Gần đây lại liên tục có nhiều tranh
luận về Chiến tranh Lạnh Trung – Mỹ. Phải chăng Chiến tranh Lạnh mới
giữa Trung Quốc và Mỹ đã bắt đầu? Chiến tranh Lạnh kéo dài trong thế kỷ
trước đã đưa ra nhiều bài học, qua đó cho thấy trong xung đột thương mại
hiện nay giữa Trung Quốc và Mỹ, dường như Bắc Kinh vẫn chưa học được
bài học từ cuộc Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô trong thế kỷ trước.
Ảnh minh họa từ Getty Images |
Bắt đầu một cuộc Chiến tranh Lạnh mới?
Trong
những ngày qua, Wall Street Journal, Tin tức kinh tế Nhật Bản (Nihon
Keizai Shimbun), Sự thật Hồng Kông (Hkej) đã liên tục công bố bài viết
nhận định về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Trung Quốc và Mỹ sắp bắt
đầu, còn chính quyền thành phố Thâm Quyến của Trung Quốc đã đưa ra báo
cáo nội bộ “Không tuyên mà chiến, sự thay đổi tình hình thế giới sẽ
nhanh hơn và mạnh hơn chúng ta dự kiến”, báo cáo do Ủy ban Cải cách và
Phát triển thành phố này thực hiện phản ảnh địa phương này chuẩn bị sẵn
sàng trước cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Tranh chấp giữa Trung Quốc và Mỹ
có thực sự đã đến trình độ của Chiến tranh Lạnh?
Để
hiểu được khả năng của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, trước tiên chúng
ta phải hiểu những đặc điểm của Chiến tranh Lạnh cũ. Trong thế kỷ trước
đã nổ ra hai cuộc Chiến tranh Lạnh: Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô,
và Chiến tranh Lạnh giữa Trung Quốc và Liên Xô. Cuộc chiến trước nổi
tiếng ai cũng biết, nhưng cuộc chiến sau cả Trung Quốc và Liên Xô đều
tránh nhắc đến, vì là cuộc chiến xấu xí giữa hai nước xã hội chủ nghĩa.
Cái gọi là Chiến tranh Lạnh là hai bên ngăn chặn và đối đầu nhau toàn
diện về hệ giá trị và ý thức hệ; quan trọng hơn là hai bên có thể tiêu
diệt nhau bằng vũ khí hạt nhân, qua đó trực tiếp đe dọa an ninh quốc gia
của nhau, đi cùng là hoạt động quan hệ trao đổi kinh tế và nhân sự được
giảm đến mức tối thiểu.
Trong
quan điểm này, tình hình giữa Trung Quốc và Mỹ hiện chưa thành một cuộc
Chiến tranh Lạnh mới, Mỹ không xem thể chế và ý thức hệ của Trung Quốc
là mục tiêu tấn công, không có răn đe trực tiếp bằng vũ khí hạt nhân;
phía Trung Quốc cũng tương tự, không có động thái đe dọa đến cấp độ
Chiến tranh Lạnh.
Thứ
nhất, Mỹ không cho thấy rõ ràng rằng muốn kết thúc thể chế chính trị
của Trung Quốc hiện nay, cũng không có kế hoạch như vậy, cho dù Mỹ có
bất mãn với chế độ chuyên chế. Còn Trung Quốc cũng không có chiến lược
nhắm vào vấn đề chế độ dân chủ và cơ chế nền kinh tế thị trường tự do;
trái lại chính Trung Quốc còn dựa trên hệ thống kinh tế thị trường, về
chính trị cũng đã từ bỏ chủ trương truyền bá thể chế hoặc mô hình chính
trị của họ, họ chỉ hy vọng giữ vững an toàn của chế độ.
Thứ
hai, vũ khí hạt nhân của Trung Quốc là nhắm vào Mỹ, nhưng so với sức
mạnh hạt nhân của Mỹ thì Trung Quốc chỉ ở tư thế tự vệ, không có ý nghĩ
liều lĩnh lao vào đại chiến hạt nhân; còn mục tiêu hàng đầu trong vũ khí
hạt nhân của Mỹ là nhắm vào Nga, còn Trung Quốc chỉ là mục tiêu thứ
yếu, đây cũng chỉ là thế trận quốc phòng, vì dưới thể chế dân chủ nếu
không bị tấn công thì rất khó có thể chủ động để khởi động một cuộc
chiến tranh hạt nhân với nước khác.
Thứ
ba, về mặt ý thức hệ, ý thức hệ của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)
hiện đã bị phân mảnh vỡ vụn, không còn dễ biện minh như thời những năm
1970, thậm chí việc Trung Quốc thực hiện một số cải cách trong thể chế
cũng phải dùng ngôn từ mập mờ để lảng tránh (chẳng hạn như vấn đề tư
nhân hóa, nhà cầm quyền Trung Quốc thực hiện mà không thừa nhận), tư
tưởng chủ nghĩa cộng sản đã vô giá trị, chỉ để giữ chế độ mà không còn
mấy ai tin theo, ý thức hệ này không còn mang lại sức mạnh tấn công; mặc
dù Mỹ ghét ý thức hệ của ĐCSTQ, nhấn mạnh các giá trị phổ quát, nhưng
chính phủ Mỹ hiện không còn theo đuổi chiến lược công kích ý thức hệ của
ĐCSTQ.
Cuối
cùng, về mặt kinh tế, sự sống còn của ĐCSTQ phụ thuộc vào nền kinh tế
toàn cầu, không thể thực hiện chiến lược bế quan tỏa cảng; còn các công
ty Mỹ cũng không muốn từ bỏ giao lưu kinh tế với Trung Quốc, cho nên Mỹ
không thể phong tỏa kinh tế Trung Quốc. Từ những khía cạnh chính nêu
trên cho thấy các thảo luận gần đây về Chiến tranh Lạnh mới có vẻ chỉ
gây tính giật gân.
Chiến tranh Lạnh trong quá khứ, Trung Quốc được hưởng lợi
Bây
giờ để nhìn lại Chiến tranh Lạnh thế kỷ trước, có phân tích mà trong
nhiều năm qua thường không mấy ai chú ý là ĐCSTQ đã được hưởng lợi, đây
là thực tế. Hầu hết người Trung Quốc chỉ biết Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ
và Liên Xô, lãng quên Chiến tranh Lạnh giữa Trung Quốc và Liên Xô. Thực
tế, nhìn lại từ mối quan hệ giữa hai cuộc Chiến tranh Lạnh này có thể
hiểu tại sao Trung Quốc là nước thụ hưởng lớn nhất từ Chiến tranh Lạnh.
Trong
cuộc Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô, vai trò của Trung Quốc chỉ là
thứ yếu, thông tin liên quan được công khai ở Trung Quốc, đây là điều
mọi người đều biết. Về xung đột Trung Quốc – Liên Xô, hai thế hệ sinh
sau những năm 1950 và 1960 đều được trải nghiệm, đó là thực sự là Chiến
tranh Lạnh nguy hiểm hơn cuộc đối đầu Mỹ – Liên Xô. Từ những năm 1960
đến cuối những năm 1970, Liên Xô và Trung Quốc xung đột công khai về ý
thức hệ và thể chế, hai bên hăm he nhau bằng vũ khí hạt nhân, thậm chí
đã nổ ra cuộc chiến ở vùng Thiết Lực Khắc Đề tại Tân Cương và đảo Trân
Bảo ở tỉnh Hắc Long Giang. Theo báo Nhân dân của nhà nước Trung Quốc
ngày 25/10/2016, ngày 28/8/1969 đại sứ Liên Xô tại Mỹ là Anatoly
Fyodorovich Dobrynin nhận được mật lệnh của Điện Kremlin: Liên Xô chuẩn
bị cuộc chiến quân sự quan trọng đối với Trung Quốc bằng cách tấn công
hạt nhân mang tính răn đe, hãy bí mật tham khảo ý kiến các chính trị
gia Mỹ; vũ khí hạt nhân dự kiến được tung ra là chính xác và sẽ không
gây ô nhiễm hạt nhân đáng kể. Ngay lập tức Dobrynin thông báo cho Bộ
trưởng Ngoại giao Mỹ Kissinger. Phản ứng của Nhà Trắng là Mỹ chống lại
kế hoạch của Liên Xô, nếu Liên Xô làm vậy là trái với thỏa thuận giữa Mỹ
và Liên Xô về việc duy trì hòa bình thế giới, không phù hợp với Hiến
chương Quốc tế; đồng thời Nhà Trắng cũng cố tình rò rỉ thông tin này cho
tờ Washington Post, giúp cho Trung Quốc sẵn sàng chuẩn bị. Vào ngày
28/8, tờ báo này đã công bố thông tin gây chấn động thế giới, có tiêu đề
“Liên Xô muốn thực hiện một cuộc tấn công hạt mang tính răn đe đối với
Trung Quốc”.
Sau
khi Bộ Chính trị ĐCSTQ nhận được thông báo đã tổ chức cuộc họp khẩn
cấp, quyết định sơ tán toàn bộ bộ máy lãnh đạo cấp cao, chỉ để lại Chu
Ân Lai và phó tổng tham mưu trưởng Ngọc Tuyền Sơn (Yu Quanshan) trấn thủ
Trung tâm Chỉ huy chiến lược Quân ủy Trung ương. Sau đó đã phát động
khẩu hiệu “sẵn sàng chiến đấu” trên toàn quốc, cho vận chuyển một số
lượng lớn các thiết bị nhà máy quan trọng đến vùng núi miền Trung và
Tây, khắp nơi trên toàn quốc đào hầm tránh bom. Đại bộ phận nhân viên
các cơ quan và tổ chức nhà nước ở Bắc Kinh sơ tán về các “trường cán bộ”
ở nông thôn, dân số nội thành Bắc Kinh sụt giảm lớn, trong khi khách du
lịch nước ngoài gần như không còn ai. Tôi đã đến Bắc Kinh vào mùa hè
năm 1970, khi đi xe lửa từ cổng tây thành Bắc Kinh đến Vạn Lý Trường
Thành, phát hiện trên đoạn thành tại Bát Đại Lĩnh (Badaling) không một
bóng người, tôi và người bạn đồng hành là khách duy nhất.
Lúc
đó Kissinger nói với đại sứ Liên Xô: Tổng thống Mỹ cho rằng lợi ích của
Trung Quốc liên quan chặt chẽ với lợi ích của Mỹ, nếu Trung Quốc bị tấn
công hạt nhân, Mỹ sẽ xem là mở màn cuộc chiến tranh thế giới thứ ba, Mỹ
sẽ tham chiến đầu tiên; Kissinger đặc biệt chia sẻ với đại sứ Liên Xô
rằng tổng thống Mỹ đã ký một mật lệnh chuẩn bị cho trả đũa hạt nhân nhắm
vào hơn 130 thành phố và căn cứ quân sự của Liên Xô, một khi tên lửa
tầm trung Liên Xô rời khỏi bệ phóng, Mỹ sẽ bắt đầu thực hiện kế hoạch
trả đũa. Trước mối đe dọa cứng rắn và rõ ràng của Mỹ, cuối cùng Liên Xô
đã không nhấn nút tấn công Trung Quốc bằng vũ khí hạt nhân. Trung Quốc
không chỉ nhờ chuyện này mà tránh được thảm cảnh chiến tranh hạt nhân
với Liên Xô, mà còn qua thiện ý của chính phủ Mỹ thấy cơ hội gần gũi với
Mỹ, từ đây mở ra tiến trình thiết lập quan hệ ngoại giao, đến cuối
những năm 1970 thì quan hệ Mỹ – Trung bắt đầu khăng khít.
Tại sao tuần trăng mật Trung – Mỹ lại kết thúc?
Có
lẽ là vì Trung Quốc là bên được hưởng lợi từ Chiến tranh Lạnh Mỹ – Liên
Xô, không phải là bên bị tổn hại, các nhà chức trách Bắc Kinh đã suy
nghĩ nông cạn về những bài học từ Chiến tranh Lạnh Mỹ – Liên Xô. Trung
Quốc dường như chỉ đơn giản nghĩ xuất phát từ nhu cầu của phía Mỹ trong
Chiến tranh Lạnh Mỹ – Liên Xô để ý thức về may mắn của Trung Quốc, không
nghĩ sâu sắc cho đại cuộc thế giới khi xử lý mối quan hệ giữa các nước
lớn. Những người hoạch định chính sách của Trung Quốc chưa bao giờ xem
xét nghiêm túc vấn đề này, đó là sau sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh Mỹ
– Liên Xô thì Trung Quốc và Mỹ không còn cùng chung chiến lược quốc tế,
và thời trăng mật Trung – Mỹ hình thành nhờ Chiến tranh Lạnh Mỹ – Liên
Xô sớm muộn sẽ kết thúc, vì thế “lợi nhuận” từ Chiến tranh Lạnh không
thể kéo dài mãi. Thế kỷ này, ban đầu Mỹ đồng ý cho Trung Quốc vào WTO
(Tổ chức Thương mại Thế giới), trên thực tế là trong đó có cân nhắc tiếp
tục kéo dài tuần trăng mật Trung – Mỹ, cũng là dựa trên hy vọng Trung
Quốc tuân theo quy tắc quốc tế, tuân thủ các cam kết, hai bên cùng có
lợi, để duy trì quan hệ Trung – Mỹ đã được cải thiện từ thế kỷ trước.
Tuy nhiên, dường như Bắc Kinh không hoàn toàn hiểu được ý định này, chỉ
nhìn vào cơ hội này từ quan điểm rằng tất cả mọi người đều kiếm tiền.
Khi Trung Quốc bắt đầu thảo luận về sự nổi lên của Trung Quốc, bài học
Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô đã bị xem nhẹ.
Bài
học sâu sắc nhất thời Chiến tranh Lạnh Mỹ và Liên Xô là giữa các cường
quốc hạt nhân không thể dùng chiến lược của “cá lớn nuốt cá bé”, loại
chiến lược này cuối cùng sẽ làm hại chính mình; trong tình hình đối đầu
quốc tế, chỉ có chiến lược tìm kiếm lợi ích chung (hai bên cùng thắng)
là thượng sách. Chiến tranh Lạnh kéo dài nửa thế kỷ, thực sự thì mục
tiêu cuối cùng của cả hai bên là cùng có lợi, cụ thể là để tránh sự bùng
nổ của chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô, vì chiến tranh hạt nhân
này đồng nghĩa là hủy diệt trái đất, dẫn đến kết cục hai bên cùng thua.
Thứ hai, niềm tin giữa các bên đối lập cần phải được xác nhận bằng thực
tế trình bày thẳng thắn với nhau, các mưu đồ lừa dối chỉ phá hủy niềm
tin cậy lẫn nhau, làm xung đột gay gắt hơn. Do đó, trước khi Liên Xô có ý
tấn công hạt nhân chống lại Trung Quốc đã phải đặc biệt thông báo cho
Mỹ, không muốn chiến tranh hạt nhân Trung Quốc – Liên Xô sẽ kéo Mỹ tham
chiến biến thành Thế chiến thứ Ba. Còn Mỹ cũng thẳng thắn thông báo kế
hoạch của Mỹ cho Liên Xô, nghĩ đến đại cuộc thế giới để ngăn chặn chiến
tranh hạt nhân giữa Trung Quốc và Liên Xô đe dọa hòa bình thế giới, đồng
thời Mỹ cũng tin rằng Liên Xô không muốn nổ ra cuộc chiến sinh tử với
Mỹ, quả nhiên Liên Xô đã thu lại quyết định. Hai bài học lớn thời kỳ
Chiến tranh Lạnh Mỹ và Liên Xô thực tế có thể dùng vào phân tích quan hệ
Trung – Mỹ trong quá khứ.
Bây
giờ, quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ không chắc sẽ bùng phát thành Chiến
tranh Lạnh mới, tuy nhiên xung đột thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ có
nguyên nhân thực tế là Bắc Kinh không hiểu được tầm quan trọng của sự
thẳng thắn và vấn đề hai bên cùng thắng, vì Bắc Kinh cho rằng thiện ý
của Mỹ là đương nhiên (take it as granted). Do thiếu tư duy vì đại cuộc
quốc tế trong mối quan hệ giữa các cường quốc, vì thế sau khi có được
sức mạnh kinh tế Trung Quốc đã đưa cuộc cạnh tranh kinh tế Trung -Mỹ trở
thành một trò chơi tổng bằng không (zero-sum game), nghĩ rằng bên có
tiền có thể đơn độc chiến thắng; đồng thời vì chỉ muốn mình chiến thắng
mà không từ thủ đoạn nào, kết quả khiến mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc
ngày càng căng thẳng. Thứ hai, từ những năm 1980 Trung Quốc đã bắt đầu
xử lý các mối quan hệ Trung – Mỹ theo hai cách: một là kiểu Trung Quốc
khôn ngoan, lời nói không đi cùng hành động, dùng thủ đoạn khôn lỏi lợi
dụng sơ hở của luật chơi chiếm ưu thế giá rẻ, liên tục vi phạm quyền sở
hữu trí tuệ của các công ty Mỹ (kể cả bằng gián điệp) và tìm cách để dùi
vào sơ hở trong quy tắc của WTO, về vấn đề này từ cuối thế kỷ trước
trong thời ông Chu Dung Cơ làm Thủ tướng đã từng phát biểu rằng phải tận
dụng thời cơ hoạt động giám sát của WTO nới lỏng để gia nhập; thứ hai
là kiểu Trung Quốc bá quyền, một khi bị chỉ trích sẽ đẩy mạnh tuyên
truyền chủ nghĩa yêu nước để che lấp những đánh giá thị phi. Theo thời
gian, thủ đoạn này kéo dài sẽ lộ ra.
Hiện
nay Mỹ yêu cầu Trung Quốc tuân theo các quy tắc đã cam kết, không “đánh
cắp” thương hiệu, không lừa dối, không lật lọng; trong khi Trung Quốc
cũng muốn làm theo, nhưng thực sự nếu làm theo thì không cách nào chiến
thắng được. Vài năm trước Mỹ đã đề xuất rằng “Trung Quốc phải là một
nước lớn có trách nhiệm, một nước đã trưởng thành của cộng đồng quốc
tế”. Cách nói nhìn bề ngoài là khích lệ động viên, thực tế cũng là buộc
tội Trung Quốc thiếu thành thật, khôn lỏi đã trở thành “bản sắc” của nhà
cầm quyền Trung Quốc. Trong xử lý mối quan hệ Mỹ – Trung, các đời Tổng
thống trước ông Trump luôn ứng xử như “người bạn”, không tính chuyện
được mất, chỉ mù quáng tin rằng triển vọng sẽ tươi sáng, mong chờ cái
gọi là “cùng nhau phát triển”; nhưng Trump đã thay đổi, vì không muốn
“ảo tưởng”, vì trước thực tế tệ hại thì Mỹ phải có chiến lược mới đối
với Trung Quốc”, nhưng Mỹ làm vậy không phải để tạo thành một cuộc Chiến
tranh Lạnh Mỹ – Trung, chẳng qua là muốn giành được công bằng hơn trong
lĩnh vực kinh tế và thương mại.
Trình Hiểu Nông
(Bài viết chỉ đại diện cho quan điểm của cá nhân tác giả)
(Blog Trình Hiểu Nông)
Không có nhận xét nào