc với ông Abe viết rằng về vấn đề Biển Đông ông Nguyễn Xuân Phúc xác nhận “hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng không, hàng hải ở Biển Đông; kiềm chế không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, gây xói mòn lòng tin; ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển 1982 (UNCLOS), tôn trọng các tiến trình ngoại giao, pháp lý; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả và có hiệu lực pháp lý.”

    Lời lẽ này thấy được lập đi lập lại trong tất cả các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa các lãnh tụ Hà Nội với nước ngoài.

    Cuộc họp giữa phái đoàn ông Nguyễn Xuân Phúc và thủ tướng Nhật Abe diễn ra trong bối cảnh gia tăng căng thẳng trên Biển Đông khi Trung Quốc cho một chiếc khu trục hạm chận đầu chiếc khu trục hạm Mỹ USS Decatur tại khu vực gần đảo nhân tạo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa hôm Chủ Nhật trước. Chiến hạm Mỹ đã phải đổi hướng để tránh va chạm.

    Vài ngày trước đó, hai pháo đài bay B-52 cũng đã bay ngang qua Biển Đông và một đơn vị TQLC Mỹ cũng đã tập trận trên biển tại khu vực. Ba biến cố liên tiếp diễn ra trong vòng một tuần lễ trên Biển Đông là một tín hiệu chưa từng có trước đây mà Hoa Thịnh Đốn nhắn gửi tới Bắc Kinh.

    Cuối tuần vừa qua, phó tổng thống Mike Pence còn cảnh cáo nước Mỹ “không để bị đe dọa” trên Biển Đông và lực lượng Mỹ tiếp tục hải hành cũng như phi hành qua bất cứ khu vực nào trên thế giới theo luật lệ quốc tế.

    Hoa Kỳ cũng như Việt Nam và các nước khác bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên các đảo và đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng các căn cứ quân sự quy mô trên Biển Đông.

    Cuối tuần qua, cũng có tin lực lượng Hoa Kỳ đang chuẩn bị một loạt hoạt động rất lớn trên Biển Đông kéo dài một tuần lễ dự trù trong Tháng 11 tới đây. Tham dự cuộc biểu dương sức mạnh bao gồm cả tàu chiến, máy bay và TQLC chi tiết thế nào hiện chưa thấy được đề cập, chỉ biết là để cảnh cáo tham vọng bá quyền bành trướng của Bắc Kinh.


    Người Việt

    Không có nhận xét nào