Nhằm
khôi phục một Nhà nước mạnh cũng như uy tín của ĐCSVN, Tổng bí thư Đảng
Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Chủ tịch Quốc Hội
Nguyễn Sinh Hùng đã lập ra một liên minh chống Dũng với ông Trọng là hạt
nhân. Kết quả là Nguyễn Tấn Dũng đã bị loại khỏi Ban chấp hành trung
ương mới được bầu tại Đại hội Đảng lần thứ 12.
TBT Nguyễn Phú Trọng trong ngày “lên ngôi” |
Sau
khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời vào năm 1969, những người thừa kế di
sản của ông trong Bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) dường như
thỏa thuận với nhau rằng, không ai sẽ đồng thời là người đứng đầu Đảng
và Chủ tịch nước để thay thế ông. Theo thỏa thuận đó, công việc quốc gia
trong gần nửa thế kỷ đã được quyết định bởi các thành viên cao cấp của
Đảng nắm giữ bốn vị trí lãnh đạo Đảng – Nhà nước hàng đầu, được gọi là
“tứ trụ” – Tổng bí thư Đảng, Chủ tịch nước, Thủ tướng, và Chủ tịch Quốc
Hội – mặc dù người đứng đầu Đảng có tiếng nói quan trọng nhất.
Nhưng
điều này đã thay đổi sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời vào
cuối tháng 9. Vào ngày 2 tháng 10 năm 2018, Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp
hành trung ương Đảng đã nhất trí đề cử Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào
chức Chủ tịch nước. Trong một chế độ độc đảng với Quốc Hội gồm hơn 90%
thành viên là Đảng viên ĐCSVN, việc bầu ông Trọng làm Chủ tịch nước –
diễn ra vào ngày 23 tháng 10 – đơn thuần chỉ là thủ tục.
Khi
lựa chọn ông Trọng để giữ hai chức vụ lãnh đạo, ban lãnh đạo ĐCSVN đã
gián tiếp bị ảnh hưởng bởi sự tập quyền của Tổng bí thư Đảng cộng sản
Trung Quốc (ĐCSTQ) và là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Với việc ông
Nguyễn Phú Trọng nắm hai chức vụ lãnh đạo chủ chốt, liệu có hệ quả và
kết quả nào cho Việt Nam?
Theo gương Trung Quốc
Vào
cuối Chiến Tranh Lạnh, trừ Việt Nam, Lào và Trung Quốc, các nước cộng
sản khác đã kết hợp làm một chức vụ Tổng bí thư Đảng và Chủ tịch nước.
Sau khi một loạt các nước cộng sản tan rã vào cuối những năm 1980, Lào
và Trung Quốc đã nhất thể hóa hai vị trí này, lần lượt vào năm 1991 và
1993, nhằm hội nhập quốc tế sâu hơn, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu
hóa kinh tế. Như vậy, Trung Quốc chỉ là một trong nhiều nước đã sáp nhập
vai trò nguyên thủ quốc gia và vai trò người đứng đầu Đảng. Về phương
diện này, Việt Nam là một ngoại lệ.
Rõ
ràng, Việt Nam đã không hoàn toàn theo đồ án chính trị của Trung Quốc.
Mặc dầu vậy, khi so sánh những thay đổi xã hội – kinh tế và chính trị
diễn ra ở cả hai nước sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, không thể
phủ nhận được rằng Việt Nam đã theo mô hình Trung Quốc, với độ trễ vài
năm, trong một số lĩnh vực chính sách chủ chốt khác.
Trước
tiên, Việt Nam theo gương Trung Quốc trong chính sách kinh tế vào những
năm 1980. Tháng 12 năm 1978, Ban chấp hành trung ương ĐCSTQ quyết định
xóa bỏ tập thể hóa nông nghiệp để phát triển canh tác tư nhân qui mô
nhỏ. Tương tự, tháng 1 năm 1981, Ban bí thư ĐCSVN ban hành Chỉ thị 100
về khoán sản phẩm nông nghiệp đến nhóm lao động và người lao động. Năm
1980, Trung Quốc thành lập đặc khu kinh tế đầu tiên tại Sán Đầu nhằm thử
nghiệm một chương trình kinh tế chủ chốt, điều mà nhiều người chỉ rõ là
những bước đầu tiên nhằm mở rộng qui mô thị trường hóa nền kinh tế
Trung Quốc lẫn qui mô đầu tư nước ngoài. Sáu năm sau, năm 1986, Đại hội
lần thứ 6 ĐCSVN phát động một chương trình cải cách kinh tế, gọi là “Đổi
Mới”, bằng cách chuyển nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh
tế hàng hóa nhiều thành phần hoạt động theo cơ chế thị trường.
Ban
lãnh đạo Việt Nam cũng theo mô hình Trung Quốc về chống tham nhũng. Từ
năm 2012, ngay sau khi trở thành lãnh tụ tối cao, Tập Cận Bình đã tiến
hành chiến dịch chống tham nhũng lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc đương
đại. Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương ĐCSTQ đã được Bắc Kinh sử dụng
như công cụ triển khai chính. Tương tự, ngay sau khi được bầu làm Tổng
bí thư ĐCSVN nhiệm kỳ 2, ông Nguyễn Phú Trọng đã phát động một cuộc tổng
tấn công vào tham nhũng với lực lượng chủ công là Ủy ban kiểm tra trung
ương của Đảng.
Khi
xem xét những điểm tương đồng kể trên giữa hai nước đồng thời là láng
giềng, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu hình ảnh một nhà lãnh đạo mạnh mẽ
và hiệu quả do Tập Cận Bình tạo ra đã quyến rũ một ban lãnh đạo Việt Nam
quyết tâm chống tham nhũng để duy trì chế độ cộng sản ở Việt Nam. Suy
cho cùng, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã từ lâu ngưỡng mộ quyền lực của
các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Khôi phục một Nhà nước mạnh
Trước
Đại hội ĐCSVN lần thứ 12, hay nói chính xác hơn, dưới hai nhiệm kỳ của
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, từ 2006 đến 2016, Nhà nước Việt Nam rất yếu.
Do đường lối tham nhũng và cậy mình nắm quyền lực vô biên với tư cách là
người nắm các nguồn lực của Nhà nước, Nguyễn Tấn Dũng không chỉ lờ đi
ba “trụ” còn lại trong việc hoạch định quản lý quốc gia mà còn lũng đoạn
các thể chế nhằm tư lợi. Tham nhũng dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
đã làm Nhà nước Việt Nam không chỉ mất khả năng bảo vệ các công dân của
mình chống lại cướp đoạt tài sản và nhũng nhiễu từ giới quan chức chính
quyền, mà còn làm Nhà nước này bất lực một cách tiềm tàng trước Trung
Quốc liên tục đe dọa chủ quyền lãnh thổ và kinh tế của Việt Nam.
Nhằm
khôi phục một Nhà nước mạnh cũng như uy tín của ĐCSVN, Tổng bí thư Đảng
Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Chủ tịch Quốc Hội
Nguyễn Sinh Hùng đã lập ra một liên minh chống Dũng với ông Trọng là hạt
nhân. Kết quả là Nguyễn Tấn Dũng đã bị loại khỏi Ban chấp hành trung
ương mới được bầu tại Đại hội Đảng lần thứ 12. Trong bối cảnh của một
chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt, Tổng bí thư Trọng, người đồng
thời là Trưởng Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng của
Đảng, làm Chủ tịch nước là một diễn biến chính trị logic.
Cách
đây hai năm, tôi đã chỉ rõ điều này trong bài báo tiếng Việt của tôi có
nhan đề “Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước, chống
tham nhũng mới thành công”. Những người ủng hộ ông Trọng sẽ lập luận
rằng chức vụ Nhà nước mới này của ông sẽ giúp ông và Đảng thực hiện các
chính sách của mình mà không gặp trở ngại. Quan trọng hơn, việc ông
Trọng làm Chủ tịch nước sẽ trách nhiệm hóa Đảng bằng cách không còn cho
phép Đảng nói rằng chính sách của Đảng là đúng đắn nhưng Nhà nước đã làm
sai.
Có
được lãnh đạo Nhà nước mạnh do Nguyễn Phú Trọng đóng hai vai cũng sẽ
tạo cho Việt Nam một vị thế tốt hơn trong việc bảo vệ lợi ích dân tộc
trước Trung Quốc. Những nỗ lực từ lâu của Trung Quốc nhằm gây ảnh hưởng
với các nhà lãnh đạo Việt Nam có thể đã bắt đầu thành công dưới thời Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng vì tham nhũng đã lên đến cấp cao nhất. Dưới thời
Thủ tướng Dũng, doanh nghiệp Trung Quốc đã kiểm soát một số lĩnh vực
chiến lược và nhiều địa bàn chiến lược ở Tây Nguyên và các vùng ven biển
của Việt Nam. Tuy nhiên, từ Đại hội ĐCSVN lần thứ 12 họp vào tháng 1
năm 2016, khi ông Trọng thành công trong việc loại Dũng ra khỏi Ban chấp
hành trung ương mới, đã không có doanh nghiệp Trung Quốc nào được phép
vào Việt Nam để thiết lập cơ sở đầu tư. Trong khi ông Trọng vẫn bảo thủ
trong mong muốn duy trì chế độ độc đảng, việc ông nổi tiếng là nhà lãnh
đạo liêm khiết và là người theo chủ nghĩa dân tộc nhiệt thành có thể cho
phép ông theo đuổi lợi ích quốc gia từ một vị thế vững chãi.
Về
phía Mỹ, chính quyền Trump chắc chắn phải hoan nghênh một Nhà nước Việt
Nam mạnh mẽ cho dù bất đồng sâu sắc với chính phủ Việt Nam về các vấn
đề dân chủ và nhân quyền. Thực vậy, Việt Nam với một Nhà nước yếu chắc
chắn sẽ trở thành mồi ngon cho Trung Quốc bá quyền và bành trướng, điều
này sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng, thậm chí không thể sửa chữa được, cho
lợi ích của Mỹ.
Cù Huy Hà Vũ
* Cù Huy Hà Vũ là Tiến sĩ Luật. Ông là nhà bất đồng chính kiến và cựu tù nhân chính trị Việt Nam.
(Tin tức Hàng ngày)
Không có nhận xét nào