Công
hàm trao đổi dự án viện trợ không hoàn lại “Tăng cường năng lực kiểm
nghiệm cho Trung tâm Kiểm nghiệm kiểm chứng và Tư vấn chất lượng nông
lâm thủy sản để đảm bảo an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản” là văn kiện
duy nhất ‘có tiền’ được ký kết sau cuộc gặp tay đôi giữa Thủ tướng Việt
Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, lồng trong đợt
tham dự Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong - Nhật Bản lần thứ 10 vào tháng
Mười năm 2018 của ông Phúc.
Ông Phúc bắt tay thủ tướng Nhật, Shinzo Abe, tại văn phòng ông Abe tại Tokyo, 8 tháng 10, 2018. |
Nhiều
văn bản còn lại được ký giữa hai bên chỉ là dạng bản ghi nhớ - cái mà ở
Việt Nam có vô số kể và rất nhiều lần đã cho thấy là chẳng có giá trị
triển khai nào sau những chuyến công du phương Tây của giới chóp bu Việt
Nam.
Nhưng
kết quả đáng thất vọng nhất là vào lần này, Thủ tướng Shinzo Abe đã
chẳng có một lời hứa hẹn, và càng không có sự cam kết nào về việc ‘Nhật
Bản sẽ tăng cường hỗ trợ ODA cho Việt Nam’ hoặc ‘Nhật Bản sẽ dành cho
Việt Nam nguồn vốn ODA ưu đãi’, bất chấp Thủ tướng Phúc đã phải một lần
nữa đề nghị “Nhật Bản tăng cường hỗ trợ vốn ODA ưu đãi hơn cho Việt
Nam”.
Những ‘chính khách đang lên’
Không hiểu sao, Nguyễn Xuân Phúc không có nhiều ‘duyên’ với Nhật, nhất là về chuyện ‘xin tiền’.
Đây
là lần thứ hai Thủ tướng Phúc đi Nhật trong hai năm qua và cũng là lần
thứ hai liên tiếp ông ta không mang về được hình hài ODA nào.
Vào
tháng Sáu năm 2016, Nguyễn Xuân Phúc - khi đó vừa nhận chức vụ thủ
tướng Việt Nam, được xem là ‘chính khách đang lên’ và hẳn rất muốn chứng
tỏ vai trò đối ngoại của mình trước con mắt giới chính khách và giới
quan sát quốc tế, cũng như trước bộ sậu không kém thua ông ta về tham
vọng chính trị và mang đặc tính bỉ bôi kèn cựa trong nội bộ đảng Cộng
sản Việt Nam - đã đi Nhật để dự Hội Nghị G7 mở rộng. Nhưng kết quả của
chuyến đi này thật đáng thất vọng đối với ông Phúc và với cả giới chóp
bu Việt Nam: đã không có bất kỳ một hứa hẹn hay cam kết nào từ phía Nhật
về viện trợ cho Việt Nam.
Thậm
chí, Nguyễn Xuân Phúc còn ‘kém duyên’ hơn cả Trần Đại Quang - quan chức
được xem là ‘nguyên thủ quốc gia’ vừa phải về với tổ tiên và ngay lập
tức đã được Tổng bí thư Trọng ‘tiếp quản’ cái ghế chủ tịch nước - trong
hoạt động xin viện trợ ở Nhật.
Vào
cuối tháng Năm năm 2018 - nghĩa là 4 tháng trước khi chết, mặc dù trong
tình trạng bệnh tật trầm trọng nhưng Trần Đại Quang vẫn có một chuyến
công du đến Nhật và đạt được một kết quả nhỏ nhoi về xin viện trợ: phía
Nhật cung cấp thêm khoản viện trợ phát triển ODA cho Việt Nam trị giá 16
tỉ yên, tương đương 142 triệu USD, cho dự án nâng cao năng lực đào tạo
nghề. Dù rằng con số 16 tỷ yên trên chỉ bằng 10% số 160 tỷ yên mà Nhật
Bản hỗ trợ ODA cho Việt Nam hàng năm, trong 5 tính theo năm tài chính
Nhật Bản 2012-2016, trung bình mỗi năm.
Phương án “ăn sẵn”
Nhật
Bản là quốc gia tỏ ra hào phóng nhất trong chính sách cung cấp viện trợ
ODA cho Việt Nam. Từ năm 1992 khi cơ chế ODA được Nhật nối lại với Việt
Nam, cho tới nay Nhật đã cung cấp cho Hà Nội khoảng 25 tỷ USD. Trong 5
tính theo năm tài chính Nhật Bản 2012-2016, trung bình mỗi năm, Nhật Bản
hỗ trợ ODA cho Việt Nam là 160 tỷ yên (32.500 tỷ đồng) theo hình thức
vốn vay, 2,3 tỷ yên (467 tỷ đồng) theo hình thức viện trợ không hoàn lại
và 8,7 tỷ yên (1.760 tỷ đồng) theo hình thức hợp tác kỹ thuật.
Ngay
vào thời gian những năm 2015 và 2016 khi các chủ nợ lớn nhất của Việt
Nam là Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Ngân Hàng Phát Triển Á
Châu đồng loạt tuyên bố Việt Nam không còn được vay tín dụng với lãi
suất ưu đãi và thời gian ân hạn kể từ tháng Bảy, 2017, Nhật Bản vẫn
“trung thành” với Việt Nam khi tiếp tục đều đặn rót vào nước này từ 1 –
1,5 tỷ USD hàng năm cho các công trình xây dựng hạ tầng cơ sở.
Nhưng từ đầu năm 2017, viện trợ ODA của Nhật cho Việt Nam đã giảm dần.
2018,
sau vài chục năm “vay mượn, vay mượn ồ ạt cho đến khi sụp đổ,” ngân
sách Việt Nam đã biến thành một tổ mối đúng nghĩa: tỉ lệ nợ công/GDP
vượt xa giới hạn nguy hiểm, còn cộng đồng tài chính quốc tế đang thẳng
tay “cấm cửa” vay mượn ODA đối với chính thể mà ngay giới chuyên gia
quốc tế còn rành rẽ một giai thoại dân gian: một chương trình an sinh xã
hội của chính phủ Việt Nam nhận nguồn ODA có tên là ‘Chương trình 135’,
nhưng khi tiền được phân bổ từ cấp cơ quan trung ương xuống cơ quan địa
phương rồi đến tay người dân thì đã biến thành công thức ‘5 - 3 - 1’,
tức những người khốn khổ nhất trong xã hội lầm than này chỉ nhận một
phần quá nhỏ nhưng vẫn phải tự nguyện ‘cám ơn đảng và nhà nước ta’, cũng
tự nguyện làm bình phong để giới quan chức có cớ ‘xóa đói giảm nghèo’
để xin ODA.
Từ
nhiều năm qua, ODA đã trở thành một trong những quốc nạn về tham nhũng ở
Việt Nam. Tỷ lệ thất thoát bình quân tại nhiều dự án ODA được đồn đoán
khoảng 20 – 25%.
2018, sau vài chục năm nhận ‘lộc trời’, ODA đã trở thành một trong những bi kịch ‘vĩ đại’ nhất của chính thể Việt Nam.
Bi
kịch đến nỗi mà vào một buổi sáng mùa thu năm 2017, Thủ tướng Phúc đã
phải “đề nghị Ngân hàng thế giới tìm kiếm nguồn vốn tài trợ cho Việt Nam
các khoản không hoàn lại để giảm tối đa làm chi phí vay vốn, tăng thành
tố ưu đãi của các khoản vay” - cử chỉ xin tiền đầu tiên và hình như
không còn quá chú tâm về lòng tự trọng kể từ ngày quan chức này phải
lãnh trách nhiệm ‘đổ vỏ’ cho đời thủ tướng trước bị xem là ‘phá chưa
từng có’ là Nguyễn Tấn Dũng…
Dường
như giới quan chức chính phủ đang tính đến phương án “ăn sẵn”: thay vì
phải đi vay mượn nhưng sẽ cột chặt thêm trách nhiệm phải trả nợ, cần cố
gắng xin được viện trợ không hoàn lại mà sẽ không gắn với bất kỳ trách
nhiệm thanh toán nào.
Và
bi kịch đến mức mà vào cuối tháng Sáu năm 2018, cuộc gặp của Phó Thủ
tướng Vương Đình Huệ với Bộ Tài chính Hoa Kỳ ở Washington đã khiến lộ
ra một ‘bí mật quốc gia’ mà mấy năm qua giới quan chức Việt Nam cố tình
giấu nhẹm: ông Huệ đề nghị Mỹ “mở lại kênh cho vay ODA và vay ưu đãi cho
Việt Nam, tăng cường các chương trình viện trợ trực tiếp và gián
tiếp thông qua các tổ chức phi chính phủ để thực hiện các dự án nhân
đạo và hỗ trợ phát triển tại Việt Nam”.
Cũng có nghĩa là trong những năm gần đây, lượng ODA và viện trợ không hoàn lại được cấp từ Mỹ cho Việt Nam đã giảm về 0.
Nhưng
Mỹ không phải là quốc gia duy nhất đặt Việt Nam vào trạng thái zero
viện trợ, mà động thái này như thể ‘không hẹn mà gặp’ đã diễn ra phổ
biến ở gần hết các nước cấp viện trợ cho Việt Nam, dẫn đến một phát hiện
lớn mà ‘đảng và nhà nước ta’ đã không dám công bố trong suốt 4 năm qua:
từ năm 2014 đến năm 2018, viện trợ ODA cho Việt Nam luôn cận kề với
vạch 0.
Lại ‘tiết lộ bí mật quốc gia’
Đến
lúc này, người ta đã có thể hiểu vì sao giới quan chức cao cấp Việt Nam
đã tận dụng các sự kiện hội thảo quốc tế, các cuộc gặp song phương ở Hà
Nội lẫn các chuyến công du nước ngoài để phát ngôn ‘xin tiền’ không
biết mệt mỏi.
Nhưng
cần nhìn nhận một sự thật mà có lẽ giới tuyên giáo đảng ở Việt Nam
chẳng hề muốn đả động: những chuyến công du của người vừa chết là Trần
Đại Quang và người còn sống là Nguyễn Xuân Phúc đến Nhật Bản diễn ra
trong bối cảnh Việt Nam đã bước vào năm suy thoái kinh tế thứ 10 liên
tiếp, nợ xấu ngập đầu còn nợ công phi mã đến 210% GDP, ngân sách có nguy
cơ cạn kiệt, trong lúc các kênh “ngoại viện” gần như đóng lại. Ngay cả
Hiệp Định TPP mà giới lãnh đạo Việt Nam từng cố công trông đợi để được
“tăng 25% GDP” cũng gần như chẳng có hy vọng gì để Việt Nam hưởng lợi
lớn. Trong khi đó, một hiệp định khác – hiệp định tự do thương mại giữa
Việt Nam và Liên Minh Châu Âu – cũng chưa đi tới đâu, cho dù đã được ký
kết từ cuối năm 2015. Nghị Viện Châu Âu còn đang cân nhắc có nên thông
qua việc triển khai hiệp định này hay không khi chính quyền Việt Nam vẫn
thẳng tay đàn áp nhân quyền.
Sau
vụ ‘tiết lộ bí mật quốc gia’ của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ ở Mỹ, đề
nghị “Nhật Bản tăng cường hỗ trợ vốn ODA ưu đãi hơn cho Việt Nam” của
Thủ tướng Phúc đã khiến lộ thêm một sự thật trần trụi khác: sau khi hàng
loạt tổ chức tín dụng quốc tế như Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc
tế, Ngân hàng Phát triển Á châu… đã ‘cấm cửa’ ODA ưu đãi (lãi suất thấp
và thời gian ân hạn) đối với chính thể độc đảng ở Việt Nam, đến lúc này
ngay cả quốc gia mà Hà Nội luôn vuốt ve ‘làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối
tác chiến lược Việt - Nhật’ không chỉ hạn chế cung cấp lượng ODA mà còn
hạn chế cả tính chất ưu đãi của nó.
Nếu từ năm 2014, Việt Nam đã gần như trắng tay ODA, thì vào năm 2018 này, có thể xem là không còn ‘ODA ưu đãi’ nữa.
Phạm Chí Dũng
(Blog VOA)
Không có nhận xét nào