Việc ông Trọng kiêm nhiệm chủ tịch
nước có thể chỉ là một giải pháp tạm thời, và hiện còn quá sớm để khẳng
định là Việt Nam sẽ đi theo mô hình giống như ông Tập Cận Bình ở Trung
Quốc. Đó là nhận định chung của tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, thuộc Viện Nghiên
cứu Đông Nam Á, Singapore, trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ ngày
22/10/2018.
Ông Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước trước các đại biểu Quốc Hội ngày 23/10/2018.Reuters |
Ngày
23/10/2018, tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã được
các đại biểu Quốc Hội Việt Nam, với tỷ lệ phiếu lên tới 99,97%, bầu làm
chủ tịch nước, thay thế cố chủ tịch nước Trần Đại Quang, vừa qua đời
tháng trước. Kết quả này không có gì là bất ngờ vì ông Trọng là ứng cử
viên duy nhất, được Trung ương đảng « nhất trí » đề cử.
Ngay
sau khi được bầu, ông Nguyễn Phú Trọng đã tuyên thệ nhậm chức chủ tịch
nước và như vậy, kể từ nay ông sẽ đại diện Việt Nam tiếp các đoàn lãnh
đạo nước ngoài và công du các nước với tư cách nguyên thủ quốc gia.
Việc
« nhất thể hóa » hai chức danh tổng bí thư và chủ tịch nước đã gây
nhiều tranh cãi ở Việt Nam. Có những người sợ rằng việc tập trung quyền
lực của hai chiếc ghế vào tay một người sẽ dẫn đến chuyên quyền, độc
đoán. Những người khác thì nhấn mạnh đến cái lợi của việc một người nắm
hai chức đó là giảm được chi phí của Nhà nước, tránh những phiền toái về
lễ tân khi tổng bí thư công du nước ngoài.
RFI :Thưa
anh Lê Hồng Hiệp, với việc nắm luôn chức chủ tịch nước, phải chăng là
tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thật sự thắng thế, làm chủ hoàn toàn sân
khấu chính trị Việt Nam ?
TS Lê Hồng Hiệp
: Có một thực tế là trước Đại hội Đảng lần thứ 12 vào tháng 01/2016,
dường như có hai nhóm chính cạnh tranh với nhau, một nhóm do tổng bí thư
Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, còn nhóm kia là do cựu thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng đứng đầu. Tuy nhiên, sau Đại hội 12, với việc thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng nghỉ hưu, hiện tại, bên trong bộ máy đảng Cộng Sản Việt Nam, quyền
lực rất là tập trung và hầu như không còn tồn tại các phe nhóm đối lập
hay tìm cách tranh giành quyền lực với nhóm của ông Nguyễn Phú Trọng.
Chính
vì vậy mà việc bầu ông Nguyễn Phú Trọng lên làm chủ tịch nước không
phải là một bước ngoặt trong cuộc đấu đá phe phái trong nội bộ đảng Cộng
Sản Việt Nam, mà dường như là một sự kiện khẳng định sự áp đảo của
quyền lực của ông Nguyễn Phú Trọng, cũng như là của những người thân
tín. Trước mắt, dường như đây là một giải pháp tạm thời và điều này có
nghĩa là trong tương lai có thể sẽ có những thay đổi về sự cân bằng
quyền lực trong nội bộ, ví dụ nếu ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nắm giữ
chức vụ này đến cuối nhiệm kỳ và người kế nhiệm ông Trọng cũng nắm giữ
hai chức vụ đó, dường như cấu trúc quyền lực sẽ tiếp tục sự tập trung.
Tuy
nhiên, nếu chúng ta quay lại cấu trúc 4 người bên trong ban lãnh đạo
của đảng Cộng Sản Việt Nam, với nhiều cực quyền lực hơn, thì nó sẽ dẫn
tới khả năng là tranh giành quyền lực trong nội bộ có thể sẽ quay trở
lại.
RFI :Việt
Nam là một nước theo chế độ độc đảng, việc một lãnh đạo đảng nay nắm
luôn chức chủ tịch nước có lợi gì, có hại gì về đối ngoại cũng như đối
nội của Việt Nam ?
TS Lê Hồng Hiệp :
Trước tiên cũng cần xác định dù là độc đảng hay một người nắm nhiều
chức vụ, tất cả cuối cùng cũng sẽ quay lại việc ai là người cụ thể ở
đây. Tốt hay xấu là phụ thuộc rất nhiều tính cách, chính sách, tư duy,
tầm nhìn của lãnh đạo cụ thể đó. Việc lãnh đạo đảng cầm quyền làm nguyên
thủ quốc gia thì có lợi và cũng có thể là có hại. Cho nên trong thời
gian đã có nhiều tranh luận và bản thân đảng Cộng Sản Việt Nam, theo như
tôi hiểu, cũng chưa nhất trí hoàn toàn về việc để cho một người nắm hai
chức vụ này, đặc biệt là sau Đại hội lần thứ 13 vào năm 2021, mặc dù
trước mắt, dường như bên trong họ có sự đồng thuận về việc để cho ông
Trọng nắm giữ hai chức vụ này, ít nhất là cho tới Đại hội đảng lần thứ
13.
Về
cái lợi, khi mà cấu trúc quyền lực có sự tập trung cao, cơ chế hoạch
định chính sách sẽ có hiệu quả hơn, các mâu thuẫn đấu đá trong nội bộ sẽ
giảm bớt. Vì vậy, bộ máy chính trị, đặc biệt là cấp ra quyết định có
thể hiệu quả hơn. Nó có thể giúp làm giảm các chi phí so với việc duy
trì hai người ở hai vị trí khác nhau, với hai bộ máy khác nhau. Bên cạnh
đó, về mặt lễ tân ngoại giao thì cũng giảm bớt những phiền toái so với
việc ông Trọng chỉ là tổng bí thư chứ không phải nguyên thủ quốc gia.
Đấy
là những mặt lợi coi như là trước mắt. Còn những mặt hại thì chúng ta
cũng cần chờ xem, vì như tôi nói ở trên, nó phụ thuộc rất nhiều vào cá
nhân nhà lãnh đạo đấy, họ sẽ làm gì, tư duy như thế nào, có phục vụ cho
lợi ích quốc gia và dân tộc hay chỉ phục vụ lợi ích của một nhóm nhỏ.
Nếu
có sự tập trung quyền lực mà nhà lãnh đạo có bước đi sai lầm, mà quyền
lực của họ không được kiểm soát hiệu quả, thì có thể dẫn tới những chính
sách sai lầm, đưa cả đất nước đi vào tai họa. Mà không chỉ tai họa cho
đất nước mà còn là tai họa cho chính đảng cầm quyền.
RFI :Ông
Nguyễn Phú Trọng là một nhân vật bị xem là bảo thủ, thân Trung Quốc.
Như vậy với việc ông nắm cả hai chức vụ, chính sách ngoại giao của Việt
Nam có sẽ thay đổi ?
TS Lê Hồng Hiệp :
Sẽ không có nhiều thay đổi, chính sách của Việt Nam sẽ được duy trì như
lâu nay. Chúng ta nên nhìn nhận một cách khách quan về quan điểm của
ông Nguyễn Phú Trọng trong cương vị lãnh đạo đảng. Bất kỳ lãnh đạo đảng
nào, nhiệm vụ hàng đầu của người ấy chính là duy trì được sự tồn vong
của đảng ấy. Thêm một bước nữa là duy trì được quyền lực của đảng trong
bộ máy chính trị của đất nước. Trong một vị trí như vậy, xu hướng bảo
thủ, thận trọng để bảo vệ sự tồn vong về quyền lực của đảng là nhiệm vụ
hàng đầu. Từ đấy, chúng ta có thể lý giải vì sao bất cứ nhà lãnh đạo nào
của Việt Nam từ trước đến nay ở vị trí tổng bí thư thì thông thường có
xu hướng bảo thủ.
Đi
kèm với xu hướng bảo thủ là xu hướng thân Trung Quốc, bởi vì Trung Quốc
dẫu sao cũng là đồng minh về mặt ý thức hệ của Việt Nam và như vậy thì
vai trò, vị trí của chính trị gia đấy quy định xu hướng, chính sách của
người đó, khác với vị trí thủ tướng. Thủ tướng ở Việt Nam lâu nay thông
thường có xu hướng cởi mở, cải cách và tự do hơn một chút, đó là do chức
năng của thủ tướng là thúc đẩy các chính sách kinh tế, xã hội. Để thực
hiện các yêu cầu này thì yêu cầu người đó phải có tư duy đổi mới, cải
cách nhiều hơn, chính vì vậy mà họ ít bảo thủ hơn so với vị trí tổng bí
thư.
Nói
một cách công bằng thì trong thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều cải
cách về kinh tế, chính trị, xã hội. Về chính sách đối ngoại thì cũng
không hẳn là quỵ lụy đối với Trung Quốc, mà thực tế đã có những bước đi
tương đối cứng rắn đối với Trung Quốc. Nếu không có sự đồng thuận của
tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi nghĩ là đã không thực hiện được (những
chính sách đó).
Chính
vì vậy mà tôi cho rằng trong thời gian tới, việc ông Nguyễn Phú Trọng
nắm giữ cả hai chức sẽ không có những tác động đáng kể về mặt chính sách
đối ngoại và đối nội của Việt Nam, đặc biệt là trong vấn đề quan hệ với
Trung Quốc.
RFI :Như vậy hãy còn quá sớm để khẳng định là Việt Nam sẽ đi theo mô hình Trung Quốc ?
TS Lê Hồng Hiệp
: Vâng, tôi nghĩ là hiện còn tương đối là quá sớm để khẳng định xu thế
trong tương lai, ít nhất là trong những phát biểu gần đây của ông Nguyễn
Phú Trọng, ông cũng nói rằng đây là một giải pháp tạm thời, trong bối
cảnh chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời đột ngột và ông được đề cử để
nắm chức vụ ấy.
Điều
này cho thấy là bản thân ông Nguyễn Phú Trọng và những lãnh đạo khác
của đảng vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc có nên hợp nhất
hai chức vụ này hay không và quan trọng hơn là có nên kéo dài sự dàn xếp
hiện tại đối với ông Trọng hay không ? Tức là sau Đại hội lần thứ 13
năm 2021, liệu người kế nhiệm ông Trọng có sẽ nắm hai chức vụ này hay
không. Tôi nghĩ điều này thể hiện sự thận trọng của bản thân ông Trọng
cũng như các lãnh đạo khác, do những mặt trái của những dàn xếp này, như
tôi đề cập ở trên. Đồng thời, nền chính trị Việt Nam lâu nay có truyền
thống đa nguyên hơn và cởi mở hơn Trung Quốc.
Chính
vì vậy, việc thay đổi cấu trúc quyền lực hiện tại, cũng như cách thức
vận hành của ban lãnh đạo cấp cao, tôi nghĩ là cần có một thời gian nhất
định. Từ giờ đến Đại hội 13, người ta sẽ đánh giá cụ thể hơn hiệu quả
của việc tổng bí thư kiêm nhiệm chủ tịch nước, để xem có nên tiếp tục
duy trì sau Đại hội 13 hay không. Nếu họ muốn duy trì (cơ cấu này), ai
sẽ là người được lựa chọn để thay thế ông Trọng ? Cả hai vấn đề đều chưa
có lời giải ở thời điểm này. Tôi nghĩ là họ sẽ cần có thời gian hơn để
quyết định và như vậy câu hỏi Việt Nam có sẽ theo mô hình của Trung Quốc
hay không thì có lẽ cũng cần thời gian để kiểm chứng.
Thanh Phương
(RFI)
Không có nhận xét nào