Ở trại tù Z 30 C Hàm Tân vào mỗi buổi
sáng, những người tù đợi đi lao động, nhưng sớm hơn có một ông già lúc
nào cũng với bộ quần áo trắng đã ngả qua màu cháo lòng đẩy chiếc xe cải
tiến chứa phân Bắc của tù đem đi. Sáng nào cũng vậy, ít ai biết Ông là
ai.
Nhà sách Khai Trí ở Saigon trước năm 1975. Ảnh trên mạng |
Người
Sài Gòn gọi ông là “ông Khai Trí” (theo tên nhà sách – nhà xuất bản do
ông làm chủ). Hết sức quảng bác nhưng ông lại rất ít nói về mình, nên ít
người biết ông chính là tấm gương sống động: từ hai bàn tay trắng trở
thành người kinh doanh ngành sách lớn nhất và uy tín nhất miền Nam.
Ông
Khai Trí” tên thật là Nguyễn Hùng Trương, sinh năm 1926 tại Thủ Đức.
Thuở nhỏ, ông thường nhịn ăn sáng, dùng 2 đồng xu mẹ cho để mua báo đọc.
Lên Sài Gòn học trung học ở Petrus Ký, ông được sắm cho chiếc xe đạp cũ
để cuối tuần đạp về nhà, đầu tuần trở lên với món tiền đủ để tiêu xài
dè sẻn trong tuần. Nhưng cứ mỗi chiều thứ hai là ông tiêu sạch số tiền
đó vào sách báo rồi cả tuần nhịn ăn sáng, chỉ uống nước lã cho đỡ đói.
Sách
ông mua hầu hết là sách báo nước ngoài, vào thập niên 1940 ông đã gây
dựng được một tủ sách có giá trị. Bạn bè đến chơi, thấy ông có nhiều
sách hay thường nhờ ông mua giùm. Có lần, chỉ 5 người nhờ nhưng ông mua
đến 10 cuốn để được hưởng 30% hoa hồng. Số sách dư ra, ông đem ký gửi ở
quán sách. Ba hôm sau, người chủ quán hỏi ông sách loại đó còn không,
nếu còn thì đem tới tiếp vì sách gửi trước đã bán hết rồi.
Từ
đó ông nảy ra ý định mua sách báo ở nước ngoài về gửi bán. Sách ông
chọn là loại sách có giá trị, quý hiếm, nhiều người cần mà trong nước
không bán. Lúc đầu mua mỗi thứ vài chục cuốn, thấy bán chạy ông mới tăng
số lượng lên, có khi cả nghìn cuốn.
Nhờ
cố gắng làm việc không quản mệt mỏi, tiết kiệm từng đồng nên đến năm
1952 ông Khai Trí đủ vốn để mở một hiệu sách nhỏ tại 62 đại lộ Bonard
(nay là Lê Lợi), đặt tên là Nhà sách Khai Trí (nay là Nhà sách Sài Gòn).
Đây là nhà sách đầu tiên ở Việt Nam bán hàng theo kiểu tự chọn, khách
có thể đứng đọc tại chỗ hàng giờ rồi đi ra mà không phải mua. Nữ nhân
viên bán hàng mặc đồng phục, lúc nào cũng vui vẻ ân cần, trông nom một
cách kín đáo…
Những
điều này hiện nay được áp dụng ở đa số hiệu sách nhưng vào thời điểm đó
thì quá mới mẻ và rất được khách hàng ủng hộ, nhờ vậy mà sau đó nhà
sách được mở rộng thêm 2 căn liền kề với nhiều tầng lầu.
Nhà sách Khai Trí còn phụ trách cả việc xuất bản sách với những đầu sách được chọn lựa kỹ càng và phong phú.
Một
thú chơi đặc biệt của ông Trương nữa là sưu tầm sách báo (chỉ riêng tờ
báo Pháp ngữ Le Monde, ông có từ số đầu tiên cho tới ngày 30/4/1975).
Ông còn cùng nhà văn Nhật Tiến chủ trương ra Tuần báo Thiếu Nhi và là
soạn giả của nhiều đầu sách có giá trị.
Riêng
trong khoảng 10 năm từ 1993 đến 2003, ông đã tuyển chọn và biên soạn
khoảng 15 cuốn sách: Thơ tình Việt Nam và thế giới chọn lọc, Quê em mến
yêu, Làm con nên nhớ, Chánh tả cho người miền Nam, Huế mến yêu, Những
bài thơ hay trong văn chương Việt Nam…
Nhà
văn Nguyễn Thụy Long (tác giả của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Loan mắt
nhung,” một cuốn tiểu thuyết mà sau này giới nghiên cứu miền Bắc sau
1975 cũng hết lời ca ngợi) có viết một bài nhan đề “Vĩnh biệt ông Khai
Trí,” trong đó có nhắc đến hoàn cảnh đau thương của ông Khai Trí sau
1975:
“Ông
Khai Trí qua đời lúc 5 giờ 15 ngày 11 tháng 3 năm 2005, thọ 80 tuổi sau
hai tuần nằm bệnh viện. Ông mất đi do sức già lực kiệt, nhiều năm ông
cố gắng tranh đấu để xin lại hiệu sách vĩ đại của ông sau khi bị nhà
nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa tịch thu, sau đợt cải tạo văn hóa 1976
tại Sài Gòn. Tiệm sách của ông tại đường Lê Lợi mang tên Khai Trí bị nhà
nước “quản lý”, nay mang tên Phahasa của nhà nước.
Thuở
đó, sau khi các sĩ quan chế độ Việt Nam Cộng Hòa bị đi cải tạo trước,
đến lượt những văn nghệ sĩ bị bắt, tác phẩm thiêu đốt và họ đều bị coi
là kẻ có tội, đương nhiên bị bôi nhọ, kết tội là Biệt Kích Văn Nghệ.
Ông
Khai Trí cũng bị coi là tội phạm, liệt vào hàng văn nghệ sĩ và bị bỏ
tù, vì người chiến thắng cho ông là người kinh doanh và phát triển cái
văn hóa đồi trụy. Những người đã từng sống ở miền Nam trước giải phóng,
ai cũng biết đến ông. Gọi là ông Khai Trí mà quên cái tên cúng cơm của
ông là Nguyễn Hùng Trương, ông làm được nhiều công việc lợi ích cho văn
hóa Việt Nam, cả đời ông đam mê công việc ấy. Và ông quen biết rất nhiều
văn nghệ sĩ ở miền Nam, kể cả những văn nghệ sĩ Bắc di cư 1954.
Ông
Khai Trí lại ra tay giúp đỡ nhiều anh em văn nghệ sĩ gặp hoàn cảnh khó
khăn, mua tác phẩm của họ, tuy chưa in còn để đấy nhưng ông vẫn trả tiền
đầy đủ không thiếu một xu. Ngoài ra ông tài trợ cho nhiều tờ báo hồi đó
ở Sài Gòn. Tôi không biết nhiều, nhưng tôi biết về tờ báo Sống của Chu
Tử, cũng có sự góp sức về mặt tiền bạc.
Bao
nhiêu lần tôi đi qua đường Lê Lợi, tôi nhìn thấy ông Khai Trí buồn bã
đứng ở góc đường đó, nhìn sang hiệu sách cũ của mình mang tên mới là
Phahasa.
Một lần khác, cũng trong bữa giỗ ông Chu Tử, tôi hỏi ông Khai Trí về việc xin lại nhà sách Khai Trí đến đâu rồi?
Ông cười chua chát:
– Phải đến năm 3000 thì may ra…
Ngày
ông bị bắt, bị bỏ tù, bao nhiêu bài báo nói xấu ông, kết tội ông còn
dấu bao nhiêu kho sách Ngụy, không thành thật khai báo. Chuyện thế thái
nhân tình lúc ông gặp hoạn nạn, những kẻ trước đây từng chịu ơn ông, tố
cáo ông bao nhiêu là tội kể cả những điều không có để lập công.
Buổi
lễ tang ông Khai Trí, tại nhà ông đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Phan thanh
Giản cũ) tôi gặp nhiều bạn bè của ông, những người thuộc chế độ Sài Gòn
cũ đến thắp cho ông những nén nhang và chia xẻ sự thương tiếc với gia
đình ông.
Nhà văn Nguyễn Thụy Long ngâm ngùi tiếp:
…Tôi
nhớ mãi dáng ông Khai Trí đứng nhìn lên hiệu sách cũ của mình và câu
nói chán nản của ông, năm 3000 thì người ta trả lại cho ông nhà sách
Khai Trí. Sao mà chua chát thế cho ông Khai Trí Nguyễn Hùng Trương, cả
một đời chỉ có một đam mê là làm văn hóa, giữ gìn cái hay, cái đẹp cho
thế hệ mai sau.
Phuong Julia
(FB Phuong Julia)
Không có nhận xét nào